Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4-2016: Ngày càng chuyên nghiệp và thu hút

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) đã bước sang năm thứ 4. Sau những lúng túng và hạn chế của những lần tổ chức đầu tiên, giờ đây, HANIFF đã trở thành một điểm hẹn của những người làm điện ảnh trong khu vực và là niềm mong mỏi của những người làm điện ảnh Việt. Thông qua liên hoan phim (LHP) này, người làm điện ảnh Việt có dịp được giao lưu, mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quy trình sản xuất và phát hành phim với bạn bè quốc tế.
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 4-2016: Ngày càng chuyên nghiệp và thu hút

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) đã bước sang năm thứ 4. Sau những lúng túng và hạn chế của những lần tổ chức đầu tiên, giờ đây, HANIFF đã trở thành một điểm hẹn của những người làm điện ảnh trong khu vực và là niềm mong mỏi của những người làm điện ảnh Việt. Thông qua liên hoan phim (LHP) này, người làm điện ảnh Việt có dịp được giao lưu, mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quy trình sản xuất và phát hành phim với bạn bè quốc tế.

Mở rộng quy mô, tầm vóc

Nếu năm đầu tiên có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 59 phim tham dự ở tất cả các thể loại, thì đến HANIFF lần thứ 4 - 2016 đã có 147 phim ở tất cả các thể loại của 43 nước và vùng lãnh thổ tham dự. Những con số này đã nói lên được uy tín, tầm vóc và sức hút của LHP ngày càng được khẳng định và tăng cao. Số lượng phim Việt đăng ký tham dự cũng nhiều hơn, khiến ban tổ chức phải có sự cân nhắc, tuyển chọn thay vì mời tham dự như trước đây. Trong số 12 phim truyện dài dự thi, đại diện nước chủ nhà Việt Nam có hai bộ phim là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Trúng số. Ngoài ra, Việt Nam còn có 15 phim chiếu trong “Chùm phim Việt Nam đương đại”, gồm: Mỹ nhân, Chàng trai năm ấy, Bao giờ có yêu nhau, Yêu, Trên đỉnh bình yên, Quyên, Người trở về, Em là bà nội của anh, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Taxi em tên gì, Thầu Chín ở Xiêm, Cô hầu gái, Nhà tiên tri, Nữ đại gia, Truy sát.

Bộ phim trong chương trình Điện ảnh Italia

Những hoạt động bên lề LHP cũng luôn được chú trọng nâng cao về chuyên môn, tần suất. Trại sáng tác năm nay sẽ bao gồm 3 lớp học chính: Lớp sản xuất, lớp biên kịch và lớp đạo diễn. Lớp dự án sản xuất HANIFF sẽ bao gồm các nhà sản xuất phim, cung cấp những bài giảng, thảo luận và phần thực hành tập trung vào các quy trình sản xuất phim. Lớp trao đổi ý tưởng kịch bản HANIFF là môi trường cho các nhà biên kịch được trao đổi các ý tưởng kịch bản của mình với các nhà biên kịch nổi tiếng của thế giới. Việc kết nối các học viên với chuyên gia sẽ giúp họ sáng tạo ra những kịch bản hay từ ý tưởng của mình, phát triển nhân vật, lời thoại một cách tròn trịa và tinh tế nhất, dựa trên những tư vấn từ chuyên gia. Lớp đạo diễn sẽ cung cấp những bài giảng, thảo luận và phần thực hành tập trung vào việc chỉ đạo kỹ thuật biểu diễn của diễn viên, kỹ năng làm việc nhóm với các bộ phận của một đoàn làm phim quốc tế dành cho phim truyện ngắn, phim truyện dài và phim truyện truyền hình.

Sau thành công của Chợ dự án đầu tiên tại HANIFF lần thứ 3 - 2014, năm nay Công ty BHD - Vietnam Media Corp tiếp tục phối hợp cùng Cục Điện ảnh tổ chức Chợ dự án trong khuôn khổ HANIFF lần thứ 4 được tổ chức từ ngày 1 đến 5-11 tại Hà Nội. Chợ dự án năm nay có 2 hạng mục: Chợ dự án quốc tế lựa chọn 3 dự án phim truyện nổi bật của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Chợ dự án trong nước chọn 5 dự án phim truyện nổi bật của Việt Nam.

Các khách mời quốc tế nổi tiếng

Không chỉ là những bộ phim của các nền điện ảnh khác nhau trên thế giới tụ hội về  HANIFF, ngồi ghế chủ tịch ban giám khảo phim truyện dài của các mùa, đều là những đạo diễn nổi tiếng thế giới. Năm nay, Chủ tịch Ban giám khảo phim dài là đạo diễn người Pháp, ông Régis Wargnier - đạo diễn của bộ phim nổi tiếng Đông Dương (Indochine). Các thành viên ban giám khảo cũng đều là những diễn viên, nhà biên kịch, đạo diễn nổi tiếng của các nền điện ảnh lớn. Điều này cho thấy HANIFF thật sự là một cuộc cọ xát lớn với điện ảnh Việt.

Ban tổ chức cũng đã mời nhiều tên tuổi nổi tiếng của điện ảnh các nước, tham gia giảng dạy tại Trại sáng tác HANIFF. Năm nay có các tên tuổi: Đạo diễn Jo Sung-Hee (Hàn Quốc), đạo diễn của bộ phim Sói, một bộ phim không chỉ lấy đi nước mắt của nhiều khán giả mà còn thực sự thành công về mặt thương mại khi thu về 3,6 triệu USD chỉ sau 12 ngày. Bà Maike Mia (Đức), người trực tiếp quản lý và tuyển chọn cho hạng mục Phim ngắn của LHP Berlin, một trong những LHP lớn và uy tín hàng đầu thế giới, cũng như làm giám khảo tại nhiều LHP trên thế giới. Đạo diễn Michael Toshiyuki Uno, người đồng sáng lập viên của Ủy ban đạo diễn độc lập của Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ. Tham gia trại sáng tác là những đạo diễn, nhà sản xuất phim, biên kịch, quay phim trẻ của điện ảnh Việt và các sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Điện ảnh Hà Nội. Chắc chắn các học viên sẽ thu nhận được những kiến thức, kinh nghiệm quý báu từ những giảng viên uy tín này.

Chỉ còn vài ngày nữa, HANIFF lần thứ 4 - 2016 chính thức khai mạc và 5 cụm rạp tại thủ đô đã hoàn thiện công tác chuẩn bị để phục vụ các suất chiếu phim đặc biệt của LHP. Các công ty CGV, BHD, Galaxy và một số đơn vị hoạt động điện ảnh trong nước cũng hết lòng ủng hộ trong các khâu tổ chức LHP, với mong muốn tiếp tục có một kỳ LHP thành công.

HANIFF lần thứ 4 - 2016 còn có một loạt những sự kiện hấp dẫn: Chương trình tiêu điểm - Điện ảnh Ấn Độ với 5 bộ phim truyện dài. Chương trình Điện ảnh Italia với 5 bộ phim. Chương trình Điện ảnh ASEAN với 9 bộ phim. Chùm phim ngắn Berlinale (có 10 phim đều dán mác +16). Chùm phim dài Toàn cảnh điện ảnh thế giới có 42 phim, trong đó điện ảnh Việt Nam tham gia với bộ phim Cuộc đời của Yến. Hai cuộc hội thảo lớn trong HANIFF lần thứ 4 - 2016 gồm: Điện ảnh Ấn Độ - Hợp tác và phát triển; Hợp tác sản xuất phim trong các nước ASEAN.

 NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục