Trọn ngày hôm qua 22-1, Bộ GD-ĐT đã dành để triển khai nhiệm vụ giáo dục đại học 2013 nói chung, tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 nói riêng. Có thể nhận ra khá rõ ràng không khí bao trùm của hội nghị là tinh thần thẳng thắn, phê và tự phê nghiêm khắc và trên hết là quyết tâm chính trị rất lớn của ngành giáo dục trong việc lập lại kỷ cương giáo dục đại học.
Tinh thần này thể hiện rõ ở việc gần như là lần đầu tiên, báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm của ngành giáo dục (ở đây là về nhiệm vụ giáo dục đại học năm 2012) lại chủ yếu nói về những tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Sự thẳng thắn đó của lãnh đạo bộ khiến các trường ĐH-CĐ thấy chạnh lòng. Không ít trường phàn nàn rằng báo cáo của bộ toàn máu xám, trong khi đó nhìn một cách tổng quát thì giáo dục đại học không phải không có những khởi sắc cùng với đó là những nỗ lực của các trường. Các trường chạnh lòng đến nỗi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phải trấn an “Chúng ta đừng sợ làm được mà nhân dân không hiểu. Nhân dân biết hết, báo chí cũng sẽ kịp thời cổ vũ những gì ngành làm tốt”.
Nhìn lại năm 2012, có thể thấy giáo dục đại học có quá nhiều việc để nói. Những gì đọng lại trong tâm trí xã hội vẫn chỉ là những bề bộn mà lĩnh vực này đang phơi bày. Từ chuyện các địa phương, nhà tuyển dụng quay lưng nói không với hệ đào tạo liên thông, tại chức; đến việc hàng loạt kết quả thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, của chính thanh tra ngành GD-ĐT đã phơi ra những lộn xộn trong tuyển sinh, liên kết đào tạo, trong việc thực hiện cam kết thành lập trường đến những lùm xùm trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2012… Tất cả đều tạo nên tâm lý bất an của xã hội đối với bậc học được cho là vô cùng quan trọng trong việc tạo ra những đội ngũ nhân lực xây dựng đất nước. Chính Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, những yếu kém, hạn chế trong giáo dục đại học, đòi hỏi phải mạnh tay xử lý, chấn chỉnh, đổi mới tư duy quản lý nhằm đạt tới mục tiêu nâng cao chất lượng đại học.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, hàng loạt vấn đề tồn tại trong lĩnh vực giáo dục đại học đang chờ được giải quyết. Đặc biệt, mặc dù đội ngũ giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học tăng nhanh, nhưng chưa theo kịp về quy mô đào tạo, chất lượng còn thấp so với yêu cầu, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, chức danh khoa học còn thấp. Hiện toàn ngành mới chỉ có 286 người có chức danh giáo sư (chỉ chiếm 0,5%), 2.009 phó giáo sư (3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%), 28.037 thạc sĩ (47%). Do thiếu công trình nghiên cứu khoa học nên các trường ĐH Việt Nam luôn bị xếp hạng thấp so với các ĐH trên thế giới và khu vực. Cùng với đó, những yếu kém trong quản lý khiến xã hội có cảm giác “bùng nổ” các sai phạm trong liên kết đào tạo, trong việc tuyển sinh trái phép, trong việc “phổ cập hóa” đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Trong 3 năm gần đây, quy mô đào tạo thạc sĩ lại tăng rất nhanh (năm học 2011 - 2012, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cả nước là trên 96.000 người), đến mức nhìn đâu cũng thấy thạc sĩ, tiến sĩ.
Đến mức ngay người trong ngành như GS Lê Văn Thành, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội, cũng chua chát hỏi: “Không biết Bộ GD-ĐT có biết không, một giáo sư có tên cùng lúc ở mấy trường ĐH. Có giáo sư khoe với tôi, ký hợp đồng đứng tên với một trường, mỗi tháng được trả 5 triệu. Ký với 3 trường mỗi tháng kiếm 15 triệu mà không phải làm gì”, GS Lê Văn Thành phát biểu.
Có người ví giáo dục đại học giống như một căn nhà bị thủng mái, nhìn đâu cũng có gió. Muốn “vá” lại cái mái bị thủng đó, cần có thời gian, giải pháp và quyết tâm. Đây được coi là thời điểm đánh dấu giai đoạn chuyển hướng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, sàng lọc các cơ sở giáo dục đại học yếu kém, không có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng. Bộ GD-ĐT cũng phát thông điệp nếu trong năm 2013 những sai sót này không được khắc phục, bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tạm dừng hoạt động hoặc giải thể trường. Năm 2013 cũng được Bộ GD-ĐT chọn là năm lập lại kỷ cương giáo dục đại học, từ đó nâng cao chất lượng.
Đúng như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã quyết tâm “ngành chúng ta cần nói ít làm nhiều, nói được làm được, làm sai phải biết xin lỗi”; còn Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội thì nói “Nếu đào tạo sinh viên 4 - 5 năm mà ra trường không có việc làm thì chúng ta có tội với nhân dân, với đất nước”. Và đó là điều mà cả xã hội đang mong chờ vào hành động của Bộ GD-ĐT trong năm 2013.
PHAN THẢO