Hồi ức về Trần Văn Ơn

Lật lại ký ức

Lật lại ký ức

Tình cờ tôi được đọc tờ báo Thần Chung số 256, đề ngày 14 tháng 1 năm 1950. Toàn bộ trang đầu đăng tải những hình ảnh cảm động về cái chết của Trần Văn Ơn, chàng trai quê đất Phước Thạnh (Châu Thành, Bến Tre).

Không biết có phải linh hồn anh đã dẫn lối, đưa tôi về Phước Thạnh - nơi anh đã sống những ngày tuổi thơ trước khi ngã xuống giữa sôi sục khí thế đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn năm nào.

Lật lại ký ức ảnh 1

Tượng Trần Văn Ơn tại thị xã Bến Tre.

Trước mắt tôi là người đàn bà luống tuổi, chắp đôi tay run run giữa làn khói nhang nghi ngút bên di ảnh của người thanh niên có gương mặt hiền như đất. Bên cạnh là người đàn ông già nua ngồi lặng thinh, dán đôi mắt không còn tinh anh vào người trong ảnh. Dòng hồi ức của đôi bạn già đầy ắp hiện về…

Bà Thanh vào chuyện: “Tôi là chị dâu của Trần Văn Ơn còn đây là ông nhà tôi, anh thứ tám của chú Ơn”. Rồi bà lục tìm trong kẹt tủ, giơ ra một tờ báo mà trước khi nhắm mắt xuôi tay, thầy giáo Nghĩa - ba chồng của bà đã gửi lại cho bà, với lời dặn: “Dù gì đi nữa, vợ chồng bây phải giữ cho được cái này”.

Tôi ngỡ ngàng vì đó chính là tờ báo Thần Chung. Nó bọc cẩn thận trong bao nilon, được người cha cất vào ngăn tủ trong suốt 34 năm trời, rồi chuyền lại cho con dâu, đến giờ đã hơn 55 năm. Bài báo chứa đầy phẫn uất trước cái chết của cậu học trò Ban tú tài Trường Pétrus Ký - Trần Văn Ơn.

Ngôi nhà nơi Trần Văn Ơn sinh ra và lớn lên nằm khuất sâu dưới vạt dừa, mảnh đất nghèo khắc khoải bên bờ sông Tiền. Ông Tám Tín, chồng bà Thanh nay đã gần 80. Bà Thanh trầm giọng: “Nếu không phải ổng là anh ruột của chú Ơn, đời nào tui chịu về đây. Hồi nghe chú Ơn bị bắn, tui đang chiến đấu ở Giồng Dứa nhưng vì nể phục, muốn làm chị dâu của chú Ơn nên bỏ xứ theo chồng luôn. Nghe má chồng kể lại, lúc nhỏ 2 anh em thương nhau lắm. Chú Ơn hiền, hiếu thảo nhất nhà”.

Trần Văn Ơn là người con thứ 10 trong số 13 người con của ông Trần Văn Nghĩa và bà Huỳnh Thị Tửu. Ông giáo Nghĩa quê miệt Đồng Nai, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Chiến tranh loạn lạc, nghề dạy học long đong, ông mang chữ nghĩa đi khắp cùng thiên hạ, trôi dạt xuống tận Phước Thạnh, rồi duyên kỳ ngộ, phải lòng người thợ may quê mùa, lấy bà Tửu làm vợ, ăn sâu bám rễ chốn này.

Thời thuộc Pháp, đất Phước Thạnh nổi tiếng kháng Tây. Nhiều người bỏ cày, bỏ cuốc, gia nhập nghĩa quân Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, Tán Kế,... Vào thời kỳ hoạt động bí mật năm bốn mươi, vợ chồng giáo Nghĩa tham gia cách mạng, nuôi giấu cán bộ. Những người con của ông cũng nối gót đi theo cách mạng.

Sinh ra trong một gia đình đông con, Trần Văn Ơn phải trải qua những tháng ngày cơ cực. Năm tuổi, được gia đình gửi vào học trường làng. Hết lớp, chạy sang học nhà dòng Mỹ Tho, rồi lên trung học. Giặc dã triền miên, việc học hành gián đoạn. Năm 1947, làng quê Phước Thạnh bom đạn tang thương. Gia đình giáo Nghĩa đùm túm lên Sài Gòn ở đậu nhà con rể thứ tư trong khu Bàn Cờ.

Dòng hồi ức trong bà Thanh qua lời kể của người mẹ chồng năm xưa lại ùa về, day dứt: “Ngay từ hồi đệ tam, người Pháp đã dụ đưa chú Ơn sang Pháp du học, sau này về làm việc cho chúng nhưng đời nào chú chịu. Thương thầy và má, thương chị Tư chạy ăn từng bữa, chú phải đi bán bánh mì, bán báo. Má tui mắng: học thì lo học, coi chừng sa sút, phải bán bánh mì suốt đời nghe hông. Chú Ơn nói con bán là để phụ thêm thầy má”.

Rồi hung tin từ dưới quê đưa lên, người chị thứ sáu Trần Thị Lễ bị lính Pháp bắt, tra tấn dã man rồi treo ngược lên cây me nhả đạn. Cái chết bi thảm và can trường của người chị - một chiến sĩ cách mạng - khiến Trần Văn Ơn ngùn ngụt căm thù. Ơn trở thành thủ lĩnh những cuộc biểu tình chống Pháp của học sinh, sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn như: “Đòi quyền được học tiếng mẹ đẻ”, “Phản đối chính sách khủng bố học sinh trong học đường”,…

Bà Thanh sụt sùi: “Nhiều nhỏi gì ba đồng tiền bán báo, vậy mà chú Ơn còn phải chừa ra để in truyền đơn biểu tình. Nghèo quá, thầy tui đêm nào cũng chịu lạnh nhường cái mền cũ cho má, chú Ơn tính hoài mà nhín tiền không được. Ngày bị bắn chết, trước khi ra khỏi nhà, chú Ơn còn ngoái cổ lại, dặn dò hai ba bận: “Chị Tư ráng để dành tiền mua cho thầy cái mền. Thầy cứ vậy hoài chắc chết sớm”. Cả ngày hôm đó chú Ơn không về. Đến chiều, thầy và má được tin chú hy sinh”.

Sau sự kiện hừng hực ấy, ngày 9-1 được Đảng và Nhà nước ta chọn làm Ngày Học sinh, sinh viên toàn quốc. Và 50 năm sau (tháng 3-2000), liệt sĩ Trần Văn Ơn được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. 

  • Dựng đền thờ em chồng

“Từ ngày chú Ơn hy sinh, hài cốt dời đi, chuyển lại nhiều lần. Khi thầy và má tui còn sống, tâm nguyện của ổng bả là đưa hài cốt con trai về quê ngoại Bến Tre, xây cho chú ngôi mộ, trong khu từ đường của dòng họ Trần nhưng cái nghèo cứ đẩy đưa, cho đến khi thầy má về với ông bà mà vẫn chưa làm được” - bà Thanh lắc đầu thở ra.

Những ngày tuổi già còn lại, bà Thanh muốn làm tròn tâm nguyện của cha mẹ chồng. Bà cho xây dựng khu đền thờ người em chồng trên nền nhà mà thuở thiếu thời Trần Văn Ơn từng sống. Những người thân quá cố cũng được đưa về đây thờ phụng.

Giọt nắng chiều lấp loáng trên tàu dừa. Cơn gió từ sông Tiền lùa vào, miên man. Quê ngoại của người anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn nay thanh bình và đẹp lạ. Tôi rời Phước Thạnh mang theo dòng hồi ức của bà Thanh mà thêm yêu mảnh đất Bến Tre nghèo khó, sinh ra nhiều nhân kiệt.

NGHI PHỔ

 

Tin cùng chuyên mục