Lần theo dấu hổ ở... Sài Gòn

Lần theo dấu hổ ở... Sài Gòn

Nhân sự kiện hổ cái sinh con ở môi trường nuôi nhốt tại Khu Du lịch (KDL) văn hóa Suối Tiên (Q.9, TPHCM), dư luận lại râm ran chuyện hổ và thị trường cao hổ cốt cũng rục rịch chuyển động.

  • Gặm căm hờn trong cũi sắt
Lần theo dấu hổ ở... Sài Gòn ảnh 1

Đó là tâm trạng của hầu hết dòng họ nhà hổ có mặt tại các công viên, vườn bách thú trên trái đất mà nhà thơ Thế Lữ đã miêu tả trong bài thơ “Nhớ rừng” nhưng tôi đồ rằng với riêng hai con hổ 5,5 tuổi sống tại KDL Văn hóa Suối Tiên thì chưa hẳn, bởi từ bé chúng đã ở trong chuồng, lớn lên rồi duy trì nòi giống cũng tại đây. Kỹ sư Trần Minh Kha (phụ trách sản xuất, kinh doanh) kể: “Mới có mấy tháng tuổi chúng đã quen hơi người rồi, bây giờ chúng dạn đến nỗi cho nhân viên chăm sóc gãi cổ, vuốt đầu, kéo đuôi như… mèo nhà vậy.

Khi chúng giao phối rồi có mang, chúng tôi tăng cường theo dõi rất kỹ, vậy mà lúc sanh lại sơ suất…”. Chuyện là cách đây 2 tuần, hổ cái hạ sinh được 5 hổ con. Theo nhiều nhà nghiên cứu về loài hổ thì hổ sinh mỗi lứa cao nhất cũng chỉ 4 con, chuyện sinh 5 là hy hữu. Bởi hy hữu, lại là lứa con so, hổ cái không có kinh nghiệm nên đã làm chết 3 hổ con, còn lại 2 phải đưa vào chăm sóc đặc biệt. Văn phòng KDL Suối Tiên cho biết, hiện tại, 2 hổ con rất yếu, đang được nằm lồng sưởi ấm và bú sữa Bio milk dành riêng cho động vật.

Tại KDL Văn hóa Suối Tiên, một tuần sau ngày diễn ra sự kiện trọng đại, hổ cha và hổ mẹ đã được nuôi riêng. Mỗi ngày, cặp hổ này ăn 7kg thịt gà nhưng gần đây do dịch cúm gia cầm bùng phát, người ta đã thay khẩu phần bằng 8 kg thịt heo, thịt bò. Do không biết thế nào là… rừng nên hầu như quên luôn bản năng săn mồi, vì vậy cặp hổ này chỉ ăn thịt nạc.

  • “Mùi hổ” giữa Sài Gòn

Tôi ra phố Đông y đường Hải Thượng Lãn Ông-Lương Như Học-Triệu Quang Phục (Q.5, TPHCM) dò tìm mãi mà chẳng hiệu thuốc nào chịu hé môi về món cao hổ cốt cả, đúng như H. Bắc kỳ đã cho biết trước đó: “Ông ra đấy, hỏi thẳng thế thì chẳng ma nào dám chỉ đâu, hàng quốc cấm mà”. H. là một tay buôn mật gấu, nhung hươu, cao hổ cốt có tiếng tại Chợ Lớn, do là người gốc Bắc nên chết tên H. Bắc kỳ.

Lần theo dấu hổ ở... Sài Gòn ảnh 2

Cao hổ cốt giả bán tràn làn.Ảnh: MINH ANH

Chính H. Bắc kỳ đã mua giúp gia đình tôi mấy lạng cao hồi năm kia, giá trên 1 triệu đồng/lạng (37,5 gam) nhưng mẹ tôi uống mãi không bớt bệnh, đành thôi. Cách dùng cao hổ chủ yếu là ngâm với rượu, uống 1-2 ly (hâm nóng) trước khi ăn cơm. Còn một cách khác là bỏ vào bụng gà giò, chưng cách thủy với rượu đế cho nhừ rồi húp lấy phần nước tiết đã hòa tan chất… hổ (?) trong đó.

Vật vả hai ngày dò tìm, cuối cùng, một tay cung cấp dược liệu mới “bật mí” trong sự cảnh giác cao độ qua điện thoại di động: “3,5 triệu đồng/lạng, ông muốn bao nhiêu cũng được, đặt cọc 50%, nửa tháng sau sẽ có hàng”. Viện cớ cần xem hàng, tôi hẹn hắn ra quán “uống cà phê, nói chuyện”, hắn bảo phải đi cùng với H. Bắc kỳ - người môi giới và tôi phải đem tiền theo “nhá” cho hắn tin tưởng thì hắn mới dẫn đi coi “hàng”. Thấy khó, tôi bèn xuống Đồng Nai gặp M. (quản lý một trang trại lớn).

M. đưa ra miếng cao 5x5cm rồi chắc giọng: “Quen biết, để ông 7 tê (7 triệu), chứ gặp thằng lạ, tôi hét 8-9 tê cũng phải mua, vì bây giờ toàn đồ đểu cả, hàng thật hiếm lắm”. Rồi M. trịnh trọng mang ra một đĩa VCD (có lẽ anh ta đã chuẩn bị sẵn để chào hàng) quay toàn bộ quy trình nấu cao hổ, bắt tôi xem tại chỗ và không cho ghi chép, chụp lại bất cứ hình ảnh nào.

Theo VCD mà tôi vừa xem và nghe M. thuyết minh, nguyên liệu và quy trình nấu một nồi cao hổ cốt gồm: một bộ xương nặng khoảng 10kg với phần xương đầu 1,5kg; 13 đôi xương sườn; 2 mảnh xương chậu; xương bả vai; 2 xương bánh chè và một đoạn xương đuôi dài tận chót xương cùng; đặc biệt, hai xương cánh chân trước có một lỗ hổng gọi là mắt phượng (các loại thú khác không có); ngoài phần xương hổ là một bộ xương khỉ, một bộ xương sơn dương theo kiểu “có vua, có lính”.

Lần theo dấu hổ ở... Sài Gòn ảnh 3

2 cọp vằn Đông Dương mới sinh tại Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên. Ảnh: CAO THĂNG

Hai người đàn ông dùng chày vồ đập dập các mảnh xương, rửa sạch tủy rồi cho vào nồi luộc sơ với cải xanh, củ sả. Công đoạn kế là ngâm xương vào rượu pha gừng (có lẽ để bớt tanh) rồi khử hỏa thật khô. Cuối cùng, cho tất cả vào nồi đồng nấu, chắt nước (3 lần) trong 4 ngày. Đoạn cuối là đổ thứ chất dẻo màu nâu đen từ trong nồi ra mâm gỗ có lót nhựa PE chống dính, lấy thước đo từng milimét rồi xắt mỏng hình miếng vuông, cân chính xác mỗi miếng cao là 1 lạng.

M. nói: “Mỗi ký xương hổ là 10 triệu đồng, tôi cho thêm tỷ lệ 1 kg xương khỉ, 1 kg xương sơn dương vào cho đúng phép thì nấu ra 2,5 lạng cao, bán giá 7 tê/lạng là rẻ lắm rồi đó vì hổ tươi ướp nước đá đưa về từ Myanma qua Thái, Campuchia, Lào rồi mới vào Nghệ An, giá đã 3,5 triệu/kg rồi. Một con hổ vừa vừa chỉ có ngần ấy xương, bán được bộ da, bộ móng của nó thì gỡ lại phân nửa vốn, còn xương để bán lai rai thôi”. Như vậy, loại “cao hổ cốt” mà tay cò ở Chợ Lớn vừa chào giá 3,5 triệu đồng/lạng thì sao? Một lương y có kinh nghiệm của Công ty Đông Nam dược Chợ Lớn giải đáp: “Cao nhất chỉ có 2%-3% xương hổ thôi. Bây giờ, hàng bịp là chủ yếu”.

  • Hổ ơi, đừng tuyệt chủng!

Phân tích cho thấy trong cao hổ cốt có 16,66% nitơ toàn phần, 0,74% axit amin, 0,08% canxi… và có vị cay, tính ôn, có tác dụng khu phong làm mạnh gân cốt, trấn kinh… Chỉ như vậy thôi nhưng qua truyền khẩu và có lẽ do quá hiếm nên loài hổ bị săn lùng ráo riết để nấu cao. Thi thoảng, tại Việt Nam cũng có những vụ vận chuyển hổ trái phép tại A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam) hay Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị phát hiện nhưng rất ít. Có lẽ vì thế mà hiện trạng hổ đểu, “cao hổ… gấu”, “cao hổ… chó” vẫn diễn ra đại trà. H Bắc kỳ đã từng bịp một khách đại gia bằng một con báo sơn vàng.

Để đại gia nọ không phát hiện, H. Bắc kỳ cho khoan một vài lỗ trên mình con báo (như vừa bị bắn) rồi khuyến cáo nên nấu nguyên con cả thịt, da, lông, xương… cho hội đủ “tinh túy”, vị khách tin sái cổ, lại thưởng cho H. Bắc kỳ 10 triệu đồng tiền công nấu cao. Còn M., cho chúng tôi biết, một bộ xương gấu chó, khoan mắt phượng vào thì những kẻ lơ mơ không thể nhận ra, kẹt lắm, dùng xương… chó becgiê nấu cũng thành “cao hổ” như thường.

Nhà thơ Thế Lữ thấy cảnh: “Nay sa cơ bị nhọc nhằn tù hãm/Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi…”đã cảm cách giùm loài hổ. Sự kiện hổ sinh tại KDL Suối Tiên mới đây là tin vui cho những ai yêu thiên nhiên và trân trọng thiên nhiên. Hổ ơi, xin đừng tuyệt chủng!

Dương Minh Anh

Tin cùng chuyên mục