Lấy ý kiến chỉ là thủ tục?

Một nguyên tắc bắt buộc, trước khi thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế phải họp dân lấy ý kiến.

Một nguyên tắc bắt buộc, trước khi thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế phải họp dân lấy ý kiến.

Nếu người dân trong vùng dự án đồng tình ủng hộ trên 90% và mọi thủ tục đúng theo quy định thì chủ đầu tư mới được tiến hành khởi công. Quy trình là thế, nhưng việc lấy ý kiến người dân tại nhiều dự án hiện nay chỉ là hình thức. Đơn cử như dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương để chống ngập, chủ đầu tư khẳng định đã họp dân lấy ý kiến và trên 90% người dân trong dự án đồng ý nâng đường nên mới tiến hành thực hiện dự án. Thế nhưng đến khi công trình khởi công xây dựng, người dân phản ứng quyết liệt. Vì sao vậy? Người dân ở đây cho rằng, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế chỉ nói nâng đường cho hết ngập. Đường hết ngập buôn bán đi lại thuận tiện ai mà từ chối. Có điều là họ không nói rõ sẽ nâng đường cao lên 1,2m và vỉa hè cũng nâng cao tương tự… cho dân biết. Bức xúc về thông tin không minh bạch này, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh cho rằng, chủ đầu tư chưa tính toán đến thiệt hại của người dân khi triển khai dự án. Chủ đầu tư cho rằng khi lấy ý kiến có 98% người dân quận Bình Tân đồng ý. Nhưng con số 98% của 539 hộ hay 98% của vài chục hộ đi dự họp là hoàn toàn khác nhau. Chưa kể trong lúc lấy ý kiến, chủ đầu tư có thông tin cụ thể dự án, cách thức triển khai hay là chỉ nói chung chung là nâng đường cho hết ngập.

Trong đợt kiểm tra việc thi công dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) khiến nhà dân hai bên đường thấp hơn mặt đường hơn 1m mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Nếu có được sự đồng thuận của dân thì làm việc gì cũng suôn sẻ, khi thực hiện các công trình ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất thiết không được bỏ qua ý kiến người dân”. Thực hiện dự án làm sao phải giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân. Dự án lấy ý kiến công khai từ năm 2012 nhưng đến nay mới thực hiện mà không lấy lại ý kiến người dân. Người dân không thể biết việc nâng đường cao như thế nào mà họ chỉ biết nâng đường để không còn ngập nên đồng ý. Bây giờ khi xây tường chắn trước nhà thì người dân mới tá hỏa. Các đơn vị liên quan chưa tính toán đồng bộ để tìm ra giải pháp thực hiện hợp lý, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân gây bức xúc trong dư luận.

Không chỉ dự án trên, TP còn có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, chống ngập, việc lấy ý kiến và công bố thông tin dự án không minh bạch dẫn đến người dân “hiểu nhầm”. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến không đúng và không đủ số hộ bị ảnh hưởng, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện các dự án hạ tầng ảnh hưởng đến đời sống người dân, muốn dân ủng hộ thì phải làm bài bản, công bố thông tin công khai, minh bạch, giải thích cho dân hiểu, dân tin, dự án sẽ triển khai thuận lợi. Đặc biệt, những việc có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của dân mà không được dân đồng tình thì sẽ rất phức tạp, khó thực hiện. Những việc như nâng đường, đốn hạ, thay thế cây xanh có thể xuất phát từ những ý định tốt, nhưng nếu cách làm không đúng, thông tin cho người dân không chính xác thì dễ dẫn đến việc dân không hiểu, dân nghi ngờ, dân phản ứng. Với cách làm “không bình thường” như vừa qua thì rất không nên, nếu không muốn nói là làm phản cảm.


QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục