Những ngày này, ở Malaysia đang diễn ra quá trình tiêm chủng Covid-19. Nhiều cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy người dân Malaysia đã có sự thay đổi đáng kể trong kiến thức và thái độ đối với dịch Covid-19. Gần như tất cả (99%) người Malaysia tin rằng virus SARS-CoV-2 là “rất nguy hiểm” hoặc “nguy hiểm” trong khi giữa năm ngoái có đến gần 78% cho rằng virus này “không quá nguy hiểm”.
Điều đó có nghĩa ngày càng có nhiều người có xu hướng tiếp tục đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách vật lý và thực hiện các biện pháp phòng dịch khác, bao gồm cả việc tiêm vaccine, để giữ an toàn cho bản thân, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của họ.
Theo một nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới và Công ty Tư vấn và nghiên cứu thị trường Ipsos (Pháp) vào tháng 8 năm ngoái, 2/3 số người ở Malaysia không chắc chắn sẽ chịu tiêm vaccine.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Chính phủ Malaysia được công bố vào cuối tháng 12-2020 cho thấy, 2/3 số người ở Malaysia đã chấp nhận sẽ tiêm vaccine Covid-19. Sự thay đổi thái độ này đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Một chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 thành công còn phụ thuộc vào việc mọi người cảm thấy thoải mái và tin tưởng khi tiêm vaccine.
Ngoài tác dụng tuyên truyền của các phương tiện truyền thông xã hội và thông qua nền tảng kỹ thuật số, hơn 1/5 người Malaysia cho biết họ vẫn thích lấy thông tin trực tiếp từ người thật, cụ thể. “Người thật” ở đây chính là những nhân viên y tế chính phủ, các tình nguyện viên tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ, WHO…, những người đã hết lòng trấn an người bệnh, đồng thời sẵn lòng giúp người dân tìm kiếm thêm thông tin về dịch bệnh.
Cơ hội tốt nhất để Malaysia ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 phụ thuộc việc chủng ngừa cho khoảng 80% dân số trong 12 tháng tới. Tuy nhiên, câu chuyện vaccine và tiêm chủng ở Malaysia chỉ là một phần của giải pháp ngăn dịch bệnh.
Quan trọng hơn cả, những người có trách nhiệm phải đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể dễ dàng chia sẻ mối quan tâm của họ và cảm thấy được lắng nghe. Từ chỗ biết lắng nghe, các nhà lãnh đạo sẽ hiểu người dân cần gì và họ muốn đón nhận thông tin đó như thế nào. “Lắng nghe” - chính là chìa khóa để dẫn đến thành công.