
- Sống chung với “lũ”

Thủy triều lên là ngập ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Ảnh: Q.Hùng.
Hiện nay, nạn ngập úng vì triều cường xảy ra ở nhiều nơi, kéo dài nhiều ngày, thiệt hại năm sau nặng hơn năm trước, từ nội thành cho đến ngoại thành. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có hướng khắc phục một cách căn cơ.
Hàng năm TP đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nạo vét kênh rạch, gia cố đê bao, nhưng triều cường lên là vỡ. Ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Khai thác công trình thủy lợi quận Thủ Đức cho rằng, tình trạng ngập úng và bể đê bao là chuyện đương nhiên, vì hàng loạt con rạch đã bị san lấp để xây dựng nhà cửa.
Còn các sông lớn ngày càng bị thu hẹp, lòng sông thì cạn dần do không nạo vét khơi thông dòng chảy. Vì thế, nước không có chỗ chứa, chỗ nào thấp thì chảy vào, thế là nhà dân lãnh đủ. Mặt khác, việc thi công gia cố theo kiểu chắp vá như hiện nay là không ổn. Hầu hết bờ bao, gia cố, cơi đắp chủ yếu bằng đất ruộng nên chất lượng không đảm bảo.
Theo ghi nhận của chúng tôi, bờ bao sông Bà Hồng (huyện Hóc Môn) tháng nào cũng bị vỡ gây ngập úng hàng trăm ha hoa màu và nhà dân. Và mùa mưa nào cũng xảy ra vỡ bờ bao ở các quận Thủ Đức, 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi và ngập lụt triền miên ở các quận thấp của TPHCM. Nhưng năm nào cũng tới đúng thời điểm nước ngập, các cấp đơn vị quản lý mới bắt đầu cho gia cố, nâng cấp đê bao và bơm nước ra.
Việc nâng cấp những đoạn bờ bao bị hư hại và ngập ở TPHCM trong đợt triều cường vừa qua chỉ là một giải pháp chữa cháy, chắp vá tạm bợ, vỡ đâu đắp đó, tốn kém nhưng không hiệu quả.
- Giải pháp?
Mới đây, Sở GTCC đã làm việc với các nhà khoa học để nghe ý kiến đóng góp về giải pháp chống ngập cho TPHCM. Các nhà khoa học cho rằng, điều cần thiết là phải cải tạo, khai thác tốt các hồ điều tiết nước hiện hữu (nhất là ở khu vực phía Tây TP); đầu tư xây dựng hồ điều tiết mới gắn với hệ thống cống thoát nước (diện tích mặt hồ chiếm từ 1% đến 3% trên tổng diện tích lưu vực). Để làm được việc này, nhà nước cần nhanh chóng sở hữu hóa tất cả các hồ lớn hơn 1ha để tránh bị san lấp. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên tăng cường lắp đặt các trạm bơm để rút nước.
TPHCM hiện có 7 hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước dài 926km với 412 cửa xả. Tuy nhiên, tình trạng ngập nước ở các quận 5, 6, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Thủ Đức… đang ngày càng trầm trọng do đang có hơn 5.000 hộ dân làm nhà lấn chiếm bờ kênh, thu hẹp dòng chảy, xả rác và nước thải trực tiếp xuống dòng kênh. |
Tại khu vực quận 6, có thể đặt cống ngăn triều di động ở cửa xả các tuyến rạch Nước Lên, Ruột Ngựa, Lò Gốm để ngăn triều cường cho khu vực này. Riêng khu vực Nam Sài Gòn là vùng đất thấp, có 30% diện tích bị ngập nước do triều cường. Và trong tương lai vùng này bị ngập sẽ còn nặng hơn.
Theo TS Trịnh Công Vấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thủy lợi II, giải pháp giảm ngập mang tính chiến lược cho khu vực này chính là kiểm soát được đỉnh triều, xây hồ điều tiết nước tại khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè. Nếu xây dựng khu vực Nam Sài Gòn là vùng điều tiết nước tốt thì nó sẽ trở thành giải pháp hữu hiệu trong việc thoát nước cho cả khu vực nội thành của TP.
Giải pháp vẫn chỉ là giải pháp. Điều đáng nói là cho đến nay các dự án lớn về thoát nước nội thị TPHCM như dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Thanh Đa, rạch Hàng Bàng, lưu vực Tàu Hủ, Bến Nghé, kênh Đôi… phải đến năm 2010 mới hoàn thành… trên giấy tờ. Ngay cả 10 công trình xây dựng thủy lợi cơ bản ở ngoại thành nhằm điều tiết nước bờ hữu sông Sài Gòn, hạn chế úng ngập vùng lúa, rau màu các huyện ven sông như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức… đến nay vẫn chưa có công trình nào hoàn tất.
Tại cuộc họp HĐND vừa qua, trả lời chất vấn về tình trạng nước ngập, Giám đốc Sở GTCC Trần Quang Phượng cho biết: “Việc triển khai thực hiện các công trình trong điều kiện chưa giải tỏa hoặc vừa giải tỏa, vừa thi công chắc chắn không đảm bảo tiến độ công trình. Để chấm dứt tình trạng này, Sở GTCC đã kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư chỉ được phép thi công sau khi UBND các quận, huyện bàn giao mặt bằng trống 100%”.
Đã có nhiều giải pháp cho vấn đề ngập do triều cường ở TPHCM được đưa ra nhưng có lẽ không có phương pháp nào trị thủy hay hơn là khai thông các dòng chảy. Trước mắt, không nên tiếp tục ngăn sông, lấp rạch, lấn chiếm các hồ chứa nước, xâm hại các công trình thủy lợi. Vì nếu không coi trọng quy luật tự nhiên, TPHCM sẽ không bao giờ giải nổi bài toán úng ngập như hiện nay.
QUỐC HÙNG
Xây dựng đê bao bờ tả sông Sài Gòn * Triều cường cao và kéo dài hơn dự kiến Ngày 22-12, sau khi đi kiểm tra tình hình đê bao ven sông Sài Gòn ngay trong đợt triều cường cao trên địa bàn quận Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín yêu cầu sớm có dự án trình TP duyệt đê bao bờ tả sông Sài Gòn dài khoảng 11,4km. TP sẽ đầu tư xây dựng kiên cố bờ bao trên phần đất của dân (trên 4 km), phần đất còn lại thuộc các dự án của doanh nghiệp nào thì doanh nghiệp đó phải thi công, theo thiết kế chung của TP. Đ.P. |