Liên kết giảm giá bán nhiều mặt hàng bình ổn thị trường

Thị trường kinh doanh mùa tết năm 2020 đang buớc vào giai đoạn cao điểm. Lượng khách đến các chợ mua sắm đã tăng khoảng 30%-50%, tại các siêu thị sức mua hiện tăng 3-4 lần so với ngày thường. Lượng hàng hóa thiết yếu về TPHCM cũng tăng lên từng ngày với giá bán tương đối ổn định. Hàng loạt siêu thị, doanh nghiệp (DN) tiếp tục tổ chức các chương trình khuyến mãi, đồng thời tăng cường các dịch vụ phục vụ tối đa người tiêu dùng. 
Khách hàng chọn mua trứng gia cầm tại siêu thị Co.opmart
Khách hàng chọn mua trứng gia cầm tại siêu thị Co.opmart

Giảm giá trứng gia cầm 

Từ ngày 23 tháng Chạp - ngày cúng tiễn ông Táo đến nay, lượng khách đến mua sắm tại các chợ, siêu thị đã trở nên tấp nập. Không khí tết tràn ngập các điểm kinh doanh, hàng hóa được trưng bày nhiều và đẹp mắt với mứt tết và khô các loại. Tại thời điểm này, giá các loại mứt tết vẫn tương đối ổn định. Theo đó, các loại thực phẩm ngâm chua như củ kiệu, hành, tai heo, măng khô, miến, gạo nếp... đã bắt đầu bán chạy. Riêng tại các chợ như Phạm Văn Hai, Văn Thánh, Bà Hoa, Tân Sơn Nhất, Thảo Điền... đang bày bán các loại lạt giang, lá dong, lá chuối, phục vụ khách hàng có nhu cầu gói bánh chưng, bánh tét. 

Nhiều siêu thị như Co.opmart BigC, MM Mega Market An Phú... dù đã bố trí thêm các quầy tính tiền và tăng cường nhân sự nhằm giải tỏa lượng khách hàng đến mua sắm tăng cao trong những ngày cao điểm tết, nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ ở khu vực tính tiền và gói quà tết. Anh Đỗ Văn Dũng (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, do tiện đường đến thăm người thân ở quận Thủ Đức nên tối thứ sáu vừa qua, anh ghé vào một số siêu thị để chọn mua giỏ quà tết, nhưng nơi nào cũng chật cứng khách hàng. 

Đại diện hệ thống Co.opmart cho biết, so với thời điểm cùng kỳ năm trước, hiện nay nhóm bánh kẹo và thực phẩm tươi sống đang tăng trưởng tốt hơn, từ 10%-30%, tùy từng ngành hàng. Cụ thể, nhóm thủy hải sản gồm tôm, cá biển, mực… tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, nhóm thịt gia cầm như gà, vịt và gia súc heo, bò đang tăng mạnh nhất, khoảng 30% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, cơ cấu tiêu dùng có sự dịch chuyển nhẹ từ thịt heo sang mua thịt gà và thủy sản. 

Nhìn chung, ngoại trừ thịt heo đã tăng giá từ nhiều tháng qua, còn lại giá cả hầu hết các nhóm thực phẩm tươi sống không tăng so với năm trước, thậm chí một số loại cá, thịt gà còn thấp hơn do siêu thị luân phiên giảm giá.

Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, trong những ngày cận tết này, Saigon Co.op giảm giá mạnh thêm cho nhóm thịt heo, sản phẩm chế biến từ thịt heo, thịt gà, các loại rau củ và đặc biệt là các loại trái cây, đặc sản chưng trong mâm cỗ gia tiên ngày tết.

Năm nay, các DN trong Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) TPHCM cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết; đồng thời liên kết giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp thêm cơ hội mua sắm dịp tết. Theo đó, trong 2 ngày 29 và 30 Tết,  tại các hệ thống cửa hàng Co.op Food, Vissan, Vinmart, Satrafood… có phối hợp của các DN sản xuất, nhà cung cấp giảm giá bán trứng gà bình quân 2.000 đồng/chục và trứng vịt 1.000 đồng/chục. Nhiều DN cũng có kế hoạch giảm giá bán đối với thịt gia cầm các loại như gà ta nguyên con, gà cắt miếng để kích thích mua sắm. 

Ngoài nhóm các mặt hàng BOTT, tại mỗi siêu thị cũng đều tổ chức chương trình khuyến mãi riêng để kích cầu. Tại hệ thống Co.opmart thực hiện chương trình giảm giá từ 5%-49% đối với nhiều mặt hàng. Cụ thể, bên cạnh hàng trăm mặt hàng đang được khuyến mãi, Co.opmart đã bổ sung thêm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc và đồ dùng gia đình nhằm kích cầu sức mua trong dịp cao điểm tết. 

Tổ chức tốt mạng lưới phân phối

So với mọi năm, lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Canh Tý 2020 tại TPHCM đã được các chợ đầu mối, siêu thị, DN BOTT chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng bình ổn tăng từ 14,6%-17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 21%-28% so với kết quả thực hiện Tết Kỷ Hợi 2019. Theo đó, nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20%-53,2% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)...

Với lượng hàng này, hàng BOTT tại TPHCM đã đủ sức chi phối thị trường trong dịp trước và sau tết. Bên cạnh đó, nguồn hàng từ các tỉnh đưa về các chợ đầu mối TP như Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức… trong những ngày qua đã tăng thêm từ 200-300 tấn/đêm, dự kiến trong 3 ngày cận tết, lượng hàng về các chợ tăng thêm từ 1.000-1.500 tấn so với ngày thường. Theo ban quản lý các chợ đầu mối, do hàng về nhiều nên một số loại rau củ, trái cây, cá biển có mức giá giảm nhẹ, từ 500-2.000 đồng/kg tuỳ loại.  

Ngoài chợ đầu mối, một số đơn vị chủ lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM đang liên kết, hỗ trợ nhau để tăng lượng hàng ra thị trường nhằm ổn định giá bán. Để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt trong những ngày cận tết, ngoài việc tăng tần suất vận chuyển bằng xe tải chuyên dụng, các DN đều bố trí đội ngũ giao hàng bằng xe máy, tổ chức đội xe lưu động nhằm ứng phó kịp thời tình trạng khan hiếm hàng hóa giả tạo để nâng giá bán. 

Hàng BOTT tết hiện đã được phân phối đến 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị, trung tâm thương mại, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Trong đó có 1.011 điểm bán tại các quận ven, huyện ngoại thành, 19 điểm bán phục vụ công nhân tại 11 KCX - KCN. 

Để phục vụ công nhân và người lao động tại các KCX-KCN, các DN trong chương trình BOTT đã chia thành 3 nhóm bán hàng lưu động do 3 đơn vị: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM và Công ty TNHH Ba Huân làm đầu mối, thực hiện bình quân 130 chuyến bán hàng lưu động ngay trong những ngày cận tết. Với việc chuẩn bị đầy đủ nguồn cung, ổn định giá cả, tăng cường phát triển điểm bán, tổ chức bán hàng lưu động, can thiệp thị trường và tổ chức các phiên chợ phục vụ công nhân, việc cung ứng hàng hóa tết tại TPHCM đang được triển khai ở mức tốt nhất.

 Người dân có thể yên tâm về cung - cầu hàng hóa

Hàng hóa tết năm nay rất dồi dào, phong phú với giá bán khá ổn định. Chúng tôi đang yêu cầu các DN tham gia chương trình BOTT tiếp tục thực hiện đúng cam kết trong việc cung ứng hàng bình ổn ra thị trường, đảm bảo giá bán phải thấp hơn ít nhất 5%-10% so với thị trường; đồng thời tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá hàng tết. Các chợ đầu mối phải báo cáo hàng ngày về lượng hàng cũng như giá cả để Sở Công thương đề xuất UBND TPHCM kịp thời xử lý khi có biến động. 

Đối với mặt hàng thịt heo, khi nguồn cung giảm thì giá sẽ tăng. Trước tình hình này, TPHCM đã xây dựng kế hoạch ứng phó với những giải pháp như tăng cường vận động các DN đưa thêm nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả và thực phẩm chế biến vào diện bình ổn, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người dân; vận động DN tăng cường nhập thịt heo đông lạnh, đưa vào các bếp ăn tập thể, DN chế biến… 

Thực tế cho thấy, trong 2 tuần gần đây, heo hơi tại TPHCM đã không còn tình trạng tăng giá liên tục, nhưng vẫn đứng ở mức rất cao. Giá thịt cao khiến tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 20%, trong đó kênh phân phối hiện đại sức mua giảm nhẹ, kênh chợ truyền thống giảm mạnh khoảng 30%, nguyên nhân do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, ngại mua kênh chợ truyền thống.  

Dù vậy, chúng tôi không chủ quan mà luôn đưa mặt hàng này vào diện kiểm tra, theo dõi nghiêm ngặt. Hàng ngày, các chợ đầu mối vẫn báo cáo nhanh về sản lượng heo nhập chợ và giá bán, tương tự với các DN BOTT cũng vậy. Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các sở ngành chức năng của các tỉnh, thành có thế mạnh trong sản xuất để lên kế hoạch về sản lượng, khả năng cung cầu, đặc biệt là giá cả để có thể điều phối hàng hóa kịp thời cho nhu cầu người dân, tránh tình trạng hàng hóa bị tăng giá cục bộ.

Sở Công thương TPHCM đang tập trung kiểm tra, theo dõi và tính phương án tăng cường thịt heo từ nhiều nguồn, các trang trại lớn như CP, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Emivest, CJ, Japfa, Masan để ổn định nguồn cung. Về phía Vissan đã cam kết cung ứng cho các nhà phân phối lớn, kể từ ngày 1-12-2019 đến hết ngày 24-1-2020 để đảm bảo lượng hàng và giá bán trong dịp mua sắm cao điểm tết. 

Mặt khác, Sở Công thương cũng vận động các DN chăn nuôi tăng cường nguồn cung vào hệ thống siêu thị để tạo sự dẫn dắt chung về giá bán thịt heo trên thị trường. Theo đó, các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.op Food, BigC, Go! cam kết bán thịt heo với giá gốc hoặc điều chỉnh giá phù hợp để ổn định thị trường, chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh giá thịt heo đang ở mức cao. 

Tôi cho rằng, để ổn định giá cả mặt hàng thịt heo từ nay đến cao điểm Tết Canh Tý thì bản thân người tiêu dùng sẽ quyết định tới 90%. Nếu người dân có phương án sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế thịt heo, đồng thời chuyển đổi thói quen tiêu dùng từ thịt heo nóng sang heo đông lạnh, chắc chắn mặt hàng thịt heo sẽ không còn tăng giá nóng và không quá lo ngại về nguồn cung.

Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương TPHCM

Tin cùng chuyên mục