Ngày càng có thêm nhiều loại nông sản, thực phẩm nước ngoài nhập vào Việt Nam, khiến người tiêu dùng thêm lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Hữu Hào (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT, để tìm hiểu rõ hơn về những giải pháp quản lý và ngăn chặn thực phẩm “bẩn” mà các cơ quan chức năng thực hiện…
* Phóng viên: Thưa ông, những năm gần đây câu chuyện hàng hóa, nông sản nhập khẩu với những sự cố cho thấy không thể coi thường, như đầu năm là táo Mỹ gây chết người, rồi mới đây là gà Mỹ bán giá rẻ… Rõ ràng, ngay cả những thị trường nhập khẩu lớn cũng có bất ổn về an toàn thực phẩm?
* Ông PHÙNG HỮU HÀO: Gần đây dư luận và người tiêu dùng băn khoăn nhiều về chất lượng sản phẩm thịt gà. Đối với thịt gà lậu nhập qua biên giới phía Bắc là nguồn hàng không được phép, không được kiểm dịch và được coi là hàng cấm. Còn đối với nguồn thịt gà do các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch, cụ thể là từ thị trường Mỹ, cơ bản được cả hai nước tổ chức kiểm dịch và đảm bảo an toàn mới cho thông quan. Sở dĩ thịt gà Mỹ vào Việt Nam rẻ là vì tại Mỹ, người tiêu dùng không sử dụng các phần như đùi, cánh, chân mà chỉ dùng phần lườn (phi lê) và ức (thịt trắng, không có nhiều cholesterol).
* Nhưng cũng có thông tin cho rằng nguồn thịt gà Mỹ là hàng tồn hoặc do dịch cúm gia cầm (Việt Nam đã có lệnh phải đóng cửa nhập khẩu từ tháng 5-2015). Đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật (thịt, trứng, nội tạng động vật) hiện nay chúng ta có chủ động kiểm soát được không?
* Để chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật, hiện nay chúng ta đang thực hiện theo Thông tư số 25 của Bộ NN-PTNT và hàng năm với nguồn kinh phí được Chính phủ cấp, chúng tôi vẫn tổ chức đoàn đi kiểm tra và làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu của các nước xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam, trong đó chú trọng kiểm tra việc sử dụng phụ gia, chất bảo quản, kháng sinh, kho hàng… ngay tại doanh nghiệp của nước sở tại.
Đối với thị trường Mỹ cũng vậy. Bộ NN-PTNT đã thành lập đoàn công tác sang làm việc với cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ và cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm của Mỹ để thanh tra một số cơ sở giết mổ bò, gia cầm, heo tại Mỹ. Kết quả, chúng tôi đã phát hiện một loạt sai phạm chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chủ yếu là về các sản phẩm nội tạng trắng của động vật. Sau khi đoàn công tác trở về, chúng tôi đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kèm theo kết quả thanh tra. Sau đó kết quả được gửi lại cho cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm của Mỹ và Mỹ đã ghi nhận những điểm chưa tuân thủ an toàn thực phẩm, chưa phù hợp, còn khiếm khuyết về hệ thống quy phạm pháp luật. Sau đó, Việt Nam đã tạm dừng cho phép Mỹ xuất khẩu nội tạng trắng vào Việt Nam. Hiện nay, Mỹ đang mong muốn Việt Nam mở cửa nhập khẩu trở lại nội tạng trắng nhưng Việt Nam vẫn yêu cầu tạm dừng cho tới khi phía Mỹ khắc phục. Nếu đáp ứng mới cho mở cửa trở lại.
* Tuy nhiên, việc tổ chức đi điều tra tận gốc không phải lúc nào và với thị trường nào chúng ta cũng có thể làm mà phải dựa vào việc kiểm soát chặt chẽ khi hàng về cảng. Ở khâu này chúng ta đã kiểm soát tốt chưa, thưa ông?
* Để kiểm soát về an toàn thực phẩm của một lô hàng thực phẩm nhập về cần phải kiểm tra cả các chỉ tiêu về vi sinh vật và tồn dư kháng sinh, chất cấm có vượt ngưỡng cho phép không… Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Thú y, gần đây có lấy mẫu kiểm tra chất lượng chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo Thông tư 25 nhưng tỷ lệ lô hàng phát hiện sai phạm còn rất thấp. Chỉ những lô hàng phát hiện vi sinh vật vượt ngưỡng, kháng sinh thì mới có căn cứ áp dụng biện pháp mạnh hơn.
* Thời gian qua, dư luận lo lắng trước thông tin cho rằng tình trạng các nhà xuất khẩu dùng chất Chlorine để bảo quản thực phẩm khi xuất khẩu là rất phổ biến?
* Thực tế có câu chuyện nhà xuất khẩu dùng Chlorine để sát khuẩn nhưng nếu dùng ở nồng độ cho phép để bảo quản thì việc phát hiện không phải dễ. Nếu kiểm tra mà phát hiện chất bảo quản, xử lý sát khuẩn đó vượt ngưỡng cho phép (mặc dù có trong danh mục) thì sẽ có lý do để cảnh báo cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu, nhưng đến nay chưa phát hiện được.
* Không chỉ các sản phẩm thịt, nội tạng động vật mà hiện nay những mặt hàng như trái cây, rau củ và thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng như đỗ tương, bắp làm thức ăn chăn nuôi cũng được báo động về độ an toàn?
* Đối với trái cây, nông sản có nguồn gốc thực vật hiện nay chúng ta đang thực hiện theo Thông tư số 12 năm 2015 của Bộ NN-PTNT để thay thế cho Thông tư số 13 năm 2009. Trên thực tế từ năm 2009 đến nay, sau khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, chúng ta đã áp dụng quy định kiểm tra tận gốc và qua hồ sơ đăng ký để truy xuất tận nơi sản xuất, cung cấp khi có sự cố xảy ra. Theo đó, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu nông sản thực vật vào Việt Nam phải nộp hồ sơ đăng ký thông tin, địa chỉ vùng trồng, danh mục các thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong quá trình sản xuất, sơ chế bảo quản… để tạo điều kiện cho Cục Bảo vệ thực vật kiểm soát tại cửa khẩu, dễ dàng phát hiện sai phạm trong lô hàng. Chúng ta cũng quy định điều kiện cho nước xuất khẩu phải cung cấp chương trình giám sát quốc gia hàng năm đối với nông sản xuất khẩu vào Việt Nam, bên cạnh đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch còn phải đảm bảo về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích…
* Ông nhìn nhận thế nào khi nhiều người cho rằng hiện nay hàng hóa, nông sản Việt Nam xuất ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn do các nước siết chặt yêu cầu an toàn thực phẩm, trong khi nông sản nước ngoài vào Việt Nam lại quá dễ?
* Điều đó không có nghĩa là chúng ta dễ dãi trong việc kiểm soát chất lượng và đặt ra chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu. Hiện nay, các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành hoàn toàn ngang bằng quy định của các nước và của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế). Tuy vậy, năng lực thực tế còn phụ thuộc vào cơ quan thực thi cũng như điều kiện máy móc, trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát tại các cảng và cửa khẩu. Hiện chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các quy định về an toàn thực phẩm và đầu tư thêm thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất để lập hàng rào kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu, nhưng bên cạnh đó, sản xuất trong nước cũng cần nâng cao chất lượng cũng như năng suất và giá thành để hạn chế phụ thuộc nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa thương mại.
* Xin cảm ơn ông!
PHÚC HẬU (thực hiện)