Ngày 6-5, tại TPHCM, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Jan Eliasson đã có buổi gặp gỡ báo chí trong nước và quốc tế nhằm trao đổi thông tin về chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 3 đến 6-5.
Tại buổi gặp gỡ, ông Jan Eliasson đã chia sẻ những hoạt động tại Việt Nam trong suốt chuyến làm việc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Việt Nam trong các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, vấn đề biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong 22 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Jan Eliasson, với những nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cũng như những tiến bộ đã đạt được, Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Về biến đổi khí hậu, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Jan Eliasson cho biết, đã trực tiếp đến khảo sát, chứng kiến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt tại tỉnh Bến Tre, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với người dân Bến Tre trước những khó khăn trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong tháng tới, Liên hiệp quốc sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên quan về nhân đạo và biến đổi khí hậu, sẽ đề cập đến những khó khăn của người dân Việt Nam tại hội nghị này.
Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson đến thực tế tại cánh đồng Ba Tri (Bến Tre) bị thất trắng vụ đông-xuân vừa qua Ảnh: PHƯỢNG VỸ
Về vấn đề thiếu nước ngọt ở ĐBSCL, cho rằng nguyên nhân một phần do nước biển dâng cao làm cho nguồn nước mặn xâm nhập vào trong các khu vực trồng trọt, ông Jan Eliasson nhấn mạnh, các quốc gia cần phải có sự hợp tác chặt chẽ trong việc sử dụng nguồn tài nguyên nước sông Mê Công. Mỗi quốc gia có nhu cầu sử dụng nguồn nước cho những mục tiêu khác nhau như sản xuất nông nghiệp, thủy điện… nên các bên phải tìm ra các cách thức để hợp tác bởi vì đây là giải pháp để đảm bảo lợi ích của các quốc gia chia sẻ nguồn nước từ dòng sông này, cùng với đó là quản lý nguồn nước một cách hiệu quả.
Theo ông Jan Eliasson, thiếu nước ngọt là thách thức lớn trên thế giới và Liên hiệp quốc đã thành lập nhóm công tác, xây dựng nguồn ngân sách để hỗ trợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn về vấn đề nguồn nước. Ở Việt Nam, chuyên gia Liên hiệp quốc tại đây cũng đưa ra kế hoạch làm việc cụ thể với cơ quan chức năng và nhà khoa học Việt Nam để tìm những giải pháp tốt nhất ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, nước biển dâng.
THÁI ĐĂNG