Lịch sử và cảm thức nhân văn

Lịch sử và cảm thức nhân văn

Trong lịch sử phát triển của kinh đô Thăng Long nói riêng và lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam nói chung, thời kỳ Trịnh Lê được xem là giai đoạn đầy biến động. Dường như nhà văn trẻ Trần Thu Hằng sẵn có trong mình niềm say mê đặc biệt với các nhân vật lịch sử trong giai đoạn này như: Nguyễn Khản, Nguyễn Hữu Chỉnh, Trịnh Sâm, Lê Chiêu Thống v.v… Với những nhân vật này, không dưới một lần, Trần Thu Hằng đã tái hiện trong các truyện ngắn của chị nhưng phải đến khi được “cài đặt” trong cuốn tiểu thuyết thì nó trở nên “có da có thịt”, tạo sự cuốn hút, hấp dẫn kỳ lạ.

Lịch sử và cảm thức nhân văn ảnh 1

Trong cuốn Đàn đáy (*), Trần Thu Hằng không chọn cách xây dựng nhân vật điển hình, cũng không bám sát mô tả sự kiện cùng các cột mốc thời gian. Thế nhưng, với một sự kỹ lưỡng, sâu sắc và chi tiết về kiến thức lịch sử (cũng như văn hóa) cây bút nữ này đã biết “lẩy” ra những “mẩu sống” sinh động, kỳ lạ, tạo cho cuốn tiểu thuyết những cảm thức lịch sử mang giá trị nhân văn!

Câu chuyện bắt đầu từ phường hát ca trù Cổ Tâm nổi tiếng nhất kinh kỳ lúc bấy giờ, với tiếng đàn điêu luyện của chàng Bạch Vĩ. Ngông cuồng và nổi loạn, sau khi bị đánh hỏng thi, Bạch Vĩ tìm quên trong men rượu. Ở lầu Phỉ Thúy, Bạch Vĩ gặp người con gái xinh đẹp tên Dung, lần đầu tiên tiếp khách làng chơi. Trong cơn say, Bạch Vĩ đã yêu cầu cô gái hát. Nàng không biết hát nhưng để chiều lòng khách, bèn “hát đại” một bài.

Kỳ thực đấy là bài thơ “Đăng cao” của Đỗ Phủ mà người cha thất chí của nàng vẫn thường ngâm. Nghe giọng hát thuần phác hứa hẹn những thanh âm kỳ vĩ, siêu việt, tay đàn lão luyện Bạch Vĩ bèn quyết định mang cô gái về nhà đặt nghệ danh là Bạch Dung rồi nhờ mẹ dạy hát. “Tiếng hát là một thứ trong sạch, con không thể để nó bị vẩn đục bởi bất cứ điều gì!…”. Đấy là điều mà Bạch Dung được học trước tiên. Nhưng, giữa thời tao loạn, liệu giọng hát, tiếng đàn của đôi trẻ tài hoa ấy có được thăng hoa, góp vui cho đời?

Cùng đi, cùng say theo tiếng đàn, giọng hát của Bạch Vĩ, Bạch Dung, bạn đọc sẽ được “gặp” các nhân vật lịch sử như: Trịnh Sâm, Nguyễn Khản (anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du), Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Chiêu Thống, Hoàng Đình Bảo v.v…

Dù xuất hiện không nhiều, đôi khi thoáng chốc nhưng các nhân vật này đều thể hiện được đúng thần thế, tâm thế của các nhân vật lịch sử mà ta biết. Tất nhiên, ngòi bút của tác giả không chỉ dừng lại ở chỗ “đúng” mà còn khai phá, mạo hiểm vào những ngõ ngách trong tâm hồn của họ. Biểu hiện được trạng thái tinh thần là một thành công lớn của tác giả khi viết về các nhân vật lịch sử. Điều đáng khen ở đây là Trần Thu Hằng đã viết rất hay về nghệ thuật hát ca trù, về cây đàn đáy kỳ diệu của người Việt Nam.

Trần Thu Hằng sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa Văn ĐH KHXH-NV TPHCM năm 1998. Vẫn còn nhiều khó nhọc với cuộc sống mưu sinh nhưng cây bút “tỉnh lẻ” này (đang sống ở Đồng Nai) vẫn không nguôi niềm đam mê văn chương, đặc biệt là mảng lịch sử. Có thể nói Đàn đáy là một cuốn tiểu thuyết hay của một nhà văn trẻ - một cây bút nữ luôn sống lặng lẽ, khiêm tốn và giữ được sự thuần khiết của “tâm hồn văn chương”.
----------
(*) NXB Hội Nhà văn Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành; giá 35.000đ/cuốn.

TRẦN NHÃ THỤY

Tin cùng chuyên mục