Lấp “khoảng trống” để thúc đẩy văn hóa phát triển

Với tình trạng khủng hoảng giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; xả rác bừa bãi; vấn nạn tham nhũng… vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu. Đó không chỉ là những bấp cập về văn minh đô thị mà còn là những biểu hiện của lỗ hổng về văn hóa - con người...

Chủ đề năm 2020 được TPHCM xác định là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Trò chuyện với phóng viên Báo SGGP, GS-VS-TSKH Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu đầu ngành về văn hóa học, ngôn ngữ học và Đông phương học, đã gợi mở nhiều vấn đề trong phát triển văn hóa, văn minh, xây dựng con người, vốn có xuất phát điểm từ văn hóa nông nghiệp, trở thành người công dân với những phẩm chất, giá trị phù hợp với văn minh đô thị trong một thế giới hội nhập. 

Phẩm chất, giá trị cần có của con người đô thị

- PHÓNG VIÊN: Văn hóa, văn minh được xác định là chủ đề năm 2020 của TPHCM, theo ông, đâu là những vấn đề mà TPHCM cần lưu ý trong phát triển văn hóa? 

 - GS-VS-TSKH TRẦN NGỌC THÊM: Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ văn hóa truyền thống đến văn hóa hiện đại, từ văn hóa nông nghiệp đến văn hóa công nghiệp, từ văn hóa nông thôn làng xã đến văn hóa văn minh đô thị. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, sự xung đột giữa một bên là hệ giá trị con người truyền thống có nhiều điểm không còn phù hợp với bên kia là hệ giá trị con người mới chưa kịp hình thành, đã làm sản sinh rất nhanh hàng loạt phi giá trị.

Lấp “khoảng trống” để thúc đẩy văn hóa phát triển ảnh 1 GS-VS-TSKH Trần Ngọc Thêm
TPHCM có rất đông người từ các địa phương khác đến làm việc và sinh sống, tình trạng này ngày càng gia tăng. Thực tế đó đòi hỏi chiến lược phát triển bền vững phải đặt ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng văn hóa - con người - với các phẩm chất cần thiết để sống trong môi trường xã hội công nghiệp và đô thị hiện đại. 

Với tình trạng khủng hoảng giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường; xả rác bừa bãi; vấn nạn tham nhũng… vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu. Đó không chỉ là những bấp cập về văn minh đô thị mà còn là những biểu hiện của lỗ hổng về văn hóa - con người. Do vậy, TPHCM chọn chủ đề của 2020 là “đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” là một chủ trương đúng đắn.

“Văn hóa” mà TPHCM đang cần không phải chỉ đơn giản là những hoạt động văn học nghệ thuật, hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động ở các thiết chế văn hóa… mà phải là “văn hóa” theo nghĩa rộng, “văn hóa” giúp khắc phục những bất cập về văn minh đô thị, “văn hóa” giúp xây dựng con người với các phẩm chất cần thiết để sống trong môi trường xã hội công nghiệp và đô thị hiện đại.

- Ông đã chỉ ra khoảng trống văn hóa trong quá trình đô thị hóa và vai trò của việc xây dựng con người. Vậy theo ông, đâu là những phẩm chất, giá trị cần thiết phù hợp với con người sống trong môi trường xã hội công nghiệp và đô thị như TPHCM?

- Chúng ta đang chứng kiến sự xung đột giữa hệ giá trị nông nghiệp - nông thôn truyền thống, là cái ta đã có với hệ giá trị công nghiệp - đô thị, là cái ta cần và đang xây dựng. Chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế tri thức trong các đô thị thông minh hòa hợp với tự nhiên bằng những giá trị của một nền văn hóa tiểu nông, quen sống trong làng xã - vốn là thứ văn hóa để ổn định (văn hóa âm tính, tĩnh).

Kinh tế tri thức và đô thị thông minh chỉ có thể xây dựng bằng những giá trị của văn hóa để phát triển (văn hóa dương tính, động). Mà ở Việt Nam, từ người dân đến cán bộ, ở những mức độ khác nhau, đều chưa được chuẩn bị đầy đủ những phẩm chất, những giá trị cần thiết của văn hóa để phát triển.Trong đó, đối với xã hội Việt Nam, cần thiết nhất là 2 giá trị phổ biến dân chủ và pháp quyền.

Đối với con người cá nhân, cần thiết nhất là 8 giá trị: 2 giá trị con người truyền thống cần giữ gìn là yêu nước và nhân ái, 2 giá trị con người thời hội nhập mà chúng ta còn thiếu là trung thực và bản lĩnh, 2 giá trị con người trong quan hệ với đồng loại là trách nhiệm và hợp tác và 2 giá trị con người trong thời đại công nghiệp và kinh tế tri thức mà chúng ta còn thiếu là tính khoa học và sáng tạo. 

Yêu nước thể hiện trong từng việc nhỏ 

- Có vẻ như chúng ta cần phải bổ sung rất nhiều giá trị, chỉ sẵn có tinh thần yêu nước và lòng nhân ái là thể hiện rõ nhất, thưa ông?

- Cũng không hẳn như vậy. Yêu nước là một phẩm chất lâu đời và rất đáng tự hào của chúng ta, nhưng xưa nay nó chỉ thể hiện rất mạnh mẽ trong đấu tranh chống ngoại xâm. Nhưng mỗi khi nguy cơ đe dọa sự tồn vong hoặc quyền lợi của dân tộc qua đi, là người Việt Nam lại có khuynh hướng quay lưng lại với nhau, rất khó hợp tác với nhau. Chúng ta cần một giá trị yêu nước đầy đủ hơn.

Không chỉ yêu nước trong chiến tranh mà phải yêu nước cả trong hòa bình. Không chỉ yêu nước theo kiểu xả thân vì nghĩa lớn, mà phải yêu nước thể hiện ở trong từng việc nhỏ của cuộc sống hàng ngày: yêu con đường ta đi để đừng xả rác, yêu công việc ta làm để hết lòng vì nó, yêu thành phố ta sống để chung tay xây dựng… 

Lấp “khoảng trống” để thúc đẩy văn hóa phát triển ảnh 2 Người dân TPHCM quét dọn vệ sinh đường phố. Ảnh: VIỆT DŨNG

Lòng nhân ái cũng vậy. Người Việt Nam thường dễ thương yêu người thân, thương yêu “người làng” cùng quê, nhưng với người lạ gặp ngoài đường thì hiện tượng phổ biến lại là vô cảm, sinh ra thói “chặt chém”, “hôi của”. Với người quen mà không thân, hiện tượng phổ biến là bệnh “ghen ăn tức ở”, nói xấu sau lưng.

Để phát huy giá trị nhân ái trong cuộc sống ở đô thị, TPHCM cần khuyến khích phát huy mạnh mẽ lối sống tử tế, các việc làm tử tế với tình thương lớn - thương yêu đồng nghiệp để không “ghen ăn tức ở”, thương yêu tha nhân gặp bất kỳ giữa phố phường để không vô cảm...

-  Vì sao ông cho rằng dân chủ và pháp quyền là 2 giá trị xã hội cần thiết nhất?

- Dân chủ là giá trị luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhiều nhất nhưng cũng là giá trị còn nhiều hạn chế, bởi lối sống bao cấp tràn lan từ xã hội vào đến gia đình. Nếu thực sự được phát huy tốt, dân chủ sẽ là giá trị có tác dụng hàng đầu trong việc đấu tranh chống tiêu cực, giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhân dân, là động lực của sự tiến bộ. 

Pháp quyền cũng là giá trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ khi đất nước còn dưới ách ngoại xâm. Giá trị này đặc biệt quan trọng với một đất nước vốn có truyền thống văn hóa âm tính, trọng tình cảm, ứng xử linh hoạt. Thói tùy tiện và thiếu ý thức pháp luật đã trở thành những tật xấu hàng đầu của nhiều người Việt Nam.

Trong hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận xét yếu tố thượng tôn pháp luật hiện nay chưa thực sự tốt, cần phải giáo dục, tuyên truyền để xây dựng tinh thần này tốt hơn.
Dân chủ chi phối xã hội từ dưới lên, pháp quyền chi phối xã hội từ trên xuống. Nếu xây dựng thật tốt cặp giá trị này, phần lớn thói hư tật xấu sẽ được khắc phục, văn hóa văn minh đô thị sẽ tự được hoàn thiện.

Chính danh và tử tế để ngẩng cao đầu

- Trong số các giá trị con người cá nhân mà chúng ta còn thiếu, theo ông, cặp giá trị nào là quan trọng nhất cho việc xây dựng văn hóa văn minh đô thị?

- Đó là trung thực và bản lĩnh - 2 giá trị của con người thời hội nhập mà chúng ta còn rất thiếu. Cần xây dựng tính trung thực, bởi lẽ bệnh giả dối, nói không đi đôi với việc làm đang là tật xấu nghiêm trọng, đứng đầu trong số các tật xấu của người Việt. Để có thể chung sống với nhau và xây dựng một đô thị văn minh; để có thể hội nhập với thế giới, cần nhất là phải trung thực.

Chúng ta chỉ có thể ngẩng cao đầu chừng nào tính trung thực trở thành bản chất nằm sâu trong mỗi con người. Nếu mình trung thực, người khác sẽ trung thực với mình; niềm tin giữa người với người, với tư cách là chất kết dính xã hội và tinh thần đóng góp cho cộng đồng sẽ gia tăng. 

Muốn trung thực, cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh không phải là giá trị xa lạ với người Việt, mà đã được thể hiện trong cuộc đấu tranh liên tục chống ngoại xâm. Song, đó là bản lĩnh tập thể. Cái chúng ta thiếu là bản lĩnh cá nhân để thoát khỏi sự dựa dẫm, không a dua theo đuôi người khác, để có suy nghĩ độc lập trước mỗi sự việc, có chính kiến bằng lời nói, việc làm. 

Chừng nào chúng ta chưa đủ trung thực và bản lĩnh để nhìn thẳng vào những tật xấu của mình và khắc phục; chừng nào chúng ta vẫn còn ưa nịnh và thích được khen, thì chúng ta mãi mãi vẫn là những con người chưa trưởng thành. Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 1932, nhà thơ Tản Đà đã hạ bút viết 2 câu thơ: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

- Trong nhiều vấn đề ngổn ngang như hiện nay, chúng ta có thể bắt đầu từ đâu, thưa giáo sư?

- Như tôi vừa nói ở trên, cần phải xây dựng hệ giá trị văn hóa - con người. Để xây dựng được các giá trị văn hóa - con người nêu trên, cần bắt đầu từ sự chính danh. Mọi thứ sẽ mãi chỉ dừng ở những lời tuyên ngôn, không thể tiến được một bước nào, nếu mọi thứ chúng ta làm theo kiểu đối phó.

Để đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho việc xây dựng văn hóa - con người, cần quan tâm hàng đầu đến việc cải cách chế độ lương bổng, đảm bảo tính chính danh trong cống hiến và hưởng thụ, loại trừ cơ sở tâm lý nuôi sống nạn tham nhũng.

Trong hơn nửa thế kỷ, việc cải cách chế độ tiền lương vẫn loay hoay với câu hỏi lấy đâu ra tiền, nên bất hợp lý, tiền lương chỉ được giải quyết theo kiểu đối phó nhỏ giọt, chắp vá.

Chính chế độ chính sách lương bổng hiện hành đang là một trong những nguyên nhân khiến một số người trong khu vực ăn lương nhà nước mắc bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm, muốn trung thực cũng không được, ngày càng nhiều người bỏ ra làm ngoài, nhiều con em đi du học không trở về...

Như vậy, có lẽ cần bắt đầu việc giải quyết một cách cơ bản tận gốc rễ vấn đề lương bằng những biện pháp thật quyết liệt để mọi công chức có thể thực sự sống được bằng lương, để con người có điều kiện nghĩ, nói và làm một cách trung thực.

Tôi đề nghị TPHCM thử tính toán lại, tập trung các khoản tiền mà một cá nhân thu được từ nhiều nguồn trong một tháng rồi trả hết vào lương, để người nào tập trung lo làm tốt việc người nấy, không “chân trong chân ngoài”.

Tổng quỹ thời gian mỗi người bỏ ra vẫn thế, tổng số tiền chi trả vẫn thế, nhưng quy hoạch, sắp xếp lại sao cho người nào làm đúng việc của người đó và sẽ được nhận đủ lương của mình trong một lần, từ một nơi. Một khi mỗi người đã làm đúng việc và nhận đủ lương thì sẽ trở nên “chính danh”.

Có chính danh thì mỗi người sẽ phải làm việc một cách trung thực và có trách nhiệm, sống đàng hoàng, tử tế và ngẩng cao đầu. Ai không làm đủ việc, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ có nguy cơ mất việc. Như vậy, không cần tăng lương, chỉ cần sắp xếp lại, mà chất lượng và hiệu quả công việc sẽ tăng vọt. 

Việc xây dựng hệ giá trị có một mục tiêu là để loại trừ các phi giá trị, cho nên phải được tiến hành đồng bộ với việc loại trừ các thói hư tật xấu ngay từ trong gia đình, trong nhà trường.

Tin cùng chuyên mục