Là một doanh nghiệp quy mô nhỏ được thành lập tại huyện Krông Năng với năng lực tài chính thấp, thế nhưng không hiểu sao Công ty TNHH TM và SX Lộc Phát (Công ty Lộc Phát) lại được UBND tỉnh Đắc Lắc ưu ái giao cho nhiều dự án trồng rừng và phát triển cây cao su theo chủ trương của Chính phủ - cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Quá trình điều tra thực tế, chúng tôi đã phát hiện Công ty Lộc Phát và một số doanh nghiệp thay vì trồng cao su theo dự án được giao, đã đem bán hàng trăm hécta đất rừng, thu lợi hàng tỷ đồng…
Bán hàng trăm hécta rừng mà chủ rừng không biết
Vượt hơn 30 cây số đường đồi dốc, trơn trượt từ trung tâm xã Ea Hiao, huyện Ea H’Leo, chúng tôi đến tiểu khu 104 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Leo quản lý để tìm hiểu thực tế về 500 ha đất rừng mà UBND tỉnh Đắc Lắc giao cho Công ty Lộc Phát có nhiều điều khuất tất chưa được làm rõ.
Xã đội trưởng xã Ea Hiao Nguyễn Văn Phụng dẫn đường đưa chúng tôi đến khu sản xuất của Công ty Lộc Phát nằm sâu giữa cánh rừng già tiếp giáp với 3 tỉnh Đắc Lắc, Phú Yên và Gia Lai. Cả một khu rừng với những quả đồi trọc lóc cây cối vì đã bị chặt trắng từ nhiều năm qua. Văn phòng đội sản xuất chỉ có một dãy nhà tôn đã xuống cấp, không có một công nhân nào ngoài 2 bảo vệ tên Phước và Bảy được phân công giữ đất.
Chủ nhân mới của khu đất rộng hàng trăm hécta này không phải là Công ty Lộc Phát như tài liệu mà chúng tôi nắm được. “Khu đất này họ bán cho Công ty Tân Hưng Long từ lâu rồi mà” – ông Bùi Quang Pháp, Đội phó đội sản xuất Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Leo, xác nhận với chúng tôi. Các nhân viên bảo vệ tại đây cũng xác nhận họ làm việc và hưởng lương của Công ty Tân Hưng Long, trụ sở ở lô D5, KCN Suối Dầu (tỉnh Khánh Hòa). Hiện công ty chưa triển khai trồng rừng được vì Công ty Lộc Phát chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng đất theo hợp đồng đã ký trước đó.
“Hàng trăm hécta đất rừng này vẫn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Leo mà?”. Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, Giám đốc Nguyễn Công Hùng xác nhận: “Đúng vậy, nhưng Công ty Lộc Phát đã chuyển nhượng cho Công ty Tân Hưng Long từ giữa năm 2008, cho tới gần đây chúng tôi mới phát hiện được”.
Theo tài liệu mà Giám đốc Nguyễn Công Hùng cung cấp, năm 2007 được UBND tỉnh Đắc Lắc chấp thuận, Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ea H’Leo và Công ty Lộc Phát ký hợp đồng hợp tác trồng rừng với thời gian 49 năm. Công ty Lộc Phát góp 80% vốn bằng giá trị đầu tư trồng rừng, 20% còn lại bao gồm giá trị đất, cơ sở hạ tầng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Leo.
Thực chất, hai doanh nghiệp này không bỏ ra một đồng nào trong hợp đồng liên kết này. Khi có được 500 ha đất, Công ty Lộc Phát thuê người vào chặt trắng, phát quang những cánh rừng già rồi ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty Tân Hưng Long với giá ghi trong hợp đồng là 4,6 tỷ đồng.
Trên thực tế, như khẳng định của ông Hùng, giá chuyển nhượng mà hai bên ký với nhau là gần 10 tỷ đồng. Thấy Công ty Lộc Phát nhận đất, phá rừng, dựng nhà mà không sản xuất gì, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Leo nhiều lần làm văn bản “nhắc”, nhưng đều không nhận được câu trả lời.
Sau nhiều lần trì hoãn, Giám đốc Công ty Lộc Phát Hồ Đắc Dũng mới thừa nhận đã bán 500 ha đất rừng trên cho Công ty Tân Hưng Long và UBND tỉnh cũng chấp thuận việc mua bán này. Vấn đề còn lại là thủ tục, và bỗng dưng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Leo - đơn vị được Nhà nước giao giữ rừng, bị mất trắng 500 ha đất rừng mà không được hưởng lợi một đồng nào từ hợp đồng liên kết phát triển rừng được ký trước đó.
Cũng trong khu vực đất rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’Leo quản lý, còn gần 400 ha tại tiểu khu 106 trước đó đã được UBND tỉnh Đắc Lắc đề nghị cắt ra giao lại cho Công ty Lộc Phát theo chủ trương chuyển đổi rừng sản xuất nghèo sang trồng cao su. Thế nhưng, khi chúng tôi đến thực tế thì phát hiện hàng trăm hécta rừng trên đã bị phá tan hoang.
Vượt qua những con dốc thẳng đứng, chúng tôi tìm đến khu lán trại của Công ty Lộc Phát nằm cheo leo trên một quả đồi. Khung cảnh hoang tàn, không một bóng người. Phía trước căn nhà tôn có tấm biển ghi dòng chữ: “UBND tỉnh Đắc Lắc – Công ty TNHH TM và SX Lộc Phát – Đội chăm sóc bảo vệ rừng TK 106”. Người cán bộ đi cùng chúng tôi móc điện thoại ra gọi cho Chủ tịch UBND xã Ea Hiao – Kpă Y Top: “Anh ơi, Công ty Lộc Phát họ đi đâu rồi sao không có ai?”. “Họ bán đi hết rồi à?” – người cán bộ nhắc lại câu trả lời của chủ tịch xã. Xã đội trưởng Nguyễn Văn Phụng gọi điện cho một cán bộ kiểm lâm tên Thông (Hạt kiểm lâm Ea H’Leo) và được ông này quả quyết: “Họ bán cho một người tên Sang ở Buôn Ma Thuột rồi”. “Bán hồi nào, giá bao nhiêu?” – chúng tôi hỏi. “Không biết” – phía đầu dây bên kia trả lời.
Nhận tiền rồi “xù” giao đất
Theo đơn khiếu kiện của ông Lai Hoàng Xương, trú tại 327 Tôn Đản, phường 15, quận 4 TPHCM, chúng tôi tìm đến xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) để tìm hiểu dự án chuyển đổi 995 ha rừng sản xuất sang trồng cao su do Công ty TNHH Hữu Bích (TPHCM) làm chủ đầu tư.
Trong đơn, ông Xương tố cáo Giám đốc Công ty TNHH Hữu Bích Lê Hữu Hậu đã nhận của ông 2 đợt số tiền là 800 triệu đồng và hứa sẽ chuyển nhượng 30 ha đất trong dự án để trồng cao su. Tiền đã nhận từ ngày 29-6-2009, nhưng đến nay ông Hậu và Công ty TNHH Hữu Bích không giao đất và cũng không trả lại tiền cho ông Xương.
Chủ tịch UBND xã Ea Huar Nguyễn Khắc Hùng cử người dẫn chúng tôi vào tiểu khu 487 thuộc dự án của Công ty TNHH Hữu Bích. Cả một khu rừng rộng hàng trăm hécta ngổn ngang gốc, cành cháy nham nhở. Một số khu đất đã được trồng cao su. Khi chúng tôi hỏi những người đang canh tác tại đây thì đều nhận được câu trả lời: “Đất của mình mà đâu có phải của công ty”. Vào khu nhà đề tấm biển bên ngoài: “Dự án trồng cao su Công ty TNHH Hữu Bích”, chúng tôi không gặp một nhân viên nào tại đây. Khu nhà như đã bỏ hoang từ nhiều năm nay.
Từ trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay hàng chục hécta đất rừng chuyển đổi trồng cao su giữa ông Lai Hoàng Xương với Công ty TNHH Hữu Bích, theo chúng tôi, rất có thể dự án gần 1.000 ha này đã bị chủ đầu tư sau khi được UBND tỉnh Đắc Lắc giao đã bán cho người khác, bỏ túi hàng tỷ đồng rồi bỏ chạy.
Hoài Nam
| |
| |