Năm học 2011 - 2012, sách giáo khoa lại một lần nữa được Bộ Tài chính đồng ý thông qua mức giá mới tăng gần 17% so với năm học trước (lần tăng gần nhất là năm học 2008 - 2009 tăng 10% so với trước đó). Một học sinh đi học phải sắm một bộ sách có giá từ 100.000 - 200.000 đồng tùy vào cấp học.
Việc sách giáo khoa tăng giá càng làm tăng thêm gánh nặng cho người đi học. Không đột biến phi nước đại như giá vàng nhưng các loại sách tham khảo, dụng cụ cần thiết cho việc học tập cũng lặng lẽ tăng theo… Góp các khoản tiền, phí thành cơn bão đầu năm học chắc chắn nhấn chìm không ít khát khao đến trường của những học sinh nghèo. Số tiền sách tăng giá không phải quá lớn nhưng áp lực đè lên vai người đi học không chỉ có sách giáo khoa. Mỗi đầu năm học, phụ huynh lại đau đầu với những khoản tiền cho con đi học.
Trong khi sách giáo khoa mới tăng giá đang trở thành áp lực cho nhiều người thì hàng chục triệu bản sách chỉ mới qua một lần sử dụng đang chờ… làm phế liệu. Khi cả nước đang được kêu gọi thực hiện tiết kiệm, việc thải loại hàng chục triệu bản sách giáo khoa còn giá trị sử dụng là quá lãng phí. Nội dung không thay đổi, có chăng chỉ là sự thay đổi hình thức nhưng sách giáo khoa vẫn được xuất bản đều đặn mới hàng chục triệu bản mỗi năm. Một gia đình có nhiều trẻ đi học cách nhau chừng vài năm nhưng đứa nhỏ đã không thể sử dụng lại sách của đứa lớn.
Ở một số nước có nền giáo dục phát triển, sách giáo khoa đúng như tên gọi đó là bộ sách chuẩn, không thay đổi, chỉnh sửa nhiều nên sách có tuổi thọ dài hơn. Trong khi đó, sách giáo khoa tại Việt Nam dù thường xuyên được cải tiến, chỉnh sửa nhưng mỗi lần xuất bản vẫn xuất hiện những hạt sạn và không ít lỗi kiến thức căn bản.
Không bàn đến nội dung hay chất lượng in ấn của một sản phẩm mang tính độc quyền như sách giáo khoa, việc một đất nước trong quá trình phát triển, còn lắm khó khăn như ta lại lãng phí hàng tỷ đồng mỗi năm cho việc sử dụng sách giáo khoa thật bất hợp lý.
Nhìn ra các nước được xếp vào hàng giàu có nhưng Đức, Hà Lan… lại sử dụng sách giáo khoa rất tiết kiệm và hiệu quả. Ở nước bạn, sách được lưu giữ cẩn thận tại thư viện trường học dành cho học sinh mượn học hàng năm. Bản thân học sinh cũng được giáo dục có trách nhiệm sử dụng và bảo quản tài sản chung. Ở những đất nước mà người dân có thu nhập bình quân mỗi năm vài chục ngàn USD không phải không mua nổi bộ sách giáo khoa cho con em họ đi học nhưng số tiền đầu tư vào việc học được sử dụng đúng vào mục đích nâng cao chất lượng dạy học.
Mỹ Hằng