Lây lất tạm cư

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hiện rõ hình hài với những dự án bất động sản siêu cao cấp như Sa La, Eco Smart City - vốn đầu tư 2,2 tỷ USD. Nhưng ít ai biết rằng, vẫn còn không ít hộ dân từ 5 - 10 năm về trước đã phải di dời để giao mặt bằng cho khu đô thị này, hiện đang sống lây lất trong các khu tạm cư.
Lây lất tạm cư

Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hiện rõ hình hài với những dự án bất động sản siêu cao cấp như Sa La, Eco Smart City - vốn đầu tư 2,2 tỷ USD. Nhưng ít ai biết rằng, vẫn còn không ít hộ dân từ 5 - 10 năm về trước đã phải di dời để giao mặt bằng cho khu đô thị này, hiện đang sống lây lất trong các khu tạm cư.

Bám trụ

Ba năm trước, khi thực hiện loạt bài viết về tái định cư, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm ra khu tạm cư An Lợi Đông vì khu này nằm tách bạch với thế giới bên ngoài. Lần trở lại này, con đường cũ đã biến mất. Phải nhờ người chỉ dẫn, men theo con đường đất lồi lõm, bụi mù trời khi có xe ô tô chạy qua, thỉnh thoảng có những vũng sình lầy trơn trượt ngay cả khi trời nắng chang chang, chúng tôi mới len lỏi vào được khu tạm cư. Không chỉ thế, chúng tôi còn phải né những chiếc xe xúc đất, cần cẩu sắt thép và đất cát lơ lửng trên đầu… Thật bất ngờ, người dân phải sống chung trong dự án đang thi công ngổn ngang, đầy bụi và bất trắc!

Khu tạm cư 1ha An Phú quận 2 còn hơn 200 hộ tạm cư

Khu tạm cư vắng vẻ hơn nhiều so với 3 năm trước. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Liễu, Ban Quản lý khu tạm cư An Lợi Đông, cho biết công trình đã tới thời điểm thực hiện, phải bàn giao mặt bằng cho dự án, nên cuối năm ngoái chính quyền đã vận động người dân dời đi để giải phóng khu tạm cư. Gần 100 hộ dân đã rời khu tạm cư đến các khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi, một số lại tiếp tục sống tại khu tạm cư 1ha An Phú, hoặc tạm cư ở chung cư Bình Khánh. Về lý thuyết, khu tạm cư An Lợi Đông đã xóa xổ sau khi “khai sinh” từ năm 2004, nhưng cho tới nay vẫn còn 12 hộ dân bám trụ là do chưa đồng ý với chế độ được giải quyết. “Vì nơi ở nằm trong công trình đang thi công nên rất bất tiện. Vừa rồi việc san lấp cát lấp đường đi, người dân khiếu kiện, con đường mới được trả lại như cũ. Nhưng đi trong dự án đang thi công như vậy thật không an toàn, người dân bị té hoài”, bà Nguyệt Liễu nói.

Trong những hộ tạm cư còn “bám trụ”, chúng tôi gặp gia đình ông Lê Văn Hơn, có 16 nhân khẩu của 5 gia đình gồm 3 thế hệ chung sống tại 2 căn tạm cư. Vợ chồng ông Hơn có 4 người con, đều đã dựng vợ gả chồng, thành 5 cặp vợ chồng. Bà Nguyễn Thị Nhung, vợ ông Hơn, cho biết vào tạm cư từ cuối năm 2010, những tưởng ở tạm một thời gian ngắn để được tái định cư, an cư làm ăn sinh sống nhưng thoắt cái đã gần 6 năm trôi qua. Từ 12 nhân khẩu, nay gia đình đã có thêm 4 đứa cháu nội, ngoại, tăng lên thành 16 người. Hai vợ chồng mưu sinh bằng việc ra sông bắt cá bán lấy tiền sống qua ngày. “Mấy đứa con tôi lúc ở ngoài kia (nơi ở cũ - PV) buôn bán hoặc người ta kêu gì làm nấy, nhưng sau khi vô đây, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên bỏ luôn”, bà Nhung buồn bã cho hay. Lý do của việc bám trụ là gia đình ông Hơn muốn có sự đền bù khác so với cách tính lâu nay. Theo đó, trước đây gia đình có 700m2 đất, nhưng khi áp đền bù, vì đất nông nghiệp nên chỉ được 200.000 đồng/m2, diện tích tái định cư chỉ có 22,17m2, không biết xoay xở như thế nào để tạo lập nơi ở mới cho cả gia đình 16 người…

Miệt mài tạm cư

Cách đó không xa là khu tạm cư An Phú, xuất hiện từ năm 2002, một trong hai khu tạm cư lớn nhất, lâu nhất của quận 2 cũng như của TPHCM. Đã gọi tạm cư thì ắt hẳn là một cuộc sống tạm bợ, khung sắt tiền chế, mái tôn, tường cũng bằng tôn, gỉ sét cũ kỹ, quần áo đồ đạc phơi phóng bừa bãi.

Trong 9 hộ dân di dời khỏi khu tạm cư An Lợi Đông thì có 5 hộ về khu tạm cư An Phú, tiếp tục đời tạm cư. Gia đình anh Vũ Ngọc Tài, ở cùng người chú, năm 2001 mua hơn 700m2 đất bằng giấy tay tại phường An Lợi Đông, có sổ tạm trú KT3. Khi giải tỏa, anh chấp nhận giao mặt bằng, vào sinh sống tại khu tạm cư An Lợi Đông, nhận được lời hứa giải quyết chỗ ở mới. Bây giờ qua tiếp khu tạm cư An Phú, gia đình anh hài lòng hơn vì “sạch sẽ hơn, không bị khổ sở vì ngập nước”; nhưng chỗ ở tương lai thì mờ mịt. Bởi lẽ, trước đây mua đất giấy tay nhưng có chỗ ở rộng rãi cho 3 gia đình với 18 nhân khẩu, còn nay việc đền bù thì chính quyền chỉ làm việc với người chủ đất, nghe nói lại là sẽ mua được một căn nhà ở xã hội, có một phòng ngủ. “Chúng tôi chỉ tha thiết làm sao sắp xếp được chỗ ở ổn định cho gia đình”, anh Tài khẩn cầu.

Nhiều hộ tạm cư tại đây cũng có số phận “mỗi nhà mỗi cảnh”. Gia đình ông Bùi Ngọc Cát, di dời khỏi phường An Khánh năm 2012 và về đây tạm cư trong căn nhà 21m2. Căn nhà nhỏ thó ấy là nơi cư ngụ của 6 người. Vì khu đất ở trước đây là mua giấy tay, rồi lại “đất nông nghiệp” nên không đủ điều kiện tái định cư. “Trước đây khi di dời thì họ bảo là bố trí nhà ở xã hội, nhưng về đây đến nay không ai hỏi han gì, chẳng biết mình tạm cư đến bao giờ”, ông Cát than vãn.

Đại diện Công ty Dịch vụ công ích quận 2 - đơn vị quản lý khu tạm cư, cho biết khu tạm cư 1ha phường An Phú có 304 căn, hiện còn 201 hộ tạm cư, vừa qua tiếp nhận thêm 5 hộ dân từ khu tạm cư An Lợi Đông chuyển về. Theo kế hoạch, quận phải giải quyết dứt điểm khu tạm cư này vào cuối năm 2015 nhưng vẫn kéo dài đến nay. Vừa qua, quận thành lập tổ công tác vận động các hộ di dời lên chung cư nhưng người dân chưa đồng ý; dự kiến sẽ tiếp tục vận động trong tháng 10-2016.

Tương tự nhà bà Nguyễn Thị Nhung, gia đình bà Nguyệt Liễu, thay mặt chính quyền quản lý khu tạm cư An Lợi Đông, vẫn tiếp tục ở lại khu tạm cư để làm công việc được giao. Khi người dân đi hết, bà cũng đi, nhưng đi đâu thì không biết, vì không đủ tiêu chuẩn tái định cư!

LƯƠNG THIỆN - HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục