Lập danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý

Sở TN-MT vừa được UBND TP giao chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan và UBND các quận - huyện hoàn thành việc rà soát, phân loại, lập danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt trên địa bàn TP để trình UBND TP thông qua.

(SGGP).- Sở TN-MT vừa được UBND TP giao chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan và UBND các quận - huyện hoàn thành việc rà soát, phân loại, lập danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt trên địa bàn TP để trình UBND TP thông qua.

TP lưu ý, trong thời gian còn chờ hoàn thiện, sửa đổi Quyết định 132/2006/QĐ-UBND ngày 5-9-2006 của UBND TP ban hành quy định tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP, giám đốc Sở Xây dựng phải tham mưu đề xuất cho Chủ tịch UBND TP giải quyết các trường hợp phản ánh và khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

HUY ANH

  • Ô nhiễm môi trường gây tổn thất đến 5.5% GDP

(SGGP).- Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra đánh giá về tổn thất do ô nhiễm môi trường gây ra tại Việt Nam. Tổn thất hiện lên đến 5,5% GDP hàng năm. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam đã mất 3,9 tỷ USD trong số 71 tỷ USD của GDP trong năm 2007 và khoảng 4,2 tỷ USD ước tính trong 76 tỷ USD của GDP trong năm 2008; đồng thời mỗi năm thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra còn tổn thất về kinh tế trên các mặt con người, mùa màng và đánh bắt thủy sản sau mỗi vụ thảm họa, hoặc một sự cố do ô nhiễm môi trường. Những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra trước hết là thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm chi phí khám và thuốc chữa bệnh, tổn thất ngày công lao động do nghỉ ốm và tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm.

Có 80% trường hợp mắc bệnh lỵ và tiêu chảy đều do nguồn nước bị ô nhiễm. 4 năm gần đây đã có 6 triệu ca bệnh liên quan đến ô nhiễm nước. Chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét khoảng 400 tỷ đồng. Thêm vào đó, bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng không nhỏ đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học, nghỉ làm khiến cả người bệnh và người chăm sóc giảm 20% thu nhập.

HÀ PHƯƠNG

  • Xử phạt vi phạm về môi trường có thể lên 4 tỷ đồng

(SGGP).- Tại Hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 117/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Tổng cục Môi trường tổ chức tuần qua, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, NĐ 117 ra đời đã làm cho công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước cuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện NĐ này đã bộc lộ một số bất cập nên cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Theo đó, dự thảo sửa đổi NĐ 117 bao gồm 5 chương và 76 điều, trong đó có nhiều sửa đổi và bổ sung mới so với NĐ cũ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, thẩm quyền xử phạt của nhiều chức danh và nhiều tổ chức, cá nhân được điều chỉnh, nâng mức xử phạt từ 500 triệu đồng trước đây lên 2 tỷ đồng. Trong đó, đối với thành phố trực thuộc trung ương có thể lên đến 4 tỷ đồng trên một hành vi vi phạm. Ngoài xử phạt tiền, dự thảo cũng quy định áp dụng đồng thời với hình thực đình chỉ hoạt động, buộc di dời và cấm hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đa số các đại biểu cho rằng, dự thảo đã chỉnh sửa, khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc khi triển khai NĐ 117.

Tuy nhiên, nên xem xét lại về nguyên tắc xử phạt trong đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xem xét và nghiên cứu kỹ hơn về thẩm quyền xử phạt. Dự kiến, sau khi NĐ sửa đổi NĐ 117 được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 và thay thế NĐ 177 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục