Gần đây, tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng (TCCN, CĐ) ở TPHCM kiến nghị thành phố ưu tiên dành đất để xây mới, cải tạo cơ sở vật chất nhằm phát triển lĩnh vực đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp theo hướng hiện đại; nhiều trường TCCN có sẵn cơ ngơi nền tảng về đào tạo nghề thì mong muốn được đầu tư nhiều hơn để phát huy năng lực, mở rộng quy mô đào tạo. Điều này cho thấy việc quy hoạch lại hệ thống dạy nghề gồm trung tâm dạy nghề, trường nghề, trường TCCN, CĐ trên địa bàn thành phố theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội là cấp bách. Không thể tồn tại tư duy mỗi quận, huyện, địa bàn phải có một trung tâm dạy nghề hay trường trung cấp nghề, trong khi khu vực đó đã có trường TCCN hoặc CĐ kinh tế kỹ thuật…
Sự chồng chéo, trùng lắp trong đào tạo ngành nghề đang khiến bức tranh chung về dạy nghề ở TPHCM nhiều nhưng không tinh. Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP, lãnh đạo Trường TCCN Nguyễn Hữu Cảnh ở quận 7 cho rằng trường mình có năng lực đào tạo nghề, nhưng chưa sử dụng hết công suất vì nguồn tuyển sinh hàng năm rất khó khăn. Trước yêu cầu phát triển, nhà trường đang có nhu cầu mở rộng cơ ngơi, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo yêu cầu đổi mới giáo dục, rất cần được đầu tư thêm về vốn, mặt bằng. Vậy mà, quận 7 lại đang dự kiến xây mới thêm một trung tâm dạy nghề ở gần Trường TCCN Nguyễn Hữu Cảnh, cần cân nhắc kỹ là điều này có cần thiết hay không? Sự lãng phí trong đầu tư dàn trải, manh mún, trường không ra trường, thiếu môi trường đào tạo nghề chuyên nghiệp, hiện đại, đang làm suy yếu năng lực dạy nghề ở TPHCM. Rất nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM cần phải quy hoạch và tập trung đầu tư vốn, quỹ đất vào những cơ sở, trường dạy nghề, TCCN, CĐ có thương hiệu, uy tín để họ phát huy hết năng lực đào tạo nghề, phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp theo chuẩn khu vực và quốc tế.
Đứng trước yêu cầu phát triển, hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhu cầu về mặt bằng, đất đai của các trường trung cấp, CĐ, đại học (ĐH) trên địa bàn rất lớn. Thế nhưng, tìm đâu ra quỹ đất sạch? Đơn cử như, khi biết huyện Nhà Bè còn nhiều quỹ đất, nhiều trường TCCN, CĐ, ĐH trên địa bàn thành phố đã nhắm đến và mong chờ mình được UBND TP phê duyệt. Theo giãi bày của lãnh đạo huyện Nhà Bè, quỹ đất chỉ khoảng 126ha nhưng có đến 40 trường TCCN, CĐ, ĐH đề nghị được xét duyệt với nhu cầu trên 1.000ha. Vậy ai sẽ lọt vào danh sách may mắn này? Thực tế cho thấy, khi quỹ đất sạch dành cho giáo dục còn quá ít thì chúng ta càng phải rà soát lại, xem nơi nào hoạt động không hiệu quả buộc phải chấn chỉnh hoặc kiên quyết thu hồi mặt bằng, không để tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, sử dụng mặt bằng lãng phí, dẫn đến việc tuyển sinh dạy nghề èo uột như lâu nay.
KHÁNH HÀ