Ông Khai một tay giữ dây mũi bò, một tay sục sạo túi quần tây để tìm cái quẹt gas. Điếu thuốc Prince vừa rút ra ngậm lên môi được chuyển giắt vào vành tai xừng to như tai Phật. Con bò vẫn cố kéo ông đi tìm chỗ cỏ mới. Cuối cùng, cái không cần tìm lại được rút ra: một chiếc điện thoại Nokia.
- A lô, thằng Chương đó hả? Lấy cái quẹt gas trên bàn mang ra ngoài gò Dơi cho ông với.
- Con đang làm bài tập mà ông. Cô ra bài về nhà nhiều lắm.
- Mở ti-vi nghe ồn ào dữ vậy mà bài vở chi. Thôi, nói thím Ba mày mang ra đây cũng được - Ông Khai vừa nói vừa nghe cơn thèm thuốc cựa quậy ngứa ngáy cả tay chân.
Minh họa: K.T.
Thằng Chương tắt bụp cái ti-vi đang chiếu phim Hàn Quốc, bỏ dở bài toán nâng cao, chụp vội cái quẹt gas, co cẳng chạy ra sân.
Kẹp dây mũi bò vào nách, gói cẩn thận cái Nokia vào bọc ni-lông, nhét vô túi quần xong xuôi, ông Khai mới sực nhớ con dâu mình chiều nay đang có việc ở ngoài đồng. Chính ông đã phân công nó bồi dưỡng thêm cho đám lúa mấy cân u-rê mà quên mất.
Chạy theo con đường bê-tông ra khỏi cổng thôn có hàng chữ đỏ chót mới sơn: “Thôn văn hóa Trầm Tây”, thằng Chương gặp thím Ba nó đang xách cái thau nhôm lặc lè qua chỗ bờ ruộng hẹp. Đuổi theo thím là tiếng chú Hải đang kiểm tra hệ thống kênh mương chuẩn bị tưới cho lúa trổ đòng: “Bữa nay không phải tôm ra đồng nữa mà nàng tiên cá ra đồng”. Thím Ba cười hồng tươi hai má, một tay túm chặt mép váy, một tay cố giữ cái thau nhôm và đôi dép nhựa, người vẫn uốn éo khó khăn như đang tập múa. Bàn chân cô giáo dính bùn đen càng làm nổi bật những chỗ trắng như trứng gà bóc.
- Con đem quẹt lửa ra cho ông đây - nó vừa nói với thím vừa đi như chạy qua những bờ ruộng hẹp để lên gò Dơi. Hình như nó muốn khoe với thím nó rằng, hãy xem con đây nè, lội đường ruộng như lội đường nhựa, có mô như thím! Trong khi đó, thím nó thì mải nghĩ, có lẽ lần sau không nên mặc váy ra đồng. Vì muốn khỏi phải thay đồ ra vô phiền phức mà bị người ta chọc. Rồi thím lại cười một mình khi nhớ lại những lời chọc ghẹo đó: “Cô giáo ơi, lúa chỉ cần nhìn là tốt tươi ngay, cần chi u-rê!”.
Vừa đưa cái quẹt gas cho ông nội, thằng Chương đã sà ngay vô đám cây lá còn lại ít ỏi của cả một rừng Dơi rộng lớn. Nó cố tìm cho được vài chùm sim, dủ dẻ… mang về để trên bàn học mà ngắm chừng. Theo lời ông nội kể, trước kia rừng Dơi um tùm, hoang sơ là nơi tập trung của đủ các loại dơi bà, dơi ông, dơi con, dơi cháu. Tuổi trẻ như ông hồi đó, ngày nào không được thả trâu bò trên rừng để tha hồ đuổi dơi, bắt dế, hái trái cây, chơi đánh trận… là y như thiếu mất nửa phần cuộc đời.
- Lo về học bài đi. Sim đâu còn nữa mà tìm!
Thằng Chương ngẩng đầu nhìn ông, nhìn quanh hàng bia mộ lố nhố và bạt ngàn cây lá, rồi im lặng xuống đồi. Ông Khai nói với theo:
- Không có xem phim nhiều đó nghe chưa.
Nhìn dáng đi như chạy của thằng cháu nội, rồi nhìn đám khói thuốc quyện bay trong gió nhẹ, tan loãng vào mông mênh đất trời, ông Khai chợt thấy se lòng khi nhớ lại thời thơ ấu của mình trên rừng Dơi. Mới đó mà đã gần một đời người trôi qua. Mới đó mà chính ông, người trong cuộc, vẫn khó mường tượng nổi khu rừng Dơi năm nào. Con đường bê-tông rộng kéo một lát cắt gần hết nửa quả đồi phía Đông để dựng lên một khu dân cư mới toàn là tường gạch, mái ngói. Phần đồi phía Tây ngày càng dày rộng thêm những mộ lớn, mộ nhỏ, mộ xây, mộ đất. Hai hố bom to như vũng Xã Đốc ở mặt Bắc giờ cũng đã liền da thịt để tạo thế cho những cây keo, bạch đàn vươn lên xanh tốt. Biết bao căn hầm nông sâu của người dân Trầm Tây bám vào rừng Dơi để tránh bom đạn giờ cũng chẳng biết ở đâu.
“Tội nghiệp thằng cháu nội!”. Tự dưng ý nghĩ kỳ quái này cứ chờn vờn trong đầu óc ông Khai lúc dắt cặp bò tơ đổ ra đường bê-tông, băng qua xóm mới để trở về nhà.
- Ê, Hai Lúa! Cột bò đó vô đây làm một ly cho ấm bụng rồi về.
Giọng của lão Huề được tẩm men, mời mà nghe như đang cãi lộn. Ông Khai hết lắc đầu đến khoát tay mà vẫn không được tha. Bốn Tấn băng từ trong quán mụ Huệ ra, dang chân dang tay đứng chắn giữa đường:
- Người người lên đời, cả làng lên đời, chỉ còn Hai Lúa là vẫn giậm chân tại chỗ. Thôi, vô đây uống với mấy anh em tui một ly đi!
- Lúa thóc chi nữa mà hai với ba. Không thấy tui cũng đang lên đời đây sao - Ông Khai vừa nói vừa chỉ cặp bò mướt lông, no kềnh hông.
Nhùng nhằng, con bò giậm châm, vẫy đuôi. Ông Khai không còn cách nào khác là hẹn 15 phút sau. “Ô-kê! 15 phút nữa không có mặt là anh em tui xách rượu vô nhà đấy!”. Hình như có tiếng ai đó nói vọng theo: “Bớt giỡn, ông Khai mà chưa lên đời!”.
Thực tình ông Khai không hiểu thế nào là Hai Lúa, thế nào là lên đời. Người thì nói ông “tính chắc mặc bền” như Hai Lúa, người lại bảo ông thật thà, chân tình như cây lúa. Thì đúng là chín đời tổ tiên, cha mẹ ông đều bám sống vào ruộng đất, rồi làm ma dốt chữ. Đến đời ông, may mắn lắm mới có thêm được ít chữ nghĩa thánh hiền để lận theo những luống cày, đường bừa. Khi hai đứa con ông thoát nông làm xây dựng và cán bộ nhà nước thì ông không còn đủ sức để theo cây lúa nữa. Vợ chồng già lại quay về nuôi vài con bò cho vui cửa vui nhà.
So với hồi xưa phải thức khuya dậy sớm để lo rơm cỏ thì khó nhọc gì việc bây giờ chỉ nuôi vài con bò bằng bột là chính. Thúc tấp cho chúng vài ba tháng là đã thấy có lời. Vui, lại có thêm thu nhập. Hai thằng con ông không chịu hiểu cho ra cái lẽ đời đơn giản ấy nên cứ khuyên ông “ngồi chơi mà dưỡng già”.
Chưa hết nghĩ lung tung không đầu đuôi, ông Khai đã thấy hiện ra trước mặt bức bình phong chữ xanh nền trắng: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến chỗ ngã ba này thì hai con bò đã quá quen đến có thể tự kéo ông rẽ phải chừng trăm mét nữa để vào nhà. Nhưng chúng đã dừng lại. “Ngày mùa vui thôn trang…”, nhạc từ trong nhà ông đang oang oang vọng ra bài ca ruột của đứa con dâu. Ông Khai lớn giọng gọi thằng cháu:
- Thằng Chương đâu, làm gì mà giờ này đã đóng kín cổng?
- Dạ, cháu sợ con Vàng chạy ra đường! Chú Hải vừa mất con Ky tối qua rồi ông nội ơi.
Giao vội cặp bò cho vợ, ông Khai định bụng sẽ thay bộ đồ đẹp ra xóm mới nhậu một trận cho trôi đời Hai Lúa mới thôi. Nhưng mới ào ào mở vòi nước rửa tay chân đã nghe chuông điện thoại réo vang. “A lô, tui ra chừ đây!”. Đầu máy bên kia, giọng ai đó lẫn trong tiếng cười: “Tui cũng chuẩn bị mang rượu vô nhà đây!”.
Lục đục mở cổng, khóa cổng, ông Khai bỗng thấy nhớ cái hàng rào dâm bụt không ngăn ai cấm ai mà chỉ để phân định một ranh giới tạm thời. Nhà bên kia chỉ cần ới nhau một tiếng là bên này băng qua, xúm nhau nhậu. Đèn điện trong vườn cây nhà ông vừa được bật sáng choang khi ông quay ra khỏi cổng. Ông lại xoay qua nghĩ về hai thằng con, không biết làm ăn nỗi gì mà bữa nào cũng về trễ! Rồi bụng lại bảo dạ: “Thôi, quên hết mọi thứ đi để nhậu một trận cho thoải mái!”.
TIÊU ĐÌNH