Làng hiến máu tình nguyện

Xã Đại Cường nằm dọc theo dòng chảy của 2 con sông Thu Bồn, Vu Gia (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Ở xã này, hiến máu cứu người không chỉ là phong trào mà đã trở thành hoạt động thi đua giữa các gia đình, các thôn. Cũng từ đây, nhiều gương điển hình về phong trào hiến máu tình nguyện đã xuất hiện và là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân.
Bà Nguyễn Thị Gọn tham gia hiến máu trong “Lễ hội xuân hồng” 2019
Bà Nguyễn Thị Gọn tham gia hiến máu trong “Lễ hội xuân hồng” 2019

Gia đình hơn 60 lần hiến máu

Nằm ở thôn Quảng Đại 2, gia đình ông Trần Rê (54 tuổi) và bà Nguyễn Thị Gọn (56 tuổi) là một trong những hộ đi đầu trong hoạt động hiến máu tình nguyện ở xã Đại Cường. Trong ngôi nhà nhỏ, điểm sáng nhất là những chiếc huy hiệu, giấy chứng nhận, giấy khen của các cấp chính quyền, hội đoàn thể ghi nhận sự tham gia tích cực phong trào hiến máu tình nguyện của gia đình ông.

Cầm trên tay những tờ giấy chứng nhận hiến máu, ông Rê kể, năm 1994, ông rời quê hương vào TPHCM tha phương cầu thực. Trong một lần đang làm việc ở công trình, ông chứng kiến một vụ tai nạn khiến nạn nhân bị thương nặng, mất máu nhiều. Ông cùng với bạn đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ thông báo nạn nhân cần truyền máu gấp để duy trì sự sống. Không suy nghĩ nhiều, ông vội đăng ký xét nghiệm máu với hy vọng tiếp máu cứu người. May mắn thay, nhóm máu của ông trùng với nhóm máu của nạn nhân. “Đó là lần đầu tiên tôi hiến máu. Và cũng chính từ lần đầu tiên đó đã mở ra con đường hiến máu thiện nguyện cứu người của tôi và gia đình”, ông Rê bộc bạch.

Đến nay, ông Rê đã tham gia hiến máu 26 lần, tiếp 6.500ml máu cho các bệnh nhân. Ngồi cạnh ông Rê, bà Gọn kể tiếp, bà không nhớ bắt đầu hiến máu từ năm nào nhưng được khoảng 13 lần. Rồi câu chuyện được tiếp tục bằng những lần hiến máu của các con ông Rê.

Ông Rê có 3 người con (2 gái, 1 trai) đều tham gia tích cực hoạt động hiến máu. Từ cơ duyên của việc hiến máu, con gái đầu của ông, chị Trần Xuân Phi Yến (31 tuổi) nghỉ học ở ngành sư phạm để chuyển sang học điều dưỡng. Hiện tại, chị Yến đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Ông Rê tự hào cho biết, cả gia đình ông đã tham gia hiến máu trên 60 lần.

Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường, đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Rê: “Hộ ông Trần Rê là một trong những hộ đi đầu trong công tác hiến máu cứu người, là tấm gương cho các hộ trong thôn và xã noi theo, góp phần vào sự phát triển của hoạt động hiến máu tình nguyện ở địa phương”.

Sẵn sàng hiến và tiếp máu nóng

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, ông Tám cho biết, xã Đại Cường hiện có 9 thôn với 9.800 nhân khẩu. Ở đây, người dân sống dựa vào cây lúa, cây đậu, có năm lũ lụt mất mùa, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi có đợt hiến máu thì mọi người sẵn sàng tham gia. Chia sẻ về những ngày đầu đi vận động người dân hiến máu, ông Tám chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Khó khăn vô cùng”. Ngày đó người dân chưa biết đến hiến máu nhiều, chưa hiểu hết ý nghĩa của việc hiến máu. Có một số người tham gia hiến máu nhiều lần bị người dân hiểu nhầm là “bán máu”. Thế là mỗi khi họp xã, họp thôn, ông Tám lại tuyên truyền cho người dân về nghĩa cử cao đẹp này.

“Mình nhận thức được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người nên khi các con đủ tuổi, đủ điều kiện để hiến máu là mình khuyến khích các con đi hiến máu ngay. Mình may mắn hơn nhiều người, không ốm đau gì nên khi hiến máu mình luôn giữ tâm niệm là những giọt máu của mình không chỉ giúp các bệnh nhân duy trì sự sống mà còn tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua bệnh tật”, ông Trần Rê chia sẻ.

Ông Tám thành lập các câu lạc bộ (CLB) hiến máu. Năm 2005, ông thành lập CLB hiến máu tình nguyện “Ngân hàng máu sống” nhằm kịp thời tiếp máu cho các ca cấp cứu khẩn cấp. Đến nay, số lượng thành viên đăng ký là 72 người, đảm trách việc tìm nguồn máu để hiến và tiếp máu “nóng” cho cấp cứu tại bệnh viện. 

Sau những nỗ lực của ông Tám và Hội Chữ thập đỏ xã, năm 2018, xã Đại Cường đã hiến 165 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu 122 đơn vị. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Tám cho biết, muốn thuyết phục được người khác hiến máu thì bản thân mình phải làm được, làm trước thì người dân mới tin và làm theo. Mỗi khi có đợt hiến máu, ông Tám lên kế hoạch cụ thể, phân chia chỉ tiêu về từng thôn, từng đơn vị để tạo môi trường, cơ hội cho các đơn vị thi đua, đồng thời để hoạt động hiến máu đi vào đời sống từng hộ dân.

“Người dân ở xã bây giờ luôn sẵn sàng hiến máu và tiếp máu “nóng” cho bệnh nhân. Dù là giữa trưa nắng hay đêm khuya, chỉ cần một cuộc điện thoại báo cần máu cấp cứu thì người dân đến tiếp máu ngay”, ông Tám tự hào nói về sự phát triển của hoạt động hiến máu ở địa phương.

Tin cùng chuyên mục