Câu chuyện lấp rạch ở quận 7, huyện Nhà Bè, TPHCM hóa ra nghiêm trọng, quy mô lớn hơn rất nhiều so với thực tế mà chúng tôi đã phản ánh.
Dự án Riviera Point: “quên” gần 5.000m² rạch
Cách nay đúng 2 năm, chúng tôi đã có bài Đường tạm đến bao giờ? phản ánh việc Công ty TNHH Riviera Point, liên doanh giữa Công ty TNHH Tấn Trường và Công ty Keppel Land, chủ đầu tư dự án căn hộ ven sông Riviera Point tại quận 7, việc làm đường tạm dẫn vào dự án đã lấp một đoạn rạch dẫn tới ngập nhà dân ở khu phố 3, phường Tân Phú, khiến người dân hết sức bức xúc. Nay, câu chuyện không dừng lại ở đó!
Con đường tạm lúc trước (đường N1) đã thành con đường chính, hai chiếc ô tô chạy tránh nhau vô tư. Nhưng đoạn rạch thoát nước cho khu vực vẫn giữ nguyên như cũ, tức rất hẹp so với dòng chảy, không đủ khả năng thoát nước mưa, còn nước triều thì “lên lâu, xuống chậm” khiến nhà dân ngập lênh láng. Ông Hồ Thái Thành, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 7, cho biết, con đường N1 cho đến nay cũng chỉ cho phép tạm, không có trong bản đồ quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư không chịu mở đường theo đúng quy hoạch vì sợ đền bù nhiều tiền. “Con đường tạm cũng lấp rạch luôn”, ông Thành quả quyết.
Một đoạn bờ rạch Cả Cấm kéo dài tới cầu Phú Mỹ bị chủ đầu tư dự án Riviera Point đóng cừ san lấp
Đúng là rất dễ để mục sở thị, đứng từ cầu Phú Thuận nhìn sang dự án Riviera Point, mép bờ tự nhiên của rạch Cả Cấm không còn nữa mà thay vào đó là đường N1 và vỉa hè; đặc biệt chủ đầu tư đang đóng cừ và san lấp hết toàn bộ bờ rạch kéo dài đến chân cầu Phú Mỹ, ước lượng dài gần 1km và rộng hàng chục mét! Như vậy, chủ đầu tư đã “hóa kiếp” gần cả ngàn mét vuông rạch Cả Cấm, thi công ngang nhiên giữa ban ngày, đóng cọc ì đùng, xe đào múc đất hối hả…
Xét ra, sự vụ này vẫn còn nhỏ so với gần 5.000m² rạch bị lấp đã “cố tình” bị quên! Theo hồ sơ chúng tôi có được, năm 2009, UBND quận 7 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 lần thứ nhất của dự án công trình khu cao ốc phức hợp nhà ở - thương mại do Công ty TNHH Riviera Point đầu tư với quy mô 2.400 căn hộ. Năm sau, UBND quận 7 phê duyệt bổ sung quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên cả hai quyết định này đã không thực hiện yêu cầu của Sở GTVT về diện tích rạch bị lấp theo đúng chỉ đạo của UBND TPHCM là: Các rạch có ký hiệu a, e, i được san lấp phải thay bằng hồ điều tiết hoặc mở rộng diện tích rạch được giữ lại trong dự án, tỷ lệ thay thế bằng 1,2 lần diện tích rạch được san lấp. Báo cáo của UBND quận 7 vào năm 2013, ông Lê Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND quận 7, thừa nhận tổng diện tích rạch bị lấp của dự án là 4.688m² và 2 bản phê duyệt 1/500 đã “thiếu hồ điều tiết”.
Sự việc “tày đình” như vậy đã xử lý thế nào? Năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu thành phố chỉ đạo Ban quản lý khu Nam, UBND quận 7 nhằm làm rõ, xem xét để xử lý đối với sai phạm của dự án trên. Cho tới nay, theo ông Hồ Thái Thành sự việc “vũ như cẩn”, bởi toàn bộ dự án chủ đầu tư đã xây móng, nên không thể đào lên làm hồ điều tiết; nếu buộc phải làm hồ, chủ đầu tư phải bỏ đi một lốc chung cư. Toàn bộ sai phạm quận đã có báo cáo thành phố. Ông Thành nhẩm tính, với gần 5.000m² rạch bị lấp đã đem lại cho chủ đầu tư một số tiền khổng lồ, nếu tính giá đất hiện tại khoảng 25 triệu đồng/m², thì thu trên 100 tỷ đồng, còn với diện tích đó chồng thành chung cư thì số lợi nhuận mang lại cực kỳ khủng khiếp!
Tiền hậu bất nhất
Xuôi về hạ lưu, huyện Nhà Bè cũng lấp rạch không thua gì quận 7! Như chúng tôi đã thông tin, Tổng kho xăng dầu C trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 2 đã san lấp rạch tại thị trấn Phú Xuân, đặt cống hộp d1000, xây dựng nhà xưởng, xưởng cơ khí PCC1 giai đoạn 2, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nhưng phát hiện chủ đầu tư chưa thực hiện các thủ tục sử dụng đất và xin phép xây dựng. Nhưng đó là phần cuối của con rạch chảy ra sông Nhà Bè, còn phía trước là một câu chuyện ly kỳ.
Đó chính là rạch TT6 chảy ra sông Nhà Bè, rộng khoảng 20m ăn sâu vào khu dân cư hiện hữu ra tới đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, ước dài khoảng 2km. Theo quy hoạch, con rạch có chức năng thoát nước cho khu vực dân cư đường Huỳnh Tấn Phát, Đào Tông Nguyên và thoát nước mưa cho khu vực thị trấn. Đoạn cuối nối ra sông Nhà Bè dài khoảng 500m đã bị san lấp làm kho C, như trên đã nói. Phía trước, khoảng năm 2010, trong quá trình thực hiện dự án khu dân cư Sài Gòn Mới, Công ty cổ phần Bất động sản Sài Gòn Mới (SGM) tiến hành san lấp hoàn toàn đoạn rạch với diện tích 11.849m². Diện tích lấp rạch được chủ đầu tư thay bằng cống hộp thoát nước, tiến hành làm hạ tầng và phân lô bán nền đối với phần đất dôi ra.
Cuối năm 2013, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Trường đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty SGM vì san lấp, lấn chiếm 11.849m² rạch thuộc tờ bản đồ số 84 thị trấn Nhà Bè, phạt tiền 65 triệu đồng, buộc khôi phục nguyên trạng rạch. Đầu năm 2014, chủ đầu tư nộp tiền phạt nhưng không khắc phục trả lại nguyên trạng. Tháng 8-2014, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu đã ký quyết định tiếp tục yêu cầu công ty đào lại rạch… Rồi tháng 9-2014, UBND huyện lên kế hoạch cưỡng chế, dự trù kinh phí khoảng 800 triệu đồng, nhưng đến nay, sự việc vẫn vậy!
Rạch Cả Cấm bị Công ty TNHH Riviera Point san lấp ngang nhiên giữa ban ngày.
Một động tác đáng chú ý, theo yêu cầu của Sở GTVT, vào tháng 3 năm nay, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, có văn bản nêu, việc đào đất tái lập diện tích mặt nước theo hiện trạng năm 2011 không đạt hiệu quả khôi phục khả năng thoát nước tự nhiên, nên xem xét chủ trương giữ nguyên hiện trạng phần nhánh rạch đã san lấp để trồng cây xanh, bổ sung đất công viên cho khu vực dân cư hiện hữu… Thế nhưng, một tháng sau, ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, lại có văn bản khác gửi UBND TP, cho rằng phải đào phần rạch của SGM, phần đất khắc phục nếu còn dôi dư sẽ làm trạm điện, bô rác…
Trả lời phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, tại sao cả hai công ty cùng lấp trái phép nhưng chỉ bắt mỗi SGM đào rạch lên, ông Nguyễn Trường Lưu cho rằng, thẩm quyền để xử lý kho C là của Bộ Công thương, nên trước mắt chỉ định hướng xử lý SGM. Rõ ràng, xuyên suốt các văn bản của UBND huyện Nhà Bè đối với xử lý lấp rạch TT6 là “tiền hậu bất nhất”, lúc đào lên, lúc thì cho tồn tại và bây giờ lại đào lên. Vì sao cùng sai phạm lấp rạch như nhau, lại cùng lấp chung một con rạch, nhưng khi xử lý lại khác nhau? Vì sao quy định của pháp luật trong những trường hợp này không được thực thi công bằng và công tâm?
LƯƠNG THIỆN