Kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Lực lượng CAND Việt Nam (19-8-1945 – 19-8-2012)

Lặng lẽ đáp nghĩa đền ơn

Một ngày giữa năm 2005, lãnh đạo Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh (Bộ Công an) đang họp triển khai công tác thì điện thoại đổ chuông. Trực ban thông báo, có bà Lâm Thị Tưởng (SN 1942, ngụ TPHCM) muốn gặp lãnh đạo nhờ tìm di ảnh người thân. Vị lãnh đạo nhắn lại, phiền bà đợi 20 phút. Họp xong, anh lao ra sảnh trực ban thì đúng lúc bà Tưởng đã quay bước chuẩn bị đi về. Gửi lời xin lỗi và nhận lá đơn bà trao, anh hứa sẽ cùng đồng nghiệp hết mình tìm kiếm giúp bà, dù anh chưa biết có kết quả hay không khi đã hàng chục năm trôi qua…
Lặng lẽ đáp nghĩa đền ơn

Một ngày giữa năm 2005, lãnh đạo Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh (Bộ Công an) đang họp triển khai công tác thì điện thoại đổ chuông. Trực ban thông báo, có bà Lâm Thị Tưởng (SN 1942, ngụ TPHCM) muốn gặp lãnh đạo nhờ tìm di ảnh người thân. Vị lãnh đạo nhắn lại, phiền bà đợi 20 phút. Họp xong, anh lao ra sảnh trực ban thì đúng lúc bà Tưởng đã quay bước chuẩn bị đi về. Gửi lời xin lỗi và nhận lá đơn bà trao, anh hứa sẽ cùng đồng nghiệp hết mình tìm kiếm giúp bà, dù anh chưa biết có kết quả hay không khi đã hàng chục năm trôi qua…

Như tìm người thân chính mình

Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh (HSNVAN) được huy động lần tìm bộ hồ sơ của cha bà Tưởng là liệt sĩ Lâm Văn Thảnh (SN 1920, quê Cà Mau), bị giặc bắt năm 1941 và hy sinh 2 năm sau đó tại Nhà tù Côn Đảo. Hàng triệu bản ghi cơ sở dữ liệu được rà soát. Đến ngày thứ 3, mọi lo lắng của CB-CS như được trút bỏ khi tập hồ sơ của liệt sĩ Thảnh được tìm thấy. Bên trong, hai bức hình đen trắng dính trên tờ giấy lý lịch ố vàng. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, hình đã phai màu, chàng trai trong hình lại biến dạng phần tóc do vết thương giặc đánh loang lổ trên đầu. Biết nói với bà Tưởng sao bây giờ? Điện thoại đổ chuông hoài nhưng không thấy bà Tưởng bắt máy…

Cán bộ chiến sĩ Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh sử dụng nhiều công nghệ hiện đại trong lưu trữ, phục hồi hồ sơ

Cán bộ chiến sĩ Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh sử dụng nhiều công nghệ hiện đại trong lưu trữ, phục hồi hồ sơ

4 ngày sau, theo lời hẹn từ trước, bà Tưởng quay lại. Trung tá Nguyễn Văn Chí (cán bộ Phòng 5) báo tin, đã tìm được hình của cụ thân sinh. Do chân dung không rõ phần tóc liệt sĩ Thảnh thế nào nên cần bà Tưởng về nhà hỏi lại người thân trong gia đình, ai có mái tóc giống cha bà thì chụp bức hình người đó mang lên cục để hoàn thiện mái tóc cho liệt sĩ Thảnh. Hôm sau, bà Tưởng nhận được hình của cha mình từ tay Trung tá Nguyễn Văn Chí cùng nhóm CB-CS trao. Trong hình, chàng thanh niên ngoài 20 tuổi với gương mặt phúc hậu và mái tóc xoăn giống người cháu ruột. Không giữ được cảm xúc đã chờ đợi, ấp ủ suốt cả cuộc đời, bà Tưởng khuỵu xuống, vừa cười vừa khóc nức nở.

Định mệnh như cái tên của bà, cả đời bà chỉ tưởng tượng hình ảnh người cha qua lời bạn chiến đấu của cha kể. Hôm nay, 62 năm sau ngày cha hy sinh, 63 năm ngày bà chào đời, bà mới được biết mặt cha mình, có được tấm hình đặt trước bàn thờ cha… Chứng kiến thời khắc thiêng liêng xúc động, chưa kịp an ủi động viên bà Tưởng, nhóm CB-CS cũng… khóc theo bà tự lúc nào. Mấy hôm sau, nhân dịp bà Tưởng cúng liệt sĩ Thảnh, không ai bảo ai, các CB-CS Cục HSNVAN lại cùng nhau ghé lại nhà bà Tưởng để thắp nén nhang tri ân liệt sĩ Thảnh.

“Đồng chí Thêm (tức Thượng tá Hoàng Văn Thêm, Phó Trưởng phòng 4 - PV) thân mến! Tôi là Nguyễn Văn Đầu. Đơn vị tôi có đồng chí Nguyễn Văn Quế (SN 1914), năm 1962 bị địch bắn chết tại Củ Chi, không có hình để lại. Con đồng chí Quế mong mỏi có 1 tấm hình của cha, tôi là thủ trưởng cũng cần tấm hình để thờ các liệt sĩ ở đơn vị. Tôi bị bệnh nằm viện, xuất viện về nhà nhận được chân dung liệt sĩ Quế do đồng chí gởi. Tôi đau nên chưa tới gặp đồng chí được, tôi biên thư mời đồng chí đến nhà tôi ở quận 3 để tôi biết đồng chí, đồng chí biết tôi. Nhà tôi có một cây mít, một cây dâu, luôn khóa cửa. Đồng chí phải nhấn 4 lần chuông tôi mới mở cửa. Đồng chí đừng ngại, tôi già rồi…”.

Sau những nỗ lực tận tâm, CB-CS Cục HSNVAN thường nhận được những “món quà” như thế. Đó bình dị là những lời cảm ơn ngập trong nước mắt hạnh phúc ngày đoàn tụ. Sao mà từ chối được! Từ đó, CB-CS đã trở thành con, cháu trong các gia đình liệt sĩ. Sợi dây tình cảm gắn kết ngày một dày thêm.

Thượng tá Chu Quý Phượng, Trưởng phòng 5, cho biết, rất nhiều người khi sinh ra thì cha, anh - nhất là những cán bộ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chưa phổ biến máy ảnh - đã bị địch bắt, giết. Cả cuộc đời họ chỉ mong mỏi biết mặt cha, anh mình, có di ảnh để thờ cúng. Trong những năm qua, Cục HSNVAN đã trích xuất di ảnh từ các hồ sơ mật của chế độ Mỹ - ngụy để trao lại cho các gia đình. Mỗi lần kiếm được và trao di ảnh cho người thân các liệt sĩ, CB-CS lại có cảm xúc như tìm được chính người thân của mình vậy.

Hồ sơ lên tiếng

Sau cuộc chiến thất bại tại miền Nam VN, với kế hoạch hậu chiến, địch để lại miền Nam VN nhiều đối tượng trước đó đã đầu hàng, khai báo nhận làm việc cho các cơ quan đặc biệt của Mỹ - ngụy. Trong số này có các đối tượng che giấu tội ác, không trung thực, chui sâu vào các cơ quan Đảng, chính quyền. Đây là mối nguy hiểm cho công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Để đưa những phần tử phản bội, cơ hội ra ánh sáng, góp phần làm thất bại kế hoạch hậu chiến của địch, CB-CS Cục HSNVAN lặng lẽ lần giở từng trang hồ sơ mật thu được của Mỹ - ngụy để tìm chứng cứ.

Qua nghiên cứu, các CB-CS Cục HSNVAN nhận thấy có “điểm mờ” trong hồ sơ của một nhân sự dự kiến giữ công tác mới. Người này đã không trung thực khai báo những sai lầm trong lịch sử chính trị. Từng hoạt động ở miền Nam, bị địch bắt, tra tấn dã man, người này đã không giữ được danh dự của người cộng sản và tiết lộ những cơ sở nằm vùng khiến cách mạng bị tổn thất khá nhiều. Đến khi đưa ra bản cung khai viết tay lưu trong hồ sơ được giám định đúng là của mình thì ông ta không còn điều gì để chối nữa. Có đối tượng lại được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đánh giá là “suối nguồn vô tận”. Đối tượng này từng hoạt động nội tuyến, bị mua chuộc và cung cấp nhiều nguồn tin cho Mỹ - ngụy trong suốt một thời gian dài. Sau đó, qua thông tin hồ sơ lưu trữ, Cục HSNVAN phối hợp với các đơn vị khác đã vạch trần bộ mặt thật và đối tượng phải trả giá cho hành vi phản bội của mình.

Đối tượng N.T.T., năm 1977, từng làm Trưởng ty Thể dục thể thao, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Trị Thiên khóa IV. Qua tố cáo của quần chúng và qua nghiên cứu hồ sơ thu được của địch cũng như kết quả xác minh, đã chứng minh N.T.T. làm nội gián cho địch. Ngày 27-4-1980, T. lãnh án 18 năm tù giam về tội làm gián điệp. Còn ông N.V.A. (quê Hà Tây) đã đầu hàng địch nhưng do thiếu thông tin tại chiến trường ác liệt nên ông được công nhận là… liệt sĩ. Mọi chuyện vỡ lở vào năm 2000, khi nghiên cứu hồ sơ, CB-CS Cục HSNVAN phát hiện hồ sơ không thể hiện ông A. đã chết. Nghi ngờ có điều khuất tất, Cục HSNVAN phối hợp các đơn vị liên quan thẩm tra, xác minh và phát hiện ông A. lúc đó đã hơn 70 tuổi, đang sống cùng vợ con ở Long An. Không ít trường hợp như thế, khi con người không trung thực thì hồ sơ đã lên tiếng để tìm ra sự thật.

Cùng với việc bóc mẽ các phần tử xấu, Cục HSNVAN cũng âm thầm giúp nhiều chiến sĩ cách mạng được giải oan. Sau nhiều năm sống trong sự nghi kỵ của người dân địa phương, năm 1978 đồng chí Phan Thị Dẻo (SN 1932, nguyên Huyện ủy viên huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) đã được minh oan. Đồng chí từng bị địch lập hồ sơ mật báo viên giả nhằm bôi lem lý lịch. Tương tự, ngày 26-10-1991, Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí Lê Đài (SN 1916), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (1954 - 1956). Trước đó, đồng chí Lê Đài bị bắt và hy sinh năm 1959 và có thông tin đồng chí đã đầu hàng địch, khai báo làm cách mạng tổn thất nghiêm trọng. Qua công tác hồ sơ và xác minh, Cục HSNVAN đã làm rõ đồng chí Lê Đài là cán bộ trung kiên, luôn giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng.

Không ồn ào như các đơn vị nghiệp vụ khác, bao năm qua, CB-CS Cục HSNVAN đã âm thầm, lặng lẽ đáp nghĩa đền ơn cũng như bền bỉ và hiệu quả trong việc đấu tranh để làm rõ sự thật. 

  Mong được phục vụ

Người dân có nhu cầu tìm di ảnh người thân (cả trường hợp bị án hình sự) trước năm 1975, có thể liên hệ (trực tiếp hoặc qua thư, không nhận thư điện tử): Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh – Bộ Công an, địa chỉ 235 Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục