Lãng phí

Tuyến đường Mai Chí Thọ (quận 2, TPHCM) được đưa vào sử dụng từ tháng 8-2010 nhưng chỉ một thời gian ngắn đã lún, trồi nhựa mặt đường. Thực tế, trong 4 năm qua, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình Giao thông đô thị TPHCM đã nhiều lần sửa chữa nhưng mới chỉ thi công hướng từ hầm Thủ Thiêm ra cầu vượt Cát Lái - xa lộ Hà Nội, chiều ngược lại chỉ làm tạm thời, thế là lún vẫn hoàn lún. Đoạn đường Mai Chí Thọ thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây với tổng đầu tư lên tới 13.400 tỷ đồng, đoạn dưới chân cầu vượt Cát Lái, mặt đường tạo rãnh sâu gần 10 - 10,5cm và kéo dài gần 200m.

Không chỉ đoạn đường trên bị lún mà trên địa bàn thành phố còn nhiều tuyến đường khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, như đường Nguyễn Thị Định, đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai). Mặc dù trước đó, Cục Quản lý đường bộ IV đã nhắc nhở, đôn đốc sửa chữa các vị trí mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe. Tuy nhiên, tình trạng này đã không được các đơn vị liên quan xử lý kịp thời và gây bức xúc trong dư luận.

Trên cả nước, nhiều đoạn đường cao tốc cũng xuất hiện lún, nứt. Đơn cử như tuyến quốc lộ 1 (đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh) có nơi lún sâu 4cm; cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245km với tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng cũng đã xuất hiện sụt lún; đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng rơi vào tình trạng lún 6,7cm; dự án nâng cấp và cải tạo quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng) cũng hư hỏng nghiêm trọng.

Hiện tượng gây lún không phải mới và khó khắc phục nhưng do cách xử lý của chủ đầu tư lúng túng, không khoa học, chọn đơn vị tư vấn kiểm định kém… nên cứ đổ thừa do xe quá tải. Tuy nhiên, tình trạng xe quá tải lưu thông không chỉ trên đường Mai Chí Thọ mà còn ở nhiều tuyến khác, như đại lộ Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội... nhưng ở những nơi đó không bị lún. Nguyên nhân chủ yếu là do công trình kém chất lượng. Thế nhưng, khi đánh giá, các đơn vị có trách nhiệm lại liệt kê ra rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là lúng túng và chậm chạp để xảy ra tai nạn rồi mới khắc phục sự cố.

Để chấn chỉnh vấn đề trên, Sở GTVT TPHCM đã chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn phải nhanh chóng rà soát, làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý khi để tình trạng mặt đường bị hằn lún vệt bánh xe, gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường Mai Chí Thọ, quốc lộ 1, đường Nguyễn Thị Định, đường dẫn cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Ngoài ra, các đơn vị trên tăng cường công tác tuần tra các trục đường có mật độ phương tiện xe tải, xe container lưu thông cao, kịp thời phát hiện tình trạng mặt đường bị hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe để cảnh báo và sửa chữa ngay nhằm đảm bảo an toàn giao thông. UBND TPHCM cũng yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM phải xử lý triệt để lún trên đại lộ Đông - Tây và thực hiện ngay trong quý 3-2015.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, lần khắc phục này cũng giống như những lần cải tạo trước, cũng chỉ là thay lớp áo đường mới cho lớp áo đường cũ và đây không phải là cách làm bền vững, thậm chí còn gây lãng phí.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục