Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
Là một trong những gương mặt thơ đương đại tiêu biểu của thế hệ bước ra từ chiến tranh cứu nước, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu còn lặng lẽ có những đóng góp về lý luận phê bình thơ.
Con đường vừa quen vừa lạ
Mỗi nhà thơ chọn cho mình một con đường riêng để sáng tạo và cống hiến. Với nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, tôi nghĩ ông chọn cho mình con đường vừa quen vừa lạ, vừa giản dị vừa sâu sắc, vừa gần gũi vừa biến ảo, mới đọc tưởng chừng đã hiểu, càng đọc càng day dứt càng vỡ ra nhiều mảng, nhiều tầng ám ảnh khôn nguôi. Thơ ông là “thơ người ra trận” như tên tập thơ đầu tay mà ông in chung cùng nhà thơ Vương Trọng năm 1972, khi ông đang chiến đấu trên chiến trường Lào. Thơ lính thì nói về lính, nhưng trong cái đề tài quen thuộc ấy ông đã có cách biểu hiện khác lạ về cấu tứ và hình tượng, mà bài thơ dài Nấm mộ và cây trầm hình thành trong hoàn cảnh ác liệt cái chết bay ra từ nóng súng quân thù là minh chứng vượt thời gian: Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm/ Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ/ Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị/ Thân hy sinh thơm đất, thơm trời.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
Hồi tưởng về thời điểm ra đời bài thơ nổi tiếng này, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu trong tập tiểu luận Niềm say mê ban đầu cho hay: “Tôi còn nhớ vào một đêm mùa đông năm 1969. Ở nghĩa trang biên giới, bọn “giặc trời” thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy chĩa thẳng lên trời như những nén nhang lớn. Dưới ánh đèn dù, dưới tàn lửa của những cây thông, tôi cùng một số người trong tổ vận tải tranh thủ khâm liệm và chôn xác đồng đội. Từ khung cảnh đầy chất bi tráng đó, tôi có được cái tứ để viết bài thơ Nấm mộ và cây trầm”. Nghĩa là từ hình ảnh cây thông bị cháy, người lính - thi sĩ đã liên tưởng và dựng nên hình tượng cây trầm quý thắp lên mộ đồng đội vừa hy sinh: Cây trầm cháy dở thay nén nhang/ Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm.
Nếu như Nấm mộ và cây trầm là bài thơ thời chiến của Nguyễn Đức Mậu gây cho tôi ấn tượng nhất thì trong thời bình đó là bài thơ Đàn bò vàng trên đồng cỏ hoàng hôn. Từng ám ảnh với Tiếng gọi bò của nhà thơ Văn Lê giữa đêm đạn pháo, trong một không gian nghẹt thở cô đơn tiếng người mà trống vắng bóng dáng con bò, Đàn bò vàng trên đồng cỏ hoàng hôn của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu mang lại cho tôi xúc cảm khác, một vẻ đẹp khác, trong một không gian an bình hòa lẫn thiên nhiên với con người: Đàn bò vàng trên đồng cỏ chiều yên/ Tiếng mõ rơi, tiếng mõ rơi đều/ Cả đồng cỏ lút vào khoảng tối/ Như vẫn còn rung nhịp mõ kêu.
Một bức tranh ngôn ngữ thăng hoa và trong trẻo lạ thường giữa đời sống xô bồ ô nhiễm hỗn tạp. Thoạt lướt qua cứ ngỡ nhà thơ tả cảnh tả tình. Đúng mà không hoàn toàn đúng. Cái cảnh ở đây là cảnh tổng hòa từ nhiều cảnh khác nhau trở thành cảnh nung nấu trong tâm tưởng của thi sĩ, để qua lăng kính trí tuệ và tình cảnh của mình, ông đã tạo dựng thành một cảnh quan riêng biệt độc đáo. Có thể nói bài thơ Đàn bò vàng trên đồng cỏ hoàng hôn đặt một dấu ấn mới trên hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.
Thơ cũng đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng văn học cao quý, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2001, hai Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam…
Những sản phẩm đẹp
Đọc tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu từ lâu và gặp ông nhiều lần, nhưng chỉ khi tham dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX giữa tháng 7-2015, tôi mới có dịp ngồi trò chuyện lâu với ông. Ở xa, cứ ngỡ bậc đàn anh khó tính. Nhưng khi đã gần, có lẽ ông chỉ còn khó tính trong thơ, còn ngoài đời là con người thân thiện, nhiệt thành và mê đắm chuyện văn chương.
Mấy đêm chậm rãi đọc đi đọc lại tập tiểu luận này, tôi lại thấy nhà thơ Nguyễn Đức Mậu hiện lên ở một cung bậc khác. Ông là một trong những gương mặt thơ đương đại tiêu biểu của thế hệ bước ra từ chiến tranh cứu nước, qua tập tiểu luận Niềm say mê ban đầu ông lại còn lặng lẽ đóng góp về lý luận phê bình thơ, giúp người yêu thơ và mới bước vào con đường sáng tác có được những kiến thức cơ bản quý báu. Ở đây, ngoài một phần ký ức quan trọng ban đầu, đời thơ Nguyễn Đức Mậu hiện lên, ông còn trình bày một cách bình dị, khúc chiết nhiều vấn đề thiết thực của công việc sáng tác như: Cảm xúc trong thơ, Mở đầu một bài thơ, Màu sắc trong thơ, Chất truyện trong thơ, Những câu thơ hay, Chữa thơ, Giới thiệu và phê bình thơ, Vần điệu trong thơ lục bát, Nghệ thuật sử dụng ngôn từ…
Người đọc còn gặp trong tập tiểu luận Niềm say mê ban đầu những kỷ niệm, nhìn nhận về con người và sự nghiệp của những nhà thơ như Khương Hữu Dụng, Tế Hanh, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Phùng Khắc Bắc, Duy Khán… và cả một số nhà thơ quốc tế lẫn những chiến binh bình thường có những bài thơ, câu thơ hay. Viết về ai, dù là bậc tiền bối, người nổi tiếng hoặc những người trẻ mới xuất hiện trong các cuộc thi, trại sáng tác, Nguyễn Đức Mậu đều hết sức chân thành và “lẩy” ra những cái hay của họ. Vừa gom nhặt bụi vàng ông vừa tác tạo thành những “sản phẩm” đẹp cho đời.
PHAN PHÚ YÊN