
Theo lịch sử Kytô giáo La Mã, chính khi phán bảo với Thánh Phêrô, một ngư dân người Israel được chọn làm một trong 12 tông đồ của mình, rằng “Phêrô, con là đá và trên đá này ta sẽ xây hội thánh của ta”, đức chúa Jésus đã lập ra ngôi vị giáo hoàng.
Thánh Phêrô đã trở thành giáo hoàng đầu tiên và cũng là giáo hoàng trị vì lâu năm nhất (từ 34 đến 37 năm tính đến khi bị treo ngược đầu chết tại Roma vào năm 67 sau Công nguyên) còn Đức John Paul II mới tạ thế hôm 3-4 qua, thọ 84 tuổi, là giáo hoàng thứ 264 với gần 27 năm lãnh đạo Hội thánh Công giáo La Mã toàn cầu.
- Những trách nhiệm của giáo hoàng

Nhà nguyện Sistine trong Tòa Thánh Vatican là nơi các hồng y giam mình để bầu giáo hoàng mới.
Giáo hoàng là người kế nhiệm Thánh Phêrô, là giám mục giáo phận Rome, là nhà lãnh đạo tối cao của Hội thánh có trách nhiệm loan truyền tín lý Chúa dạy và gìn giữ sự hợp nhất của Hội thánh.
Ngoài ra, từ năm 1929 trở đi, thông qua Hiệp ước Latran ký với nhà nước Italia, giáo hoàng còn là nhà lãnh đạo tối cao của Tòa Thánh Vatican, cũng có quân đội, các bộ, ban, tiền, tem bưu chính, đài phát thanh... như mọi quốc gia khác trên thế giới.
Có nghĩa là ngài không khác gì một ông vua có đủ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ngài có quyền phạt vạ tuyệt thông đối với giáo sĩ, giáo dân phạm luật Chúa và luật Hội Thánh. Và cũng chỉ có mình ngài mới có quyền tháo cởi án phạt này.
Ngài có trách nhiệm ban hành các sắc dụ, giáo huấn và có quyền triệu tập các Công đồng (đại hội các giám mục, hồng y của toàn Hội Thánh), lập ra các giáo phận mới, chỉ định các giám mục, tấn phong giám mục lên hàng hồng y v.v…
- Ai được tham gia bầu giáo hoàng?

Lần xuất hiện cuối cùng của Đức Giáo hoàng John Paul II, ngày 27-3-2005.
Khi Giáo hoàng John Paul II qua đời, các hồng y khắp thế giới quy tụ về Tòa Thánh Vatican, chuẩn bị cho lễ tang và sau đó tiến hành bầu chọn giáo hoàng mới. Việc bầu chọn giáo hoàng mới là trách nhiệm của Hội đồng hồng y (phẩm trật này được chính giáo hoàng phong cho các vị giám mục, linh mục địa phương để họ thay mặt ngài mà coi sóc việc chung của Hội Thánh) được qui định cụ thể từ 1059.
Từ năm 1846 đến nay, các cuộc bầu chọn giáo hoàng luôn diễn ra ở Nhà nguyện Sistine trong Tòa Thánh Vatican. Theo truyền thống đã hình thành từ Công đồng Lyon lần thứ hai vào năm 1274, các hồng y sẽ tự giam mình vào đây (từ conclave trong tiếng Pháp và tiếng Anh có xuất xứ từ từ cum clavi tiếng Latinh có nghĩa là “với chìa khóa”).
Nghi thức bầu chọn giáo hoàng tuy đã có vài thay đổi trong lịch sử hơn 2000 năm của Hội Thánh Kytô giáo La Mã nhưng nhìn chung nó vẫn còn giữ rất nhiều chi tiết, quy định truyền thống. Vào Thế kỷ 13, đã có lúc toàn bộ Hội đồng hồng y chỉ có 7 thành viên. Nhưng sau đó, con số cứ tăng dần lên. Tính vào thời điểm khi Giáo hoàng John Paul II qua đời thì có tổng cộng 183 hồng y, 117 trong số này (những người dưới 80 tuổi) mới còn quyền bầu giáo hoàng.
Thời xa xưa, khi việc bầu chọn giáo hoàng còn chịu ảnh hưởng các thế lực chính trị của các ông vua, bà chúa đã xảy ra nhiều sự cố bi-hài khiến chính quyền địa phương có lúc phải gom các hồng y vào một nơi, không gửi cho họ cao lương mỹ vị gì ngoại trừ bánh mì và nước lã để họ sớm chọn ra giáo hoàng mới.
Chuyện này từng xảy ra ở thành phố Perugia vào năm 1214 và ở Rome vào năm 1241. Sau khi Giáo hoàng Clementê IV tạ thế năm 1268, chính quyền thành phố Viterbo buộc phải giam lỏng các hồng y vào một lâu đài. Vậy mà họ vẫn không bầu được nhà lãnh đạo mới, sự việc nhì nhằng kéo dài gần 3 năm mới kết thúc.
Để không tái diễn những chuyện trì trệ như vậy, tân Giáo hoàng Grêgoriô X đã ra quyết định nghiêm ngặt như sau: khi tiến hành bầu chọn giáo hoàng mới, các hồng y phải sống tập trung vào một nơi riêng biệt, mỗi vị chỉ được dắt theo một phụ tá, thức ăn sẽ được đưa vào qua khung cửa sổ hẹp.
Nếu sau ba ngày hội nghị mà vẫn chưa bầu được giáo hoàng, các hồng y sẽ chỉ được ăn một bữa mỗi ngày. Sau 5 ngày vẫn chưa có kết quả, họ chỉ còn được nhận bánh mì và nước lã. Trong suốt thời gian bầu chọn, họ không được tiếp bất cứ ai.
- Thể thức bầu giáo hoàng hiện nay
Năm 1996, Giáo hoàng John Paul II ban hành luật mới về thể thức bầu chọn giáo hoàng gọi là Universi Dominci Gregis (Người chăn đoàn chiên của Thượng Đế) trong đó có một số quy định đã được lập ra bởi các vị tiền nhiệm từ hàng mấy thế kỷ trước.
Sau khi xác nhận rằng giáo hoàng đã chết thực sự (dùng búa nhỏ bằng bạc gõ lên trán và gọi tên rửa tội chứ không gọi theo danh hiệu giáo hoàng), một hồng y chuyên trách sẽ cởi nhẫn giáo hoàng đang đeo để đem thiêu hủy chung với dấu ấn riêng của giáo hoàng.
Thời gian từ 4 đến 6 ngày sau đó được dành cho việc tổ chức tang lễ và 9 ngày kế sau nữa dành cho cầu nguyện và tưởng nhớ giáo hoàng. Như vậy, cuộc bầu chọn giáo hoàng mới sẽ chỉ diễn ra từ 15 ngày đến 20 ngày sau khi giáo hoàng qua đời.
Bình minh ngày bầu giáo hoàng, các hồng y tập trung trong Đền thờ Thánh Phêrô cử hành thánh lễ. Buổi trưa, họ tập trung ở Nhà nguyện Pauline rồi di chuyển vào Nhà nguyện Sistine. Tại đây, họ sẽ thề tuân thủ các quy định bầu giáo hoàng. Không như thời xưa, các hồng y ngày nay được có hai phụ tá đi theo (hoặc ba phụ tá nếu hồng y đang bệnh hoặc bị thương tật khó xoay chuyển). Trong Nhà nguyện Sistine lúc này có thêm những quan chức đặc biệt, một số các nhân viên phục vụ và 2 bác sĩ.
Trong buổi chiều họp bầu kín đầu tiên, các hồng y sẽ tiến hành vòng bỏ phiếu thứ nhất. Nếu chưa có kết quả thì trong 3 ngày sau đó, mỗi ngày đều tiến hành 4 lần bỏ phiếu bầu (2 lần trong buổi sáng và 2 lần trong buổi chiều). Nếu vẫn tiếp tục chưa có kết quả, vị hồng y giáo dân trợ tế cao niên nhất sẽ cho ngưng cuộc bầu cử trong một ngày để mọi người cùng cầu nguyện. Rồi tất cả các hồng y lại tiến hành thêm 7 vòng đầu phiếu khác.
Trước đây, phiếu bầu chọn giáo hoàng có thiết kế rất đặc biệt. Nó gồm 3 phần. Phần thứ nhất để ghi họ tên của hồng y điền phiếu bầu, phần thứ hai để ghi họ tên hồng y được đề cử vào chức vụ giáo hoàng, phần thứ ba ghi khẩu hiệu và một con số đại diện cho hồng y viết lá phiếu.
Sở dĩ có sự phức tạp này để tránh không cho xảy ra chuyện hồng y tự bầu chính mình lên làm giáo hoàng. Lá phiếu được gấp theo cách để chỉ còn phần thứ hai là hiện rõ ngay trước mắt các hồng y kiểm phiếu. Còn trong thời hiện đại, lá phiếu bầu giáo hoàng chỉ gấp một lần và cũng không cần phải dán kín như trước nữa vì mỗi hồng y chỉ cần viết họ tên người họ muốn bầu làm tân giáo hoàng mà thôi.
ANH VÂN (tổng hợp)