Lan tỏa mô hình thuận thiên

Những năm gần đây, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Nam không chỉ giữ những cánh rừng nguyên sinh mà còn thoát nghèo nhờ sản vật mà “Mẹ” thiên nhiên ban tặng. Đó cũng là lợi ích trực tiếp nhất mà các dự án thuận thiên tại vùng Trung Trường Sơn mang lại. 
Người dân huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) với sâm Ngọc Linh. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Người dân huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) với sâm Ngọc Linh. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Cây… làm giàu

Xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, được xem là thủ phủ cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam. Đỉnh Ngọc Linh cao hơn 2.000m so với mực nước biển, nơi có loài cây đặc hữu là sâm Ngọc Linh, 1 trong 5 loại sâm quý của thế giới. 

Phải mất 6 giờ chạy ô tô từ Đà Nẵng, rồi hơn 1 giờ đi bộ vượt dốc cao, lội bộ đường rừng, mới đến vườn sâm của Sâm Sâm Group. Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Sâm Sâm Group, cho biết, năm 2017, công ty được giao 10ha để phát triển nguồn gene quý sâm Ngọc Linh. Đến nay, công ty đã nghiên cứu, trồng thành công sâm Ngọc Linh nhân giống vô tính (nuôi cấy mô). Nhờ đó, công ty được tỉnh Quảng Nam cho phép mở rộng diện tích trồng sâm lên 175ha. Hiện đã có khoảng 90% cây sâm nhân giống vô tính của công ty phát triển tốt sau khi đưa ra môi trường tự nhiên. Người dân trồng sâm Ngọc Linh không còn lo thiếu giống, thậm chí giá cây giống vô tính còn rẻ hơn nhiều so với giống hữu tính. 

Đặc điểm cây sâm Ngọc Linh là chỉ sống trên thảm mục dưới tán rừng, nơi có độ che phủ trên 80% và nhiệt độ ở mức 20oC trở xuống. Muốn trồng sâm thì phải giữ, phục hồi rừng, vì lẽ đó, người dân xã Trà Linh đã tự lập chốt giữ rừng để trồng sâm và ngăn người lạ vào khai thác gỗ. Sâm Ngọc Linh trước đây được người dân tộc thiểu số Nam Trà My gọi là “cây thuốc giấu” (loại thuốc trị bách bệnh mà nhà nào cũng giấu vài củ trên mái nhà). Ngày nay, sâm Ngọc Linh trở thành “cây làm giàu”, là “quốc bảo” có giá hàng trăm triệu đồng/kg. Bình quân 1ha sâm trồng sau 5 năm có thể cho thu nhập 70-75 tỷ đồng. Nhờ cây sâm Ngọc Linh, Trà Linh - một xã miền núi cao nghèo nhất nước, nay đã trở thành một trong những xã giàu nhất nước.

Phát triển bền vững

Trong diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về các dự án thuận thiên trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp tại Trung Trường Sơn, do Bộ NN-PTNT và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức ở Đà Nẵng vừa qua, ông Lê Ngọc Duy, Giám đốc Tài chính Sâm Sâm Group, cho rằng, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô giúp chủ động được nguồn giống các vùng trồng sâm quy mô công nghiệp. Hiện Sâm Sâm Group dự kiến cung cấp cho thị trường 1-5 triệu cây sâm/năm. 

Tương tự, tại một số vùng núi ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), người dân đã biết lựa cây mây tự nhiên đủ chuẩn, đủ tuổi để khai thác, nên không còn tình trạng “thấy đâu chặt đó”. Để làm được điều đó, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lục Đông (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết, công ty đã liên kết với người dân các xã Cà Dy, Tà Pơ, Đắc Pre, La Dee (Nam Giang) và xã A Vương (Tây Giang) trồng mới và khoanh nuôi chăm sóc những rừng mây hiện có. 

Sau gần 2 năm, WWF đã hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam xây dựng dự án, lập hồ sơ và tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ Khí hậu phát triển Hà Lan, Quỹ Phục hồi vùng cảnh quan để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững tại địa phương. Hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ chương trình sinh kế bền vững của các dự án thuận thiên. 

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), để hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và công dân thông minh theo Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, các doanh nghiệp cần sự thay đổi kỹ năng, phương pháp hoạt động, cách tiếp cận… nhờ những mô hình liên kết. Không những thế, địa phương cần rà soát về cơ chế chính sách để khuyến khích người dân giữ rừng, không làm cản trở hoạt động doanh nghiệp có tác động tích cực đến môi trường tự nhiên.

Tin cùng chuyên mục