
Có thời gian dài, các trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) bỏ qua chất lượng đào tạo khi không tái đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng đào tạo. Và lẽ đương nhiên, sản phẩm của những trường này “ra lò” hay bị xã hội từ chối. Hệ quả tất yếu là những trường này tuyển sinh không được và lâm nợ, từ đó dẫn đến ngày càng suy yếu.

Một số thành viên trong Hội đồng quản trị Trường ĐH Hùng Vương TPHCM mâu thuẫn gay gắt với nhà đầu tư mới.
Tuyển sinh khó
Những năm gần đây, tình hình tuyển sinh của các trường NCL gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, các trường ĐH chỉ gọi được khoảng 88% sinh viên mới nhập học so với chỉ tiêu. Trong đó, nhiều trường ĐH NCL chỉ tuyển được 30%-40% tổng chỉ tiêu được giao. Tình hình còn khó khăn hơn ở bậc CĐ khi tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu, đạt 78% và ở trung cấp là 63%. Đến năm 2013, trong số 353 trường ĐH-CĐ tuyển sinh thì có đến hơn 1/3 tổng số trường (98 trường) có tỷ lệ nhập học dưới 50% chỉ tiêu. Trong đó ở bậc ĐH có 25 trường (tất cả đều NCL) và ở bậc CĐ có 73 trường (58 trường công lập và 15 trường NCL).
Năm 2014, tình hình tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH-CĐ NCL cũng không khá hơn. Nguyên nhân do thành lập quá nhiều trường ĐH-CĐ mới trong thời gian ngắn (kèm theo việc giao chỉ tiêu tuyển sinh), khiến việc tuyển đủ chỉ tiêu của các trường ĐH nói chung và các trường ĐH NCL nói riêng không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nếu suy xét sẽ thấy rõ nguyên nhân chính không phải do có quá nhiều trường mới thành lập, nâng cấp hay học sinh THPT ít dần mà cái chính vẫn là chất lượng đào tạo của các trường. Đây là vấn đề sống còn mà nhiều trường NCL với tầm nhìn ngắn hạn đã không quan tâm đến.
Làn sóng mua bán trường
Khi thành lập trường, chắc hẳn những nhà đầu tư đều muốn xây dựng một đơn vị trường tồn, đặc biệt khi tổ chức đó là một trường ĐH. Điều dễ thấy ở các trường ĐH NCL thành công là do họ có tầm nhìn dài hạn, bắt tay ngay vào việc xây dựng những giá trị lâu dài để đứa con tinh thần phát triển vững chắc. Tuy nhiên, số trường như vậy không nhiều; các trường còn lại chủ yếu phải vật lộn với bài toán ngắn hạn trước mắt.
Vài năm trở lại đây, việc mua - bán các trường tư diễn ra khá sôi nổi. Sau nhiều năm gắng gượng, cuối cùng các nhà đầu tư của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) phải ngậm ngùi sang tay cho chủ đầu tư mới vào năm 2014. Nhà đầu tư mới của UEF chính là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục Hutech (mức giá chuyển nhượng khoảng 180 tỷ đồng). Năm 2013, Trường ĐH Phan Thiết cũng được bán cho một nhóm nhà đầu tư mới với giá khoảng 60 tỷ đồng. Điều đáng nói, những nhà đầu tư này đều có chân trong hội đồng quản trị của ít nhất là một trường ĐH khác. Trước đó, Trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) được bán lại cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Sau một thời gian lùm xùm, kiện cáo và mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng dẫn đến bị đình chỉ tuyển sinh, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn được bán lại cho ông Lê Lâm với giá khoảng 30 tỷ đồng. Đến năm 2014, ông này tiếp tục mua lại Trường CĐ Việt Tiến (Đà Nẵng) cùng với mức giá trên. Mới đây nhất, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng được bán cho Tập đoàn Công nghệ giáo dục Nguyễn Hoàng với giá khoảng 500 tỷ đồng.
Vì đâu nên nỗi?
Có thể nói, không một ai muốn bán đi đứa con tinh thần mà mình đã dày công xây dựng. Tuy nhiên, trước muôn vàn khó khăn thì không còn giải pháp nào khác là phải ngậm ngùi mua đứt bán đoạn.
Trở lại câu chuyện của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nguyên nhân dẫn đến phải bán trường chính do tình hình tài chính cạn kiệt với khoản nợ lên đến cả trăm tỷ đồng. Cùng với đó, vài năm trở lại đây tình hình tuyển sinh của trường này cũng trở nên khó khăn, lương của người lao động bị “ngâm” đến vài ba tháng. Nguyên nhân kế đến là chủ của ngôi trường đã quá lớn tuổi và không thể quản trị trường tốt như trước đây.
Trong khi đó, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn khi được bán cho ông Lê Lâm đã rơi vào cảnh tồi tệ. Hiệu trưởng bị kiện cáo, tình hình tài chính cạn kiệt, nợ lương giảng viên, bị đình chỉ tuyển sinh. Chưa dừng lại đó, khi vừa mua lại trường, nhà đầu tư phải đi hầu tòa giải quyết chuyện tiền bạc do nhà trường nợ lương giảng viên không trả.
Năm 2010, trước tình hình khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất thiếu thốn, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) làm nhà đầu tư chiến lược của Trường Đại học dân lập (ĐHDL) Văn Hiến với cam kết đầu tư 180 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, đã làm nức lòng cán bộ giảng viên cũng như sinh viên của trường. Tuy nhiên, sau 1 năm nhìn lại, những cam kết của nhà đầu tư vẫn chỉ trên giấy và người học, tập thể lao động trong trường đang ngậm ngùi nếm trái đắng. Đến năm 2013, Công ty cổ phần Phát triển Hùng Hậu trở thành nhà đầu tư mới của Trường ĐHDL Văn Hiến.
Có thể nói, việc mua bán cổ phần hay thay đổi nhà đầu tư là chuyện bình thường. Tuy nhiên, với các trường ĐH NCL hiện nay, việc mua bán ngày một sôi động vì nguyên nhân chính là trường không thể phát triển và đứng trước nguy cơ phá sản.
Đầu năm 2013, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL đã làm đơn kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng. Nguyên nhân chính do nhiều năm liền, các trường tuyển được rất ít sinh viên. Ngay cả những trường rất khá về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên… cũng khó tuyển. Thiếu sinh viên thì không đủ để mở ngành, thừa thầy, dư phòng học, các trường không đủ kinh phí duy trì, càng hoạt động càng lỗ… và đứng trước nguy cơ tan rã.
Thanh Hùng
- Bài 1: Chưa trưởng thành đã suy yếu