Thị trường lịch đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa bước vào năm mới. Tuy nhiên, đến giờ này có thể đánh giá sơ bộ mùa lịch năm 2013 rất phức tạp với những diễn biến trái ngược so với nhiều mùa lịch trước.
Doanh thu cao, lợi nhuận thấp
Mặc dù đánh giá tích cực về thị trường lịch nhưng ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Fahasa, thừa nhận sức mua chỉ tốt ở khu vực bán buôn, còn bán lẻ sức mua chậm, đặc biệt các đơn vị doanh nghiệp lớn năm nay sức mua giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, sức mua lịch ở các ngân hàng năm nay giảm nhiều, nếu mọi năm các đơn vị này đều mua đến hàng trăm ngàn bloc lịch, năm nay con số chục ngàn đã là vô cùng hiếm hoi. Thậm chí có ngân hàng năm trước mua cả 200.000 bloc lịch, năm nay chỉ mua vỏn vẹn 1.000 bloc.
Theo ghi nhận năm nay, tại khu vực TP, loại lịch bán chạy nhất là các loại từ bloc trung màu (giá khoảng 32.000 đồng/bloc) đến bloc đại (có giá khoảng 63.000 đồng/bloc). Tại các khu vực nông thôn, loại lịch bán chạy nhất vẫn là trung pơluya, giá khoảng 16.000 đồng/bloc. Các loại lịch bloc cỡ lớn, siêu lớn có giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/bloc năm nay bán chậm. Theo nhận định của các đại lý, thường người mua loại lịch này để tặng. Nhưng năm nay kinh tế khó khăn nên khách hàng mua các loại lịch khác giá thấp hơn.
Khác với thông tin đánh giá đầu mùa lịch năm nay thị trường lịch sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có khả năng ế ẩm, thực tế đến nay thị trường lịch lại ghi nhận tình hình ngược lại. Ông Phạm Minh Thuận cho biết: Thực ra, nếu chỉ xét ở bán buôn năm nay còn tốt hơn cả năm ngoái, đến giờ phút này hầu hết lịch đã được bán, không xảy ra tình trạng tồn kho như mọi năm.
Giải thích nguyên nhân có tình trạng này, bà Phạm Thị Hóa, Trưởng phòng Kinh doanh nội địa Fahasa, cho biết: “Chính vì các dự báo mùa lịch 2013 có nhiều khó khăn nên vào đầu mùa, các đơn vị đều lo lắng, tìm mọi cách để bán hết lịch. Trong đó, việc đẩy chiết khấu lịch lên rất cao”. Chính vì chiết khấu cao nên doanh thu tuy lớn nhưng lợi nhuận của các nhà làm lịch thấp.
Ngoài việc nâng chiết khấu, có những đơn vị lại tìm các biện pháp khác để tạo sự thu hút. Như bộ lịch của NXB Thời đại, nhận thấy hàng năm, khách hàng mua lịch về phải vất vả tự gắn ốc, luồn giá rất vất vả. Năm nay, sau khi nhận lịch về từ nhà in, NXB đã tổ chức gắn lịch sẵn, khách hàng mua về có thể treo lên dùng ngay. Việc này khiến NXB phải tốn thêm một khoản chi phí đáng kể.
Hy vọng khách hàng cuối mùa
Theo ước tính của Hội Xuất bản Việt Nam, năm nay thị trường có khoảng 16 đến 17 triệu bloc lịch các loại. Khác với mọi năm, các NXB thường đòi hỏi số lượng cao hơn chỉ tiêu của Hội Xuất bản quy định, năm nay nhiều NXB, nhóm làm lịch còn không làm hết định mức. Ông Kiểm cho biết: “Những năm trước, lịch bán được, dù có in dư, bán không hết nhưng vẫn có lợi nhuận cao để bù lại. Năm nay ngay từ đầu đã dự kiến khó bán nên các đơn vị chỉ in vừa phải”.
Dạo qua các phố lịch lớn ở TPHCM như khu Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, các chủ cửa hàng, nhà sách có bán lịch đều cho rằng sức mua năm nay chậm hơn nhiều. Đặc biệt, khách mua từ các cơ quan, xí nghiệp giảm mạnh. Bà Huỳnh Thị Loan, chủ một đại lý bán lịch, cho biết: “Điều này cũng nằm trong dự đoán nên chúng tôi cũng đặt hàng cầm chừng để xem sao, cửa hàng tôi năm nay chỉ đặt khoảng 50% so với năm ngoái”.
Tuy nhiên, nếu các đơn vị, công ty mua lịch số lượng lớn đến giờ phút này có thể coi như đã khóa sổ thì ngược lại, người mua lẻ vẫn là niềm hy vọng. Theo thông lệ hàng năm, khoảng thời gian giữa tết dương lịch và tết âm lịch là thời điểm sức mua lẻ mạnh nhất, nên năm nay các đại lý kinh doanh lịch hy vọng khách mua lẻ sẽ góp phần giúp thị trường lịch khởi sắc hơn vào cuối mùa.
Tường Vy