
Buổi sáng thức giấc, cao nguyên Tây Tạng hiện ra với vẻ hoang sơ và huyền bí. Nhìn qua cửa sổ khoang tàu, chúng tôi bị mê hoặc trước cảnh tuyết phủ trắng xóa đỉnh núi Everest - nơi được mệnh danh là nóc nhà của thế giới.

Con tàu nối Bắc Kinh với Tây Tạng băng qua những không gian chưa hề được đụng tới của hành tinh.
Rời Việt Nam bằng chuyến bay lúc 23 giờ đêm, sau một giấc ngủ ngon, Bắc Kinh (Trung Quốc) chào đón chúng tôi bằng cái se lạnh và náo nhiệt vốn có. Một ngày ở trung tâm thủ đô cũng giúp đoàn đi shoping, hát karaoke và lang thang cho đúng với câu “Ăn cơm Tàu...”.
Cảm giác thật tuyệt vời, nhất là món vịt quay Bắc Kinh nổi tiếng thế giới. 9 giờ tối, chúng tôi lên tàu hỏa cao tốc thế hệ mới nhất của Trung Quốc đi Tây Tạng trong 48 giờ vừa được khánh thành ngày 1-7-2006 dài hơn 4.000km.
Tàu T27 chạy nhanh hơn, hiện đại hơn so với các chủng loại tàu trước đây, tốc độ tối đa 100km/h ở những vùng tuyết phủ và 120km/h ở những vùng bình thường. Hai phần ba tuyến đường được đặt ở độ cao trên cả Mont Blanc, ngọn núi cao nhất nước Pháp (4.810m), điểm cao nhất là 5.072m. Ở độ cao đó, lượng oxy giảm đến 40% - 50%. Vì vậy tàu có cả hệ thống cung cấp oxy.
Tuyến đường được đầu tư 3,5 tỷ euro này - hơn một năm GDP của Tây Tạng - trước hết để đáp ứng việc mở cửa biên giới cho thương mại giữa 2 nước Trung Quốc - Ấn Độ và rộng hơn là tạo điều kiện cho việc khai thác các tài nguyên khoáng sản phong phú của Tây Tạng. Du lịch cũng là mục tiêu hàng đầu của tuyến đường này vì nó sẽ làm giảm đến 75% chi phí vận chuyển và tăng gấp đôi nguồn thu từ du lịch từ nay đến năm 2010. Dự tính năm nay Lhassa, thủ phủ của Tây Tạng, sẽ tiếp đón 6.000 du khách mỗi ngày và 2/3 số đó đến bằng đường sắt.
Buổi sáng thức giấc, cao nguyên Tây Tạng (25-40 độ vĩ Bắc, 74-104 độ kinh Đông) hiện ra với vẻ hoang sơ và địa thế vô cùng hiểm trở. Những đàn trâu Yak hiền hòa, những đỉnh núi trắng xóa tuyến phủ, dãy Himalaya, các bộ tộc hiền hòa trên thảo nguyên, đỉnh cao Everest… khiến người khó tính nhất cũng phải ngả mũ chào. Nếu như trước đây, chúng ta chỉ biết Tây Tạng qua bộ phim tài liệu Mê Công ký sự thì nay, một miền văn hóa đầy màu sắc, cuộc sống du mục ở Tây Tạng đã hiện lên trước mắt. Chúng tôi nghỉ đêm trong một khách sạn 3 sao.
Trung tâm Du lịch Thanh niên Xung phong (V.Y.C 178-180 Nguyễn Cư Trinh, Q1. ĐT: 0913919130) là đơn vị hiếm hoi tổ chức tour này với giá 990 USD/khách. |
Ngày kế tiếp, đoàn đi tham quan Điện Potala do vị Đạt Lai Lạt Ma (đời thứ năm) xây dựng từ năm 1644. Đây là ngôi đền lớn nhất Tây Tạng dựa lưng vào ngọn núi mang tên Marpori (Hồng Sơn), ngôi điện bên trong hết sức uy nghi nhưng hài hòa với cảnh vật xung quanh. Tại Tàng Kinh Các, những ngôi tháp đựng di cốt của các vị Đạt Lai với các đường nét điêu khắc tinh xảo và khảm nhiều ngọc quý, vàng khối. Đoàn tiếp tục di chuyển đến Đền Jokhang là tòa kiến trúc gồm có 4 tầng, mái mạ vàng, được chống đỡ bằng những cột gỗ có từ thế kỷ thứ VII. Trong đền có bức tượng thiêng liêng nhất, bức Jowo Rinpoche, còn gọi là “bức tượng biết nói”.
Lại khởi hành đi Shigatse, đô thị lớn thứ hai của Tây Tạng. Đường đi qua cao nguyên xanh tươi nằm trên độ cao 4.000m, chạy dọc theo con sông Nyang Chu. Đoàn có dịp chiêm ngưỡng hồ Yanmdrok với màu xanh thẫm lạ thường mà có lẽ ít người Việt nào đặt chân đến. Chúng tôi vào thành phố Shigatse được dựng trên độ cao 3.900m vào thế kỷ thứ 13 để tham quan tu viện Tashilhunpo nổi tiếng.
Mái điện mạ vàng sáng rực, trong chính điện đặt bức tượng Di Lặc vĩ đại, cao 27m, đúc toàn bằng đồng. Hôm sau, đoàn đi tham quan suối nước nóng Namtso và ngâm mình trong thứ nước cao nguyên hoang sơ ấm áp giữa cái lạnh của Tây Tạng. Tắm xong, ai nấy đều tấm tắc trước những món ăn đầy chất du mục với thịt nướng, sữa ngựa thường thấy trên... tivi. Ngày thứ tám, chúng tôi bay về Bắc Kinh và nối chuyến bay về TPHCM, tạm biệt vùng đất đầy huyền bí và hùng vĩ. Vùng đất mà ngay khi chưa rời xa nó, chúng tôi đã thầm mong được quay trở lại.
TRẦN XUÂN HÙNG - LÊ HÀ