Lao động giá rẻ không còn là lợi thế

Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thị trường lao động đang mở rộng cửa. Người lao động có kỹ năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của mỗi quốc gia trong cộng đồng AEC có quyền được nhận đến làm việc và cấp quyền cư trú dài hạn.

Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thị trường lao động đang mở rộng cửa. Người lao động có kỹ năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của mỗi quốc gia trong cộng đồng AEC có quyền được nhận đến làm việc và cấp quyền cư trú dài hạn.

Lâu nay, chúng ta luôn giới thiệu về đội ngũ lao động trong nước với các thế mạnh: cần cù, chịu khó học hỏi, giá rẻ…, trong khi yêu cầu về tay nghề và kiến thức chuyên môn hầu như chưa bao giờ được xem là ưu điểm. Nay thị trường lao động mở cửa, đang đặt ra yêu cầu cao hơn với đội ngũ lao động: ngoài việc giỏi chuyên môn, còn phải có kỹ năng mềm và vốn ngoại ngữ để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia AEC. Do vậy, khi bỏ rào cản hành chính để lao động tự do đi lại trong khu vực, thì lao động giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn là lợi thế nữa.

Không phải đến bây giờ câu chuyện về chất lượng đội ngũ lao động nước ta mới được đem ra mổ xẻ. Cách nay vài năm, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được xác định là vô cùng cấp bách để tránh nguy cơ lao động Việt Nam thua ngay trên chính sân nhà khi thị trường lao động AEC chính thức mở cửa. Thế nhưng, đến nay nguy cơ này vẫn hiển hiện và ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn. Coi nhân công giá rẻ là một lợi thế của lao động Việt Nam là một sự ngộ nhận, bởi dưới cái nhìn của nhà quản lý, giá nhân công chỉ có ý nghĩa trong mối tương quan với năng suất lao động.

Thực trạng đáng buồn là năng suất lao động của người Việt Nam rất thấp so với khu vực và thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất châu Á, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân khu vực ASEAN. Còn theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hàng năm của Việt Nam chỉ đạt từ 3,3% - 5,2%. Theo thống kê của trang dịch vụ việc làm trực tuyến JobStreet, khảo sát trên 3.000 sinh viên Việt Nam sắp ra trường trong tháng 6-2015, cho thấy chỉ có 5% sinh viên tự tin với khả năng tiếng Anh, 27% thừa nhận kém ngoại ngữ. Với những thông tin như thế, thì sự khéo léo, bản tính chịu khó, chỉ đòi hỏi mức lương thấp… cũng khó có thể biến thành lợi thế của lao động Việt Nam.

Hiện nay, nước ta đang thực sự có một nguồn lao động dồi dào. Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người; trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Nói cách khác, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, đây là lực lượng lao động lý tưởng đối với một quốc gia. Thế nhưng nhìn vào chất lượng nguồn lao động thì dân số vàng hiện nay chưa thực sự là cơ hội vàng. Câu chuyện đáng quan tâm khi chúng ta hội nhập là năng suất lao động và tính hiệu quả trong lao động chứ không phải lao động giá rẻ hay giá đắt.

Do vậy, khi thị trường lao động mở cửa, chỉ có thể cạnh tranh được trên cơ sở nâng cao năng suất và kỹ năng làm việc của người lao động. Giải pháp căn cơ là trang bị cho người lao động những kỹ năng quan trọng trong quá trình hội nhập, bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Thông thường, để được tuyển vào một vị trí nào đó, điều kiện đầu tiên là ứng viên phải có kỹ năng cứng, tức là kiến thức chuyên môn. Ví dụ, một kế toán trưởng phải thành thạo việc kiểm tra chứng từ, báo cáo thuế, quyết toán chi phí. Một chuyên viên công nghệ thông tin phải nắm rõ cách vận hành hệ thống mạng, hệ điều hành, bảo trì… Song song đó, các kỹ năng mềm như thái độ đối với công việc và các khả năng ngoại giao, ngoại ngữ, thiết lập quan hệ xã hội, đàm phán… được coi là những yếu tố quan trọng để nhà tuyển dụng quyết định có chọn ứng viên hay không. Thực tế, những kỹ năng mềm này đóng vai trò rất quan trọng, quyết định thành công bền vững của một cá nhân bên cạnh kiến thức chuyên môn.

Đối với cá nhân người lao động, dù đã muộn nhưng vận động còn hơn không. Khi các cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc dạy nghề, đào tạo nghề chất lượng cao còn chưa thật hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu, thì sự thức thời của chính bản thân người lao động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo đó, người lao động cần thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, vốn ngoại ngữ cần thiết để có thể thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của môi trường lao động mới và sự phát triển của khoa học công nghệ…, từ đó mới có thể tự tin đứng vững trước ngưỡng cửa khu vực hóa thị trường lao động trong thời gian tới.

TRỊNH THỊ HIỀN

Tin cùng chuyên mục