Chiến dịch ra quân “lấy lại vỉa hè” cho người đi bộ đang nhận được sự đồng tình cao của người dân. Trong bối cảnh ấy, chỉ đặt một mục tiêu lấy vỉa hè cho giao thông, theo ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (ảnh)… còn hơi phí. Vỉa hè, ngoài chức năng giao thông còn là bộ mặt của đô thị. Chính vì vậy, song song với việc “đòi vỉa hè” cho người đi bộ, TPHCM nên tiến hành chỉnh trang lại vỉa hè, thiết lập các quy định về vệ sinh môi trường, giữ cho vỉa hè sạch đẹp, đáng yêu… Trên tinh thần ấy, ông Hoàng Minh Trí đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP.
° Phóng viên: Thưa ông, với cái nhìn của một kiến trúc sư, một nhà quy hoạch, ông nhìn nhận như thế nào về việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè mà TPHCM đã và đang tiến hành hơn 1 tháng qua?
° Ông Hoàng Minh Trí: Tôi đã thấy nhiều tuyến phố, đặc biệt ở quận 1, quận 3, Phú Nhuận… thông thoáng, sạch đẹp hơn sau khi thành phố ra quân xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm via hè. Tuy nhiên, giá như thành phố kết hợp công tác “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ với công tác chỉnh trang đô thị, tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, xử phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi thì TPHCM sẽ đẹp hơn, văn minh hơn.
° Làm quá nhiều việc một lúc, liệu có hiệu quả?
° Tôi cho rằng nếu kết hợp được việc “đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ với công tác chỉnh trang đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường, việc đòi lại vỉa hè sẽ có kết quả bền vững hơn. Khi vỉa hè trước nhà mình sạch, đẹp, thông thoáng… theo tâm lý tự nhiên, chắc chắn sẽ có không ít người cẩn trọng hơn trong việc sử dụng vỉa hè. Đối với các cán bộ làm công tác này ở địa phương cũng vậy, giữ được cho vỉa hè thông thoáng, sạch, đẹp cũng có tác động tích cực đến ý thức thực thi nhiệm vụ của họ.
° Nhưng làm thế nào để có thể kết hợp được các nhiệm vụ ấy khi mà vỉa hè đang được giao về cho các địa phương quản lý. Nguồn lực đầu tư cho vỉa hè ở các địa phương lại rất khác nhau?
° Hiện nay quận, huyện nào cũng có lực lượng giữ gìn trật tự đô thị. Lực lượng này khi đi kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè có thể làm luôn nhiệm vụ nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi. Nội dung này cũng có thể được in kèm trong các thông báo gửi người dân về việc không được lấn chiếm vỉa hè. TPHCM hiện cũng đang có chủ trương dành một phần vỉa hè (đối với những vỉa hè rộng) cho người dân giữ xe hoặc buôn bán kinh doanh. Đây là chủ trương đúng nhưng để công bằng cho tất cả mọi người đã đóng thuế để Nhà nước có kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có vỉa hè; những người sử dụng một phần vỉa hè phải có nghĩa vụ trả phí. Nguồn thu từ đây có thể được dùng để đầu tư mới hoặc chỉnh trang, cải tạo lại vỉa hè ở những khu vực chưa có vỉa hè hoặc vỉa hè đã xuống cấp. Nguồn thu này cũng có thể dùng để tạo mảng xanh, đặt thêm thùng đựng rác trên vỉa hè để người dân có chỗ vứt rác đúng quy định.
Trước mắt là thế, tuy nhiên, theo tôi về lâu dài không nên giao việc đầu tư, sửa chữa vỉa hè về cho các quận, huyện mà tập trung lại ở Sở GTVT TPHCM. Hiện nay Sở GTVT TPHCM có 4 khu quản lý giao thông đô thị, thay mặt sở quản lý công tác đầu tư xây dựng, duy tu các công trình giao thông trên toàn địa bàn thành phố. Việc thống nhất đầu mối đầu tư, sửa chữa vỉa hè sẽ giúp cho vỉa hè được đầu tư đồng bộ hơn, tránh trường hợp các quận có điều kiện thì sửa mới vỉa hè liên tục còn các quận khó khăn hơn thì để vỉa hè xuống cấp trầm trọng. Trong thời gian này, khi vỉa hè vẫn được giao cho các quận, huyện quản lý, Sở GTVT TPHCM nên thống nhất các tiêu chí cơ bản về vỉa hè cho các quận, huyện có cơ sở đầu tư, sửa chữa cho đồng bộ toàn thành phố. Công tác quản lý, giữ cho vỉa hè thông thoáng sạch, đẹp tất nhiên vẫn nên giao cho các địa phương. Sở GTVT TPHCM đang đầu tư xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh và Công an TPHCM đã và đang tiến hành gắn camera an ninh ở nhiều tuyến phố. Với các công cụ nêu trên, cả 2 cơ quan này có thể hỗ trợ các địa phương trong công tác theo dõi các hành vi lấn chiếm vỉa hè và vứt rác bừa bãi.
° Cùng với ý tưởng kết hợp…nhiều việc như ông, hiện cũng đang có ý kiến cho rằng, việc lập lại trật tự lòng lề đường trong đó có “đòi lại vỉa hè” cho người đi bộ mà TPHCM đang tiến hành nên kết hợp luôn cả với việc… kiểm soát việc phát triển xe cá nhân hợp lý, tạo điều kiện cho xe buýt phát triển thông qua việc “để cho” thiếu chỗ đậu xe. Người dân gặp khó trong việc sử dụng xe cá nhân sẽ chuyển sang dùng xe công cộng. Ông nghĩ sao về việc này?
° Tôi cho rằng, đó cũng là ý tưởng tốt. Hiện nay TPHCM đã đổi mới được khoảng 100 xe buýt mới và đầu tư nhiều tuyến buýt “5 sao”. Chưa kể, sắp tới TPHCM còn mở 2 tuyến buýt đường sông. Vỉa hè thông thoáng, sạch, đẹp, đi bộ tiện lợi cộng với mạng lưới xe buýt đang được quyết liệt đổi mới… thì tại sao không thể nhân đây vận động người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn? Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa khi làm việc với Sở GTVT TPHCM cũng đã đề nghị cán bộ, công chức nên đi bộ và đi xe buýt để vừa tốt cho sức khỏe, vừa tốt cho giao thông thành phố. Việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang được người dân ủng hộ, Thành ủy, UBND TPHCM cũng đã khẳng định sẽ kiên trì, kiên nhẫn làm… Do vậy, tôi cho rằng càng kết hợp được nhiều mục tiêu trong việc “đòi lại vỉa hè” thì càng tốt. Công tác giữ cho vỉa hè thông thoáng, sạch, đẹp chắc chắn cũng vì thế mà bền vững hơn.
° Xin cảm ơn ông
“ Hiện nay trên nhiều tuyến đường và hẻm hay có những góc vỉa hè hoặc góc tiếp giáp giữa các nhà, bị người dân sử dụng làm nơi vứt rác. Theo tôi, TPHCM nên vận động các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, hội cựu chiến binh… quét dọn, chỉnh trang sạch sẽ và nếu được đặt một vài chậu cây xanh ở đấy. Chậu cây vừa tạo cảnh quan đẹp cho khu phố vừa có tác dụng hạn chế người dân thiếu ý thức, vứt rác. Không gian vỉa hè sạch sẽ hấp dẫn người dân đi bộ hơn “
|
NGUYỄN KHOA