Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 sẽ diễn ra tại TP Tuy Hòa từ ngày 14 đến ngày 17-12. Như thông lệ, với một liên hoan phim tầm cỡ quốc gia 2 năm diễn ra một lần như thế này, “mặt hàng” để trưng bày và đem thi thố chủ yếu vẫn là phim truyện nhựa. Bởi chỉ phim truyện nhựa mới thể hiện được đầy đủ sự nỗ lực về mặt vốn liếng, tính chuyên nghiệp và tài năng của người làm phim, đóng phim…
Trong 17 bộ phim truyện nhựa gửi tới liên hoan phim lần này, có tới 10 phim do các hãng phim tư nhân thực hiện. Đây là nét nổi trội của liên hoan phim năm nay. Nó chứng tỏ xu thế xã hội hóa trong hoạt động điện ảnh đã trở thành điều tất nhiên. Đồng thời nó cũng chứng minh sự lớn mạnh của các hãng phim tư nhân trong những năm vừa qua. Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng.
Xét về chất lượng và tính nghề nghiệp, nhiều bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất đã vượt qua giới hạn giải trí thuần túy để vươn tới những giá trị nghệ thuật, đề cập tới những vấn đề nóng của xã hội. Có thể nêu ra đây những bộ phim như: Cánh đồng bất tận, Hotboy nổi loạn - thằng cười, cô gái điếm và con vịt. Đây cũng là nhân tố mới, càng đáng ghi nhận hơn. Cần nói thêm, phim làm bằng đồng vốn tư nhân cũng đã triển khai trên khá nhiều phương diện đề tài, ví như lịch sử có Tây Sơn hiệp khách, đương đại có Cánh đồng bất tận, Hotboy nổi loạn…
7 bộ phim truyện nhựa còn lại, xét về chất lượng nghệ thuật và tính khái quát hiện thực đời sống, xin thẳng thắn được nhận xét ngay, thấy rõ có sự thụt lùi so với những Đừng đốt, Rừng đen, Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi, Trái tim bé bỏng của liên hoan phim lần trước. Năm bộ phim ấy là những “đối thủ” khá nặng ký, cùng “đồng cân đồng lạng” và in rõ dấu ấn của những nỗ lực, những tìm tòi về phía mỹ học và nghề nghiệp.
Trong mảng phim nhựa do các hãng phim nhà nước, các cơ sở làm phim thuộc các hội nghề nghiệp tham gia liên hoan phim có 2 bộ phim nằm trong đợt vận động sáng tác hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; 2 bộ phim về lãnh tụ. Dẫu vậy, những bộ phim này không gây được ấn tượng mạnh trong lòng người xem; không tương xứng với bản thân đề tài. Điều còn quan trọng hơn, xem phim, có cảm giác tình yêu điện ảnh và lòng đam mê thi thố ngón nghề của các tác giả đã bị phai lợt, mòn mỏi đi do rất nhiều trở ngại, khó khăn của việc làm phim mà anh chị em phải đối mặt.
Chỉ còn biết trông đợi và hy vọng ở 3 bộ phim chưa công chiếu rộng rãi Mùi cỏ cháy, Tâm hồn mẹ, Vũ điệu đam mê.
Một vấn đề khác cũng cần đặt ra nhân Liên hoan phim lần thứ 17: Trong 7 bộ phim vừa kể trên, bao nhiêu bộ phim được làm hoàn toàn bởi đồng tiền tài trợ từ nhà nước? Xòe bàn tay ra đếm, chắc không đủ 5 đầu ngón tay. Chúng ta mừng vui vì sự lớn mạnh và những chuyển biến tích cực trong phim ảnh do các hãng phim tư nhân làm ra. Nhưng chúng ta cũng không thể kỳ vọng ở các hãng phim tư nhân sẽ gánh vác lấy việc gìn giữ tính dân tộc; tính phổ cập; sự trong sạch, bổ ích và đương nhiên là tác dụng xã hội, tức những truyền thống tốt đẹp, ưu việt mà nền điện ảnh dân tộc của chúng ta đã tích tụ được.
Nói cách khác, trong một thời gian còn lâu dài nữa, vẫn là nhà nước phải xuất ra một khoản tiền tương xứng, không chỉ để bảo đảm tính định hướng của hoạt động điện ảnh mà còn để nuôi sống chính nền điện ảnh dân tộc đã có một lịch sử hiển hách, vinh quang. Ngẫm kỹ hơn, còn bởi lẽ, chính những truyền thống tốt đẹp ấy sẽ là nhịp cầu ngắn nhất giúp nền điện ảnh dân tộc đặt chân nhịp bước với các nền điện ảnh hiện đại của thế giới.
Việc thất thoát mấy chục tỷ đồng tại Cục Điện ảnh không thể không phủ vết ố lên lá cờ của Liên hoan phim lần thứ 17. Nhưng sự đổ bể này tuyệt nhiên không làm giảm đi ý nghĩa hết sức quan trọng và tích cực của đồng tiền tài trợ từ phía nhà nước cho việc làm phim. Nó chỉ khiến chúng ta càng phải cảnh giác, phải cẩn trọng và kỹ càng hơn trong việc rót những đồng vốn kia cho những dự án đích đáng, cho những bàn tay sạch…
Tô Hoàng