
Các quy định về liên kết đào tạo (trong nước) dù đã được Bộ GD-ĐT ban hành và liên tục nhắc nhở, nhưng hiện nay rất nhiều cơ sở đào tạo vẫn xé rào. Đáng nói hơn, hình thức liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học (VLVH) - được xem như là “nồi cơm” của nhiều trường đại học (ĐH) lớn hiện nay - cũng tuyển sinh vô tội vạ. Đồng hành với kiểu tuyển sinh chụp giật này, rất nhiều địa phương đã chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để liên kết mà không cần biết có đảm bảo về các quy định hay không.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM liên kết đào tạo với 21 đơn vị khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép.
Bất chấp quy định
Sau khi Báo SGGP phản ánh tình trạng sai phạm trong liên kết đào tạo (số ra ngày 1-5-2015), Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường báo cáo và giải trình những thông tin báo phản ánh.
Trong báo cáo gửi Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM khẳng định việc liên kết đào tạo với Trường CĐ Cần Thơ hoàn toàn tuân thủ theo đúng các quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, thực tế cơ sở này đã liên kết đào tạo với 21 đơn vị và tất cả đều vi phạm. Theo kết luận Thanh tra Bộ GD-ĐT vừa công bố, trong giai đoạn 2012-2014, trường liên kết với 21 đơn vị tuyển sinh và đào tạo 7.822 sinh viên (76 lớp) hệ VLVH, nhưng chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT (vi phạm Điều 9 của quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học - gọi tắt là Quyết định 42). Những đơn vị Trường ĐH Sư phạm TPHCM liên kết đào tạo hệ VLVH chưa có phép của Bộ GD-ĐT gồm Trường ĐH Đồng Nai, Trường ĐH Tiền Giang, Trường CĐ Bách Việt, Trường CĐ Sư phạm Bình Phước, Trường CĐ Cần Thơ.
Đáng nói hơn, trường này còn liên kết với các Trường Bồi dưỡng giáo dục Củ Chi, Hóc Môn, quận Thủ Đức, quận 5, quận 8, quận 10, quận 12 là không đúng với quy định: Cơ sở đặt lớp phải là các trường ĐH, trường CĐ, trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) cấp tỉnh (Điều 2, Quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ hình thức VLVH). Chưa dừng lại đó, năm 2012, trường đã tuyển vượt 92,2% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ĐH hệ VLVH, năm 2013 tuyển vượt 16,7% chỉ tiêu. Cũng trong năm 2013, trường không xác định chỉ tiêu nhưng tuyển đến 1.190 sinh viên hệ liên thông, văn bằng 2 hệ VLVH. Năm 2014, trường tiếp tục không xác định chỉ tiêu nhưng vẫn tuyển thêm 629 sinh viên văn bằng 2.

Một lớp học liên kết “chui” được tổ chức tại quận 12, TPHCM.
Trước đó, tại tỉnh Bình Phước, qua kiểm tra việc liên kết tuyển sinh ĐH-CĐ, Sở GD-ĐT tỉnh này đã phát hiện tất cả các trường từ TTGDTX, trường trung cấp cho tới trường CĐ đều dính liên kết đào tạo hệ VLVH không phép với hàng loạt trường ĐH từ Bắc vào Nam như Trường ĐH Công đoàn, Trường ĐH Tây Nguyên, Trường ĐH Giao thông Vận Tải TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM…
“Vẽ đường cho hươu chạy”
Các quy định về liên kết đào tạo, Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hình thức VLVH đều có quy định rõ ràng về các điều kiện, thủ tục. Tuy nhiên, các cơ sở lại cố tình vi phạm và chỉ cần có địa phương (UBND tỉnh, sở GD-ĐT tỉnh) “bật đèn xanh” là họ làm ngay.
Theo Quyết định 42 về liên kết đào tạo trình độ TCCN, CĐ, ĐH, đơn vị chủ trì đào tạo phải có các điều kiện: “Có văn bản cho phép mở ngành đào tạo đối với ngành dự định liên kết; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu đào tạo”. Về quy trình thực hiện liên kết đào tạo, Quyết định 42 cũng quy định rõ: “Hồ sơ liên kết đào tạo phải gửi về Bộ GD-ĐT, sau đó bộ xem xét và đáp ứng đủ các điều kiện thì bộ ra quyết định cho phép liên kết đào tạo”.

Một buổi thi liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học được tổ chức “chui” bị Đoàn kiểm tra Cơ quan Đại diện Bộ GD - ĐT tại TPHCM bắt quả tang.
Mặt khác, Quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ hình thức VLVH (Quyết định 62) đã quy định rõ từ các điều kiện tuyển sinh cho tới các yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo đó: “Trước kỳ thi 2 tháng, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT kế hoạch triển khai các đợt thi tuyển sinh; chỉ tiêu và ngành nghề dự kiến tuyển sinh… Tháng 12 hàng năm, các trường báo cáo tình hình tuyển sinh VLVH trong năm và dự kiến kế hoạch tuyển sinh VLVH năm sau”. Tuy nhiên, thực tế các trường lại không thực hiện theo những quy định trên. Tại Bình Phước, tất cả các chương trình liên kết đào tạo liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH hoặc ĐH hình thức VLVH chỉ xuất phát từ chủ trương của tỉnh Bình Phước. Thậm chí, rất nhiều ngành tỉnh chưa phê duyệt nhưng các trường vẫn tuyển hàng trăm chỉ tiêu rồi sau đó xin tỉnh chấp thuận để hợp thức hóa. Cũng giống như tỉnh Bình Phước, các địa phương khác như Đắk Lắk, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp…, các trường cũng đổ xô tuyển sinh trước rồi sau đó chỉ cần UBND tỉnh ra công văn chấp thuận là mọi chuyện đều đâu vào đấy, dù Bộ GD-ĐT không hay không biết.
Sở dĩ các trường dùng đủ “chiêu” lách luật để liên kết đào tạo hệ VLVH vì đây là “nồi cơm” của các trường ĐH lớn cũng như các trường ở địa phương. Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Phước liên kết đào tạo với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sài Gòn từ năm 2011-2013 thu gần 13 tỷ đồng; trong đó, trích lại cho trường này là hơn 3,8 tỷ đồng. TTGDTX tỉnh Bình Phước liên kết đào tạo với Trường ĐH Đà Lạt có tổng thu học phí của đơn vị này từ năm 2011 đến tháng 3-2014 là hơn 16 tỷ đồng, trong đó trường giữ lại hơn 3,4 tỷ đồng. Trường CĐ Công nghiệp cao su Bình Phước từ năm 2011 đến tháng 3-2014 liên kết tuyển sinh và đào tạo 994 sinh viên với học phí thu được đến hơn 16,2 tỷ đồng và trường được giữ lại hơn 5 tỷ đồng.
THANH HÙNG