Lần đầu tiên TPHCM lọt vào nhóm dẫn đầu

Lần đầu tiên sau 10 năm, TPHCM lọt vào nhóm điều hành rất tốt (Đà Nẵng tiếp tục vị trí dẫn đầu)… Đó là những điểm đáng chú ý tại buổi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp công bố ngày 16-4.
Lần đầu tiên TPHCM lọt vào nhóm dẫn đầu

Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014

Lần đầu tiên sau 10 năm, TPHCM lọt vào nhóm điều hành rất tốt (Đà Nẵng tiếp tục vị trí dẫn đầu)… Đó là những điểm đáng chú ý tại buổi công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp công bố ngày 16-4.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Hansae - Hàn Quốc tại KCN Tây Bắc Củ Chi. Ảnh: Việt Dũng

“Bước nhảy” của TPHCM

PCI 2014 tiếp tục ghi nhận Đà Nẵng ở vị trí dẫn đầu, với 66,87 điểm.  Đây là năm thứ 2 liên tiếp Đà Nẵng giành vị trí số 1 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sau khi để lọt vị trí này vào tay Đồng Tháp năm 2012. Như vậy tính chung trong vòng 10 năm - kể từ khi PCI được công bố, Đà Nẵng đã có 5 lần dẫn đầu cả nước.

Điểm đáng chú ý là sau 10 năm, lần đầu tiên TPHCM đứng vào nhóm 5 địa phương có năng lực điều hành tốt nhất khi xếp thứ 4 (62,73 điểm). Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), thành tích của TPHCM là rất đáng ghi nhận. Bởi lẽ TPHCM là nơi được coi là đầu tàu của kinh tế, có số doanh nghiệp được điều tra lớn nhất (500-600 doanh nghiệp) và cái khó của địa phương như TPHCM chính là sự “khó tính” của doanh nghiệp so với các nơi khác. Điều này cho thấy, doanh nghiệp dân doanh đã có sự đánh giá cao năng lực điều hành của TPHCM năm 2014. Điểm nổi trội của TPHCM năm qua được doanh nghiệp ghi nhận cao nhất là gia nhập thị trường với 7,25 điểm, tiếp đến là đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp với lần lượt 7,19 điểm và 7,14 điểm.

Một đầu tàu kinh tế khác là Hà Nội, năm 2014 xếp vị trí thứ 26 - tăng 7 bậc so với năm 2013. Thế nhưng, nếu nhìn vào điểm số thành phần của Hà Nội có thể thấy vẫn còn những lo ngại. Trong đó, đáng lưu ý nhất là chỉ số “Tính năng động” của chính quyền địa phương chỉ có 3,08 điểm - đứng vị trí cuối cùng so với 62 địa phương còn lại.

Trong nhóm 6 tỉnh, thành phố có điểm PCI thấp, Điện Biên dẫn đầu với chỉ 50,32 điểm; Lai Châu (50,6 điểm), Cao Bằng (52,04 điểm), Hà Giang (52,47 điểm), Bắc Kạn (53,02 điểm), Cà Mau (53,22 điểm)

Cuộc khảo sát gần 1.500 doanh nghiệp FDI đến từ 43 quốc gia khác nhau, hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố của Việt Nam có mật độ doanh nghiệp FDI tập trung cao nhất cũng đưa ra nhiều kết quả chú ý. Đó là tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp FDI khi năm 2014 có trên 16% cho biết đã tăng đầu tư hoạt động và 65% tuyển thêm lao động mới - số lượng việc làm theo điều tra PCI-FDI được ghi nhận tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Cùng với đó là tín hiệu khởi sắc về triển vọng tương lai. Theo đó, tâm lý lạc quan về kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2014, trên một nửa số doanh nghiệp trong mẫu điều tra PCI-FDI cho biết có ý định tăng quy mô hoạt động - cao nhất kể từ năm 2010.

Tăng đầu tư, mở rộng sản xuất

Một nội dung trong điều tra PCI-FDI đáng quan tâm là câu hỏi về việc doanh nghiệp FDI được đánh giá như thế nào trong tương quan so sánh với các nước khác? Kết quả cho thấy, khoảng nửa số doanh nghiệp FDI, trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác (như Trung Quốc (20,5%), Thái Lan (18%) và Campuchia (13,9%). Tuy nhiên, điểm đáng suy nghĩ là tỷ lệ lựa chọn quốc gia khác cạnh tranh với Việt Nam đều tăng so với năm 2013. “Sự gia tăng này tự thân nó là một chỉ báo quan trọng về lợi thế của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam dường như không còn là điểm đến được ưu ái nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế như giai đoạn 2007-2010, mà hiện giờ phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực (như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia) và một số nước mới nổi như: Lào, Philippines...”, báo cáo nhận định.

Cũng theo nghiên cứu, trong số nhà đầu tư nước ngoài hiện có tại Việt Nam, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác khi cân nhắc địa điểm đầu tư, trong khi chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia. Các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác thể hiện ở: mức thuế hợp lý; rủi ro bị thu hồi tài sản thấp; bất ổn chính sách thấp… Các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ chung cảm nhận là môi trường kinh doanh của Việt Nam đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức ngày càng có chiều hướng đáng lo ngại, gánh nặng quy định, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế) và chất lượng của cơ sở hạ tầng.

Một điểm mới trong PCI 2014 là lần đầu tiên đưa ra những cảm nhận của doanh nghiệp về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có khoảng 70% doanh nghiệp dân doanh và FDI biết tới hiệp định TPP. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết chỉ ở mức hạn chế. Rất ít doanh nghiệp đã và đang theo dõi sát sao các hoạt động đàm phán hoặc hiểu rõ những tác động tiềm tàng của hiệp định đối với doanh nghiệp của họ.

Kết quả này đã phần nào nói lên khả năng nắm bắt thông tin của doanh nghiệp cũng như mức độ thông tin sẵn có ở Việt Nam. Xét về mức độ ủng hộ, hơn 66% doanh nghiệp trong nước rất ủng hộ hoặc ủng hộ tham gia TPP nhưng vẫn lo lắng, quan ngại. Các doanh nghiệp nước ngoài thể hiện thái độ thận trọng hơn khi khoảng 25% doanh nghiệp ủng hộ TPP, trong khi số còn lại thể hiện thái độ thờ ơ hoặc cho biết hiệp định không ảnh hưởng tới doanh nghiệp mình.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục