Cuộc họp toàn thể của Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) tổ chức ở TPHCM vừa qua trong bối cảnh hạn hán và ngập mặn vào giai đoạn gay gắt nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Xâm nhập mặn vào sâu hơn, khan hiếm nước ngọt nhiều hơn so với những năm trước…
VNMC nhận định, bối cảnh hợp tác sử dụng nguồn nước sông Mekong gần đây gặp nhiều thử thách nghiêm trọng, như tình trạng sử dụng ngày càng nhiều tài nguyên nước (các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong vùng thượng nguồn) và nhu cầu về nguồn nước cho sản xuất gia tăng rất nhanh chóng ở các nước trong lưu vực…
Những điều này gây ra mối quan ngại về tác động ngày càng xấu đi với môi trường không chỉ ở vùng ĐBSCL mà cả những nước nhưCampuchia, Thái Lan và Lào. Nhưng do ĐBSCL là vùng cuối nguồn của dòng sông Mekong đổ ra biển nên không chỉ ảnh hưởng bởi lượng nước từ thượng nguồn đổ về vào mùa mưa bão hàng năm, mà hiện nay còn đối mặt với nạn xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt trong mùa khô. Nước biển dâng, vùng đất này sẽ có nhiều diện tích chìm dưới mực nước biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên cho rằng, vì ở cuối nguồn, chúng ta hứng chịu hậu quả nhiều hơn đối với các nước khác. Nguồn nước ngọt ở ĐBSCL quá dư thừa khi lũ về trong những tháng 9, 10, 11. Nhưng sau đó lại khan hiếm nước ngọt gay gắt vào mùa khô. Mực nước các con sông trong khu vực sụt giảm từng năm, làm chi phí bơm nước sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân cứ cao dần.
Do vậy, cần có các công trình quốc gia về sử dụng tiết kiệm nước ngọt. Ngay cả việc sử dụng nước phù hợp với sản xuất ở từng vùng cũng phải có vai trò của VNMC. Vì vậy, VNMC cần nghiên cứu và có kế hoạch về điều tiết lưu lượng trong điều kiện tốt nhất và xấu nhất để các tỉnh chủ động khuyến cáo bà con sử dụng nước trong sản xuất. Bài toán nước biển dâng, ai cũng lo ngại, nhưng cụ thể từng địa phương phải làm gì thì rất lúng túng.
Đại diện TP Cần Thơ cho rằng, nước biển dâng và khai thác nguồn nước từ thượng nguồn ảnh hưởng trực tiếp ngày càng rõ nét. Do vậy, cần có giải pháp phù hợp để tích cực ứng phó, nhưng hiện nay địa phương chưa biết làm thế nào. Sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước là thỏa thuận chung của các nước thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), nhưng nội dung thỏa thuận thế nào lại là vấn đề phức tạp và lâu dài. Vì vậy, vai trò của VNMC không chỉ là vấn đề trong nước, nhiệm vụ quan trọng và nặng nề hơn chính là thông qua ngoại giao để đấu tranh, bảo vệ nguồn nước ngọt một cách tối ưu cho vùng ĐBSCL trong MRC.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Chủ tịch VNMC Phạm Khôi Nguyên cho biết, nguồn nước sông Mekong không chỉ là vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường mà còn là vấn đề ngoại giao, chính trị…
Cuộc họp của MRC ở Thái Lan qua tuyên bố Hủa Hỉn đầu tháng 4 vừa qua có những động thái tích cực cho các nước thành viên, với sự cam kết mạnh mẽ. Việc Myanmar sẽ là thành viên mới, trở thành quốc gia thứ 5 trong MRC rất có ý nghĩa về nhiều mặt cho các quốc gia cùng sử dụng nguồn nước Mekong. Bên cạnh đó còn có sự ủng hộ và tham gia tích cực của các đối tác chiến lược MRC, đặc biệt là Mỹ, Nga, Nhật Bản...
Trong đó đặc biệt Hà Lan, quốc gia có nhiều kinh nghiệm về lấn biển, với những công trình mang tầm nhìn thế kỷ, đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó tác hại của biến đổi khí hậu. Trước mắt, sẽ chọn một số tỉnh ĐBSCL chịu tác động nhiều nhất làm thử nghiệm để có mô hình chung, sau đó sẽ triển khai diện rộng cho cả khu vực
CÔNG PHIÊN