Lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng lần thứ 3 - 2010 sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 27-12 tại thành phố Bảo Lộc. Ngoài mục đích tôn vinh những người trồng và chế biến trà, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh tạo cơ hội giao thương, hợp tác phát triển, lễ hội còn nhằm cổ vũ phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Vĩnh Ái (ảnh), Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, xung quanh mục đích, ý nghĩa của lễ hội này.
- PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng, thế mạnh và triển vọng của cây trà nước ta?
- Thứ trưởng HUỲNH VĨNH ÁI: Việt Nam xuất khẩu trà đứng thứ 5 thế giới, trà Việt Nam có mặt ở 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2009, xuất khẩu ước đạt 133.000 tấn với kim ngạch 178 triệu USD, tăng 27,35% về lượng và 21,27% về giá trị so với năm 2008. Hiện nay, cả nước có khoảng 130.000 ha trà với bình quân 6,5 tấn trà búp tươi/ha, thu hút 6 triệu lao động khu vực nông thôn của 34 tỉnh, thành phố; tạo việc làm cho 6 triệu lao động với thu nhập 19,5 triệu đồng/ha/năm. Theo kế hoạch, ngành trà Việt Nam đang phấn đấu hết năm 2010 đạt 120.000 tấn với kim ngạch 200 triệu USD. Những kết quả đạt được trong những năm gần đây đã phản ánh tiềm năng thế mạnh và triển vọng của ngành trà nước ta là rất lớn.
- Lễ hội lần này không đơn thuần chỉ là lễ hội văn hóa, thưa ông?
- Đây là lễ hội lần thứ 3 được tổ chức tại Lâm Đồng. Còn nhớ, tại lễ hội lần thứ nhất diễn ra ngày 24-12-2006, ban tổ chức đã trao 17 cúp “Cánh chè vàng” và 9 cúp “Văn hóa trà” cho 26 đơn vị sản xuất và kinh doanh trà cả nước, xác lập 5 kỷ lục. Theo đó là các hoạt động văn hóa diễn ra hết sức sôi động tạo nên sức hấp dẫn thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham dự. Trong đó có những hoạt động được xem là kỷ lục của Việt Nam như: Lễ hội thắp nến tình yêu có 1.000 cặp nam, nữ tham dự. Vũ hội có số lượng người tham dự đông nhất gồm 1.000 đôi nam nữ tham dự…
Tại lễ hội lần này, ngoài các hoạt động chính, hoạt động phối hợp, hoạt động mở với nhiều chương trình đặc sắc, đa dạng như chương trình diễu hành đường phố, phố trà mến khách, chương trình sắc màu Nam Tây Nguyên, giọng hát hay xứ trà… với mục đích nhằm tôn vinh những người trồng và chế biến trà, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, triển vọng của cây trà Việt Nam còn là dịp cổ vũ phong trào và kêu gọi mọi tầng lớp trong xã hội thực hiện tốt chủ trương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Đảng và Nhà nước đã triển khai. Cuộc vận động đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa các sản phẩm của mình đến với cộng đồng. Theo đó, không những nâng cao ý thức trách nhiệm đối với người tiêu dùng mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa vốn có nhiều tiềm năng chưa được khai thác triệt để. Vì vậy, lễ hội lần này không đơn thuần là lễ hội văn hóa trà.
- Ông có thể nói thêm nét đẹp văn hóa truyền thống về phong tục uống trà của người Việt và sự phát triển của trà Bảo Lộc - Lâm Đồng.
- Phong tục uống trà hay thưởng thức trà là nét đẹp, nét văn hóa đặc sắc của người Việt có từ lâu đời nay và đã trở thành một loại hình nghệ thuật. Nghệ thuật uống trà phản ánh phong cách ứng xử của người Việt, là chiếc cầu nối quan trọng cho sự giao tiếp trong xã hội. Ngày nay, nghệ thuật uống trà đã thu hút đông đảo đối tượng trẻ tham dự bằng những câu lạc bộ uống trà, ngày văn hóa trà Việt xuất hiện. Ngoài ý nghĩa về văn hóa thì việc thưởng thức trà, hay uống trà thường xuyên còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh. Việc Lễ hội văn hóa trà lần này được tổ chức tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), địa phương có truyền thống chế biến và sản xuất trà lớn nhất nước là hoạt động rất có ý nghĩa. Thông qua lễ hội nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của việc trồng và chế biến các sản phẩm trà để các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trồng và chế biến, kinh doanh sản phẩm có dịp giao thương, phát triển. Riêng tại TP Bảo Lộc, nghề trồng và chế biến trà có từ những năm 30 của thế kỷ trước, chiếm 50% diện tích đất nông nghiệp, sản lượng hàng năm đạt 72.500 tấn, có giá trị sản xuất đạt 500 tỷ đồng/năm chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Tạo tiền đề cho dịch vụ thương mại xuất khẩu phát triển. Trong đó, trà B’lao đã có thương hiệu nổi tiếng. Nói đến trà B’lao tức nói đến thương hiệu trà Bảo Lộc - Lâm Đồng, thương hiệu trà của người Việt.
- Xin cảm ơn ông
VÕ HÙNG (thực hiện)