Liên kết phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

Tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Bến Tre và Báo Sài Gòn Giải Phóng cùng phối hợp tổ chức vào ngày 1-12 tại Bến Tre, đã có nhiều ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp… nhằm tìm ra hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Liên kết phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

Tại hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Bến Tre và Báo Sài Gòn Giải Phóng cùng phối hợp tổ chức vào ngày 1-12 tại Bến Tre, đã có nhiều ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp… nhằm tìm ra hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững.

 Nhiều thách thức đặt ra

Theo Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp những năm qua tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đối cao. Nếu như năm 2006 sản lượng lúa đạt 39 triệu tấn thì đến năm 2014 tăng lên mức 45 triệu tấn. Việt Nam tiếp tục duy trì là cường quốc về xuất khẩu nông sản với giá trị gần 31 tỷ USD. Mặt được là vậy, song trước áp lực hội nhập thế giới thì sản xuất nông nghiệp đã bộc lộ nhiều yếu kém, trong đó vấn đề tiêu thụ các sản phẩm nông sản luôn khiến các ngành chức năng đau đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tìm hiểu sản phẩm tại Hội thảo phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Ảnh Việt Dũng

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ chỉ ra hạn chế: “Tại sao nông dân cứ mãi rơi vào tình trạng “trồng – chặt” hoặc làm nông nghiệp theo ý thích của mình, nay trồng cây này, mai nuôi con kia… mà không theo quy hoạch, không có định hướng hay chiến lược dài hơi. Điều đó phải chăng quản lý nhà nước lỏng lẻo, còn doanh nghiệp hời hợt chưa định ra được thị trường tiêu thụ để khuyến cáo nông dân sản xuất”.

Cùng nỗi lo trên, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đặt vấn đề: “Gần đây có một số nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp không an toàn, nhưng họ buộc phải làm bởi đầu ra sản phẩm không ổn định. Vấn đề ở chỗ là nhiều nơi còn tồn tại việc sản xuất kiểu “mạnh ai nấy làm” và nền nông nghiệp sẽ đi về đâu nếu cứ mãi sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết?”. Ông Yuttana ThongPhur, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam trăn trở: “Cách nay hơn 4 năm khi bắt đầu triển khai mô hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở vùng ĐBSCL, chúng tôi đã nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của con cá tra. Có thể nói, cá tra là sản phẩm đặc thù của vùng sông nước này nhưng mấy năm nay cứ mãi ì ạch khiến người nuôi và doanh nghiệp đều khốn đốn. Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó vấn đề sản xuất riêng lẻ, thiếu liên kết, làm sản phẩm giá trị thấp, môi trường nuôi thiếu an toàn… tất cả cần phải suy nghĩ để tìm hướng đi mới cho con cá tra”.

Cá Tra vốn là thế mạnh của ĐBSCL nhưng cung đang lận đận vì thiếu liên kết

Đẩy mạnh liên kết để phát triển

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kể câu chuyện bức bách về địa phương của mình. Ông tiết lộ rằng: “Sau thời gian phát triển thì gần đây tốc độ tăng trưởng nền nông nghiệp chậm lại, trong khi sự cấp bách của hội nhập cứ liên tục khiến lãnh đạo tỉnh phải suy nghĩ. Và Đồng Tháp là một trong những địa phương đầu tiên trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, tỉnh chọn ra 5 sản phẩm thế mạnh để tổ chức thực hiện tái cơ cấu gồm: Lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng và vịt. Chúng tôi xác định vai trò doanh nghiệp là vô cùng quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất, bởi doanh nghiệp là người quyết định đầu ra cho sản phẩm. Vì thế Đồng Tháp tạo cơ chế thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là 2 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị của Công ty TNHH Hùng Cá về cá tra và Công ty Lộc Anh về lúa gạo mang lại tín hiệu rất lạc quan”.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang nhìn nhận: “Qua thực tế ở tỉnh sau thời gian triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và nông dân thì hiệu quả kinh tế mang lại tăng từ 5-15% so sản xuất bên ngoài. Điều này cho thấy việc phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp là hướng đi đúng. Thế nhưng vấn đề nan giải hiện nay là thực hiện “thí điểm” thì thành công, đến khi nhân rộng đại trà là gặp khó; bởi chưa có nhiều doanh nghiệp đủ mạnh để tham gia chuỗi”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, để mô hình phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp có hiệu quả thì cần có những “con sếu đầu đàn” mà cụ thể là doanh nghiệp và HTX. Để kéo doanh nghiệp vào thì nhà nước cần có chính sách hợp lý, có cơ chế về thuế sử dụng đất, hạn điền… tạo sức hút để doanh nghiệp an tâm đầu tư vào nông nghiệp. Đối với HTX cũng vậy, cần có chủ nhiệm giỏi về kinh doanh và trái tim “từ thiện” để quy tụ nhiều nông dân tham gia vào tổ chức HTX; từ HTX mới liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản. “Chuỗi giá trị có tồn tại và phát triển phải dựa trên lợi ích hài hòa của các bên tham gia, chứ không thể sử dụng biện pháp hành chính được”- Tiến sĩ Trần Du Lịch, nói.

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ) nêu thực tế hiện nay khi các địa phương khuyến khích phát triển “cánh đồng lớn”, trong khi nguồn vốn đầu tư hạ tầng để phục vụ cánh đồng lớn của doanh nghiệp khá lớn, thu hồi chậm, nhiều rủi ro. Áp lực thua lỗ do cạnh tranh không lành mạnh từ đa số các doanh nghiệp khác không thực hiện cánh đồng lớn mang lại. Thị trường tiêu thụ còn bấp bênh. Cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn ‘‘gần như chưa có gì”. Trong khi trên thực tế khi doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn đã phải hỗ trợ ngay cho nông dân mỗi kg lúa không dưới 300 đồng/vụ. Vì vậy, để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, ông Bình kiến nghị: “Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cụ thể và nhiều hơn nữa đối với doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn, cụ thể như: Doanh nghiệp mua máy cày, máy cấy, máy san ủi đồng ruộng, máy tưới tiêu, xây kho chứa lúa, máy xay xát, chế biến lúa gạo… thì được vay vốn trung hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi. Về đất, nhà nước nên cho thuê 50 năm với mức ưu đãi được miễn tiền thuê đất 15 năm đầu… Có như vậy mới thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia”.

Mô hình cánh đồng lớn đang được khuyến khích phát triển ở ĐBSCL

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu đối với hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững”. Đây là vấn đề cấp thiết cho nền nông nghiệp nước nhà trước bối cảnh hội nhập quốc tế và cũng là để nâng cao đời sống nông dân. Sau hội thảo này, Quốc hội sẽ tập hợp các ý kiến và đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu giải quyết… Mục tiêu là phải làm sao để phát triển mạnh chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thương trường quốc tế.

HUỲNH LỢI- BÌNH ĐẠI

>>Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững: Nhu cầu bức bách

Tin cùng chuyên mục