Lắng nghe cử tri

Lấy phiếu tín nhiệm được xem là dịp rất quan trọng để mỗi người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn lại mình, nhìn lại việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và lĩnh vực mình phụ trách còn những hạn chế, khó khăn, thách thức gì để có giải pháp quyết liệt hơn, quyết tâm và triển khai hiệu quả hơn.

Những ngày qua, cử tri và người dân quan tâm đến việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ trong kỳ họp cuối năm của HĐND các tỉnh, thành do chính cơ quan này bầu, trong đó có TPHCM.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND TPHCM bầu tại kỳ họp thứ 13 cho thấy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM Nguyễn Văn Nam có phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất (cùng được 73/81 phiếu tín nhiệm cao).

Người có phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất lần lượt là Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai (13/81 phiếu tín nhiệm thấp), Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã (10/81 phiếu tín nhiệm thấp), Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng (9/81 phiếu tín nhiệm thấp). Những tư lệnh ngành có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng dễ hiểu khi họ đang điều hành các lĩnh vực được kỳ vọng lớn và không ít thách thức khó khăn, vướng mắc nội tại trong thời gian dài, tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như quy hoạch, đất đai, đầu tư công...

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND TPHCM cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm là thể hiện tinh thần đổi mới, đánh giá xác đáng, công khai về các kết quả đạt được trên các lĩnh vực mà người được lấy phiếu tín nhiệm phụ trách.

Với kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, đó là động lực để người được lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn để làm tốt, làm đúng với cam kết trước khi được bầu giữ các chức danh quan trọng. Và quan trọng hơn, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là dịp để cán bộ tự soi rọi lại bản thân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với tư cách là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, tư lệnh một số lĩnh vực có nhiều phiếu tín nhiệm thấp hơn các lĩnh vực khác còn cho thấy rõ một thực tế là những ngành này có sức ảnh hưởng lớn, cử tri rất quan tâm nhưng còn hạn chế, chưa khắc phục hiệu quả các khó khăn, thử thách thời gian qua.

Đối với những tư lệnh ngành có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, thời gian tới chỉ còn cách duy nhất là phải khắc phục cho được những hạn chế, vướng mắc trong thực tế ngành, lĩnh vực mình phụ trách, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hơn nữa để làm hài lòng cử tri và đại biểu HĐND.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa là sự ghi nhận, vừa là yêu cầu khắt khe của cử tri, của đại biểu HĐND đối với tư lệnh ngành, lĩnh vực; đồng thời qua đó cũng tác động đến sự phấn đấu của từng cán bộ có liên quan để công việc, lĩnh vực do mình quản lý có sự chuyển động tương xứng kỳ vọng từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã từng nhắc nhở, cử tri sẽ không hài lòng nếu kết quả có xong rồi để đó, “cất kho” và người được lấy phiếu tín nhiệm không tự soi tự sửa. Điều quan trọng cử tri và người dân muốn biết, sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm là gì, cơ quan thẩm quyền và bản thân chính cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm đó sẽ chuyển mình ra sao để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, quyết tâm làm tốt hơn những gì đã hứa với cử tri, người dân để xứng đáng với niềm tin họ gửi gắm.

Cơ quan có thẩm quyền về công tác cán bộ cũng cần lắng nghe tiếng vọng của người dân ra sao để điều chỉnh, bố trí, luân chuyển, thậm chí thay thế cán bộ... để tìm người xứng đáng, phù hợp với trọng trách, sứ mệnh mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố giao phó.

Tin cùng chuyên mục