
Phố cổ Hội An là nơi diễn ra nhiều chương trình hoạt động của lễ hội và cũng là địa điểm tổ chức dạ hội Bế mạc - Giã bạn, khép lại tuần “Quảng Nam - Hành trình di sản 2005”. Trong những ngày lễ hội, PV Tuần san SGGP Thứ Bảy đã trò chuyện với ông Nguyễn Sự, phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thị xã Hội An.
– Xin ông đánh giá những nét đặc sắc trong lễ hội vừa qua?

– Lễ hội Hành trình di sản Quảng Nam lần thứ I đã được Bộ Văn hóa Thông tin đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2003, lần này phạm vi không gian của lễ hội không chỉ gói gọn ở Hội An mà mở rộng tới các nơi như Mỹ Sơn, Tam Kỳ, Phú Ninh… Ngoài ra, còn tổ chức đêm trình diễn thời trang của nhà tạo mẫu Minh Hạnh tái hiện các trang phục của người Hội An xưa trong không gian phố cổ. Biểu diễn thuyền buồm cũng là chương trình mới. Đây là nét truyền thống của người dân vùng biển Quảng Nam. Để tổ chức chương trình này, chúng tôi đã phục hồi 20 chiếc thuyền cổ, sau khi lễ hội kết thúc sẽ bàn giao cho ngư dân để họ kinh doanh như là một sản phẩm phục vụ du lịch. Chợ quê cũng là nét mới nhằm giới thiệu văn hóa ẩm thực, các món ăn dân dã của người dân đất Quảng. Nhìn chung, lần này, các chương trình trong lễ hội đều được nâng cấp và chuyên nghiệp hơn.
– Ông nghĩ gì về sự thành công của một lễ hội?
– Tôi quan niệm, một lễ hội thành công không chỉ xét đến quy mô, hình thức và số lượng du khách tham gia mà điều quan trọng hơn hết người dân có háo hức, đợi chờ lễ hội hay không và lễ hội tồn tại dài hay ngắn trong lòng mọi người. Có thể nói, giá trị văn hóa và kinh tế trong một lễ hội không thể tách rời nhau.
– Thưa ông, còn kế hoạch cho một môi trường du lịch Hội An phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai?
– Hội An đang là nơi đầu tư an toàn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện có 3 tập đoàn quốc tế đang đầu tư dịch vụ du lịch và một số đơn vị trong nước đang khởi công một số dự án xây dựng các khu resort tại Cửa Đại như: Cát Vàng, Thái Bình Dương, Vạn Lợi…
Tôi tin rằng, trong tương lai gần, tất cả người dân ở Hội An đều được hưởng lợi từ du lịch theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Những sản phẩm họ làm ra từ bó rau, quả ớt cho đến con cá họ đánh bắt được đều được hệ thống nhà hàng ở Hội An mua vào. Với cách này sẽ tạo ra một hoạt động dây chuyền tự giác. Người dân sẽ ý thức được việc bảo vệ môi trường du lịch để thu hút nhiều khách, như thế sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ. Không còn cảnh người nông dân bó chân ở đồng ruộng và lao đao không có hướng ra.
Hội An đang hình thành sức sống mới…
THẢO HUỲNH (thực hiện)