Lạy trời trước gương nước

Bữa trưa, chị nhà văn Hà Khánh bỏ bữa. Tôi gọi điện hỏi thăm chị, đầu dây bên kia, chị nói không ăn nổi cơm. Giọng Huế nghẹn lại: “Ăn chi được, thương quá em ơi, người đàn ông đang lạy trời và trời đã thấu, đã thương cho tìm thấy vợ và con anh ta rồi. Mừng là tìm được thân nhân, thương là cay cực biết ai tường ai tỏ!”.

Đêm, chị đã uống thuốc ngủ vẫn không ngủ được, hai ngày thấy hai dòng tin, hôm trước người đàn ông chết co chân khi đi kéo cá nuôi con, chết thảm, hôm nay lại thấy người đàn ông quỳ lạy trời. Lại thấy cả hàng ngàn nóc nhà phơi trong nước. Không rõ bao nhiêu tài sản, lúa gạo trâu bò mất trắng. Không rõ thủy điện khi thi công, con người có tính dự báo, có tính bài toán khi xả lũ không? Hay cứ chung chung đổ tội cho mưa, cho lũ?

“Ngày xưa có lũ quét lớn như hôm nay không chị?”, tôi hỏi. Chị bùi ngùi: “Chị là người Huế đã sống hơn nửa thế kỷ ở Huế, chưa thấy có khi nào lũ dâng như thế. Rồi nhìn vào tỉnh Quảng Trị, Hải Lăng, Triệu Phong cũng mênh mông bể nước”.

Đã có bao nhiêu người ra đi trong nước không biết, nhưng lòng người mẹ như chị Khánh nắc nỏm không yên. Tôi nói với chị, tôi cũng bỏ bữa, không muốn ăn, vì ám ảnh mãi hình ảnh người đàn ông đang khóc. Người đàn ông lạy trời. Còn người đàn ông bị chết dưới nước, vớt lên trong co quắp ở Quảng Trị, bỏ lại hai con nhỏ và người cha già. Còn bao nhiêu gia đình đang ngủ màn trời chiếu đất, dù lực lượng cứu hộ, bộ đội, dân phòng đã cưu mang, nhưng làm sao để không bỏ sót, bỏ lỡ những người ở khuất trong làng. Không gì mạnh như nước lũ và không gì dữ dội như nước lũ. Người dân nghèo làm sao chống đỡ với nước lũ đây?

Chị ngồi mong nước rút sớm, chị ngồi mong nắng lên cho vớt lại lúa mùa. Cả một vụ mùa mất trắng trong mồ hôi nước mắt của nông dân. Không tính được bao nhiêu trâu bò trôi dạt. Cái thắt lưng của miền Trung nước ta đang co thắt lại trong đau đớn của người dân. Tôi thấy giọng chị chìm trong nước mắt. Chị thấy mình luống tuổi và bất lực, chỉ có yêu thương thì còn nguyên vẹn với đồng bào mình trong ngực trái mà thôi.

Lạy trời trước gương nước ảnh 1 Người dân nơi rốn lũ An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị ướt hết lúa gạo. Ảnh: NGỌC OAI

Chị Hà Khánh là một nhà văn am hiểu sử thi và thông thuộc Huế. Chị thuộc sử thi với các vua chúa xứ Huế, chị thuộc như trẻ con học thuộc hằng đẳng thức đáng nhớ. Chị đã từng đọc thuộc sử của đất kinh đô Huế xưa cho tôi nghe, và tôi như người bị đánh thuốc mê, vì sử thi của Huế hay quá chừng. Giờ đây chị đau buồn nói với tôi, như chính người thân của chị gặp nạn. Tấm lòng của nhà văn chia sẻ nỗi đau của muôn dân và của người cầm bút. Chúng tôi đều đau buồn vì ám ảnh nước lũ và những mất mát của đồng bào mình, và vì xót thương đồng loại ngay trong lồng ngực. Làm sao đây để nước rút đi, khi sông cứ dâng và phố đã ngập.

Chị nói sẽ ghi chép viết lại những sự kiện mưa lũ năm nay cho cháu con không quên đi để rút ra bài học xương máu khác; cho những người làm thủy điện phải tính cả đường lùi của nước; cho người dân bản xứ không bị cuốn đi nhà cửa và người ruột thịt của mình. Nhưng giờ thì không viết được. Trái tim nhà văn già, cũng bị dốc ngược nước mắt như người đàn ông đang quỳ sụp lạy trời? Xin trời, xin nước, hãy cúi xuống dân lành độ cho người nghèo, bớt đi cơ cực, để sau mùa dịch, trời đừng chất thêm thác lũ, để người với người thương nhau, dìu nhau qua vận hạn này.

Tin cùng chuyên mục