Lặng lẽ thơ Sài Gòn - TPHCM

Việt Nam vốn đã định hình một số vùng đất thơ. Mỗi vùng như thế đều có những nét riêng ấn tượng - nơi khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tạo, sản sinh nhiều nhà thơ đầy tài năng và có nhiều bài thơ hay. Trong số vùng đất thơ như thế có Bến Nghé - Sài Gòn - Gia Định xưa và nay là Sài Gòn - TPHCM

Việt Nam vốn đã định hình một số vùng đất thơ. Mỗi vùng như thế đều có những nét riêng ấn tượng - nơi khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tạo, sản sinh nhiều nhà thơ đầy tài năng và có nhiều bài thơ hay. Trong số vùng đất thơ như thế có Bến Nghé - Sài Gòn - Gia Định xưa và nay là Sài Gòn - TPHCM

Đất hóa tâm hồn

So với các vùng đất thơ khác thì vùng đất thơ Bến Nghé trẻ hơn nhiều, chỉ khoảng 300 năm trở lại. Trên vùng đất này còn lưu truyền nhiều câu hát dân gian, điệu lý, bài thơ vô danh. Người dân vẫn còn nhớ đến câu ca dao: Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Chưa biết đích xác xuất hiện từ bao giờ nhưng có thể đấy là mạch nguồn thi ca của đất Phù Nam hoặc Nam bộ? Có thể thơ có trước câu văn tế: Bến Nghé, Cửa Tiền tan bọt nước… của cụ Đồ Chiểu hay là đã xuất hiện sau dòng thơ của hai nhà Nho yêu nước Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt? Đấy là hai câu thơ rất phương Nam do binh lính, những lưu dân hay do chính người bản địa đã sáng tác?

Nhà thơ quá cố Chế Lan Viên có câu thơ sống mãi với thời gian: Khi ta đến chỉ là đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Trong quá khứ, vùng đất Sài Gòn - Gia Định từng là vùng đất “hóa tâm hồn” của nhiều thế hệ nhà thơ - chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Qua tài liệu, đặc biệt từ năm 1945 đến năm 1975, trong vòng 35 năm, thơ viết về vùng đất này phong phú, đa dạng và có chất lượng hơn hẳn so với các thời kỳ khác.
 
Đọc lại Tuyển tập thơ 1945-1975 do Sở Văn hóa - Thông tin và Hội Nhà văn TPHCM xuất bản năm 1998, tuyển 119 bài thơ của 52 nhà thơ thì có đến 60 bài thơ viết về đất, người, cuộc sống, chiến đấu của Sài Gòn - Gia Định. Có rất nhiều tác giả, nhà thơ đã gắn tên tuổi với thơ cả về số lượng và chất lượng. Đấy là: Dáng đứng Việt Nam (Lê Anh Xuân), Em bé Sài Gòn (Diệp Minh Tuyền), Đêm xem bản đồ thành phố (Chim Trắng), Thơ tình ngang đất Thép (Lê Điệp)... Những bài thơ như thế có góp phần vẽ nên diện mạo văn học trong một giai đoạn lịch sử của vùng đất này.

Cũng trong khoảng thời gian tương tự -30 năm, đọc lại Tuyển tập Thơ thành phố Hồ Chí Minh 1975-2005 do NXB Hội Nhà văn và Hội Nhà văn TPHCM xuất bản, tuyển chọn 230 bài thơ của 128 nhà thơ. Với lực lượng hùng hậu như thế, gồm nhiều thế hệ sáng tác nhưng thơ viết về vùng đất này thì quá ít ỏi.

Trong đó chỉ có khoảng 20 bài thơ lấy nguồn cảm hứng sáng tác từ vùng đất Sài Gòn - TPHCM. Lặng lẽ quá vùng đất này! May mà còn chút an ủi trong dăm ba bài thơ: Đi xa lòng đã nhớ/ Những lối mình đi về/ Mới hai năm đến ở/Tân Bình lạ thành quê (Chế Lan Viên). Thi thoảng, thành phố công nghiệp đã phả khói bụi vào thơthở: Đừng góp bụi vào ban mai xế chiều thanh sạch/ Vì thành phố/ Cần được  thở (Nguyễn Tam Phù Sa).

Trong những tập thơ khác cũng do Hội Nhà văn TPHCM (kết hợp với NXB Trẻ) ấn hành, đó là Thơ 1998, Những ngả đường thơ (2002), Sài Gòn thơ (tự chọn) 2007, Thơ văn trẻ TPHCM - 2007, Thơ thành phố Hồ Chí Minh - 2008 và các tuyển tập thơ tiếp sau, thì dấu ấn của một vùng đất thi ca Sài Gòn - TPHCM lại quá mờ nhạt. Có phải chúng ta đã cạn nguồn sáng tác từ vùng đất này? Hay là cuộc sống, thành phố lại thay da đổi thịt quá nhanh mà những rung động, niềm trăn trở với cuộc sống quanh chúng ta vẫn chưa thể theo kịp?
 
Thơ đành phải trông chờ vào ai đó để cùng chia sẻ và hỗ trợ trước thái độ bàng quan của bạn đọc, của các nhà thơ cùng hội cùng thuyền và trước cả sự vô tình, vô tâm của các nhà lý luận phê bình văn học. Cuộc đời của thơ thật ngắn vội, tự co cụm và mất hút trong dòng chảy ào ạt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại.

Không lẽ nơi này lặng lẽ?

Đường đi của thơ không hẳn là ngõ hẹp. Trên địa bàn thành phố hiện nay đang có những lối đi nhỏ cho thơ đến với công chúng, đấy là các trang báo viết và báo mạng như Sài Gòn Giải Phóng, Mực tím, Tài hoa trẻ, Tuổi trẻ, Thanh niên, Văn Nghệ TPHCM, Công an TPHCM, Thế giới mới, Phụ nữ TPHCM… và các trang thơ trên báo mạng của Hội Nhà văn TPHCM, Người viễn xứ, Đồng bằng sông Cửu Long, chương trình thơ trên sóng của Đài TNND thành phố, Thơ ca giao hòa trên HTV, Thơ trong những buổi sinh hoạt của CLB Thơ các trường đại học, cao đẳng và các quận, huyện. Dù rằng có lối đi như thế nhưng vẫn còn chật hẹp vì có quá đông nhà thơ, người làm thơ tham gia.

Có thể cải thiện được tình trạng này không? Thơ cần thiết phải gắn bó với hiện thực Sài Gòn - TPHCM mới mong được bạn đọc đón nhận. Thơ tiếp tục tìm lối đi trước cuộc sống hiện thực sinh động của một thành phố lớn vốn có nhiều cơ hội và tiềm lực không phải là không làm được. Cuộc đời thơ đã trải qua nhiều nhọc nhằn, thua thiệt. Thơ cần phải gắn bó, gần gũi hơn với hiện thực của vùng đất này. Và trên hết vẫn là tấm lòng của các nhà thơ với vùng đất “Hóa tâm hồn”. Không lẽ để nơi này lặng lẽ?

TRẦN HỮU LỤC

Tin cùng chuyên mục