Khoa học, hợp lý trong tổ chức giao thông được xác định giữ vai trò quan trọng bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, đồng nghĩa với việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) tốt hơn trên địa bàn TPHCM.
Có cải thiện
Điểm lại vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) tại TPHCM trong năm qua, một cách khái quát, các tham số chính đều có sự tiến triển dù tốc độ còn khiêm nhường. Số liệu thống kê mới nhất từ Sở GTVT TPHCM cho thấy, trong năm qua, tình hình TNGT trên địa bàn đã được kéo giảm trên cả 3 mặt: số vụ việc, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, trong cả năm 2011, địa bàn TPHCM đã xảy ra 971 vụ TNGT đường bộ, làm chết 831 người và làm bị thương 459 người khác.
So với cùng kỳ năm trước, số vụ TNGT đã giảm 100 vụ, tương đương mức giảm hơn 9%; số người chết giảm 6,1% và giảm 2,13% số người bị thương. Ngành GTVT TP cũng đã kéo giảm gần 41% số vụ ùn tắc giao thông khi chỉ còn xảy ra 32 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút đồng thời kéo giảm ngót nghét 11% số điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Vẫn còn đó ít nhất một điểm gợn: tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn diễn ra khá thường xuyên và diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong các giờ cao điểm hoặc sau cơn mưa, trong đó những “điểm nóng của điểm nóng” là ở khu vực cầu Sài Gòn, ngã tư Bình Triệu, dọc tuyến xa lộ Hà Nội…
Dù còn khiêm tốn nhưng những thành tựu trên đã là cả một sự cố gắng của ngành GTVT TPHCM nếu biết rằng quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn hiện còn quá thấp so với chuẩn mực yêu cầu. Bởi vì cho đến nay, tổng chiều dài đường chính của TPHCM chỉ không quá 3.850km, tính ra mật độ đường giao thông so với tổng diện tích chỉ mới tròm trèm 1,8km/km² còn diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị chỉ là 6,1% và diện tích bến bãi đỗ xe chỉ chiếm không quá 0,1% diện tích đô thị. Chưa kể bị chi phối bởi những yếu tố khách quan, hoàn toàn nằm ngoài phạm vi quản lý của ngành GTVT: phát triển đô thị tập trung quá cao ở khu vực trung tâm TP từ đó làm mất cân đối giữa quy mô phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè còn tràn lan trong khi công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo; tiến độ dịch chuyển các cảng biển, bến xe khách liên tỉnh, trường đại học, cao đẳng… ra các khu quy hoạch vẫn còn chậm.
Vấn đề về tổ chức
Hướng sang năm mới và giai đoạn những năm tiếp theo, cách tốt nhất và cũng hầu như duy nhất để cải thiện tình hình trật tự ATGT, kéo giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn TPHCM, là phải đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗn hợp, vừa mang tính cấp bách vừa có tính lâu dài, trong đó giữ vai trò quan trọng là khâu tổ chức giao thông.
Theo nhận định của ông Ngô Hải Đường, Phó phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, một trong những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn đó là phương án tổ chức giao thông cần phải được nghiên cứu một cách khoa học và tỉ mỉ nếu muốn đạt hiệu quả cao trong và sau khi triển khai. Sự tỉ mỉ, khoa học thể hiện qua các yêu cầu cụ thể: phải điều tra số liệu về hiện trạng giao thông khu vực đồng thời đảm bảo tính chính xác của số liệu; trong quá trình thực hiện phương án tổ chức giao thông phải nghiên cứu bổ sung thực tế những giải pháp mà có thể trong phương án đã chưa lường hết; kiên trì vận động, tuyên truyền rộng rãi trước đó và hướng dẫn người dân trong những ngày đầu áp dụng phương án tổ chức giao thông mới…
Trong năm 2012, một trong những nội dung được tập trung ưu tiên nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP là tổ chức lại giao thông tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc theo hướng phân làn giao thông một chiều; sắp xếp, phân bố điều chỉnh lại bề rộng các làn xe trên những tuyến đường có đủ điều kiện; cải tạo kích thước hình học, mở rộng lòng đường, cải tạo các nút thắt cổ chai để tăng khả năng thông hành; bổ sung biển báo, đèn tín hiệu giao thông, đèn đếm lùi tại các giao lộ…
| |
Thiện Nhân