Liên thông bảo hiểm y tế tuyến tỉnh: Người dân mừng, bệnh viện lo

Bắt đầu từ 1-1-2021, theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), người dân tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến. Đây là tin vui cho mỗi người dân nhưng cũng là nỗi lo của các bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Lo ngại bệnh nhân đổ dồn về tuyến cuối

Đây là đợt liên thông theo lộ trình của Luật BHYT. 5 năm trước, chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế đã được thực hiện ở BV tuyến huyện, nhằm nâng chất lượng chuyên môn cho cơ sở y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, theo các lãnh đạo BV, việc thông tuyến BV tỉnh lần này được cho là tạo điều kiện cho người dân KCB, song có nhiều bất cập cho BV như quá tải bệnh nhân, tăng vượt dự toán chi phí BHYT…

Là BV tuyến cuối về ung bướu, mỗi ngày, BV Ung bướu tiếp nhận 4.000 bệnh nhân tới khám và 600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân tới khám, 32% sử dụng BHYT đúng tuyến. TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho biết, việc thông tuyến BHYT giúp người dân lựa chọn nơi điều trị theo đúng bệnh lý và lòng tin. Tuy nhiên cũng gây không ít trở ngại cho các BV tuyến cuối. “Đơn cử như BV Ung bướu TPHCM, khi lượt bệnh nhân đến KCB quá đông thì chúng tôi không thể áp dụng những kỹ thuật cao để chữa bệnh cho tất cả. Mỗi năm, BV Ung bướu TPHCM tăng khoảng 7% lượt bệnh nhân nhưng quy định mới có hiệu lực, con số này có thể tăng cao hơn. Khi cơ sở 2 của BV tại quận 9 đưa vào hoạt động với 1.000 giường, mới có thể đảm đương được những trường hợp quá tải trong khả năng cho phép”, bác sĩ Tuấn phân tích.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, phân tích dữ liệu khám chữa bệnh BHYT của các BV ở TPHCM trong những năm qua, bình quân số lượt điều trị nội trú của người bệnh vượt tuyến BHYT (từ các tỉnh khu vực phía Nam) tại các BV chiếm khoảng 3%; chi phí KCB của nhóm này chiếm khoảng 5% tổng chi KCB BHYT. “Nếu như trước đây, bệnh nhân nội trú vượt tuyến sẽ được bảo hiểm xã hội thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú thì nay theo quy định mới người bệnh nội trú vượt tuyến sẽ được hưởng 100%. Như vậy, chưa kể số lượt bệnh nhân nội trú vượt tuyến sẽ tăng khi bắt đầu liên thông KCB BHYT tuyến tỉnh thì đồng nghĩa với việc cần điều chỉnh tăng dự toán chi KCB BHYT cho các bệnh viện TPHCM và số lượt điều trị nội trú tại các BV chuyên khoa, đa khoa sẽ tăng là khó tránh khỏi”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay.

Tăng cường công tác truyền thông

Nhằm tránh tình trạng bệnh nhân đổ dồn về tuyến cuối, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho rằng, ngành y tế TPHCM cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh BHYT cho người dân và người bệnh khi đến KCB tại các BV, nhất là truyền thông về năng lực KCB của các tuyến y tế cơ sở đã được đầu tư, phát triển chuyên môn kỹ thuật trong thời gian qua như: các trạm y tế phường, xã đã đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; các BV quận, huyện thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị chuyên sâu… tránh gây áp lực và yêu cầu nhập viện tại các BV tuyến trên khi chưa thật cần thiết, chưa có chỉ định chuyên môn của bác sĩ. 

PGS-TS Tăng Chí Thượng cũng cho biết, việc liên thông BHYT tuyến tỉnh là một thách thức về năng lực điều trị nội trú của các BV quận, huyện khi tất cả BV quận, huyện đã tự chủ chi thường xuyên. Trong đó, đòi hỏi các BV quận, huyện phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển danh mục kỹ thuật của bệnh viện đáp ứng nhu cầu mô hình bệnh tật, trong đó phát triển nguồn nhân lực chuyên môn và quản trị BV phải được xem là ưu tiên hàng đầu. 

Các bệnh viện quận, huyện cần quan tâm, củng cố và đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng cho khu vực khám và điều trị ngoại trú, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình KCB ngoại trú đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và tuân thủ các quy định của ngành, nghiên cứu triển khai các loại hình KCB từ xa, KCB tại nhà, ưu tiên các bệnh mạn tính không lây, nhất là trong trong giai đoạn cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các BV như hiện nay và những năm tiếp theo. “Các BV quận, huyện còn phải tiếp tục hỗ trợ nguồn nhân lực cho công tác KCB ban đầu tại các trạm y tế trên địa bàn theo phương thức luân phiên bác sĩ 2 chiều, đây là trách nhiệm của mỗi BV quận, huyện đối với hệ thống y tế của thành phố mà các giám đốc BV và giám đốc TTYT quận, huyện đã ký kết quy chế phối hợp”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Bảo hiểm xã hội TPHCM vừa ký văn bản hướng dẫn các cơ sở KCB BHYT giai đoạn cuối năm 2020 đầu năm 2021. Theo đó, từ ngày 1-1-2021, bệnh nhân các tỉnh không cần giấy chuyển tuyến khi điều trị nội trú tại TPHCM vẫn được chi trả 100% BHYT. Các trường hợp khám BHYT ngoại trú tại TPHCM cần có giấy chuyển tuyến. Nếu bệnh nhân ở tỉnh nhập viện tại các BV: Chợ Rẫy, Quân y 175, Răng Hàm Mặt Trung ương và Thống Nhất không có giấy chuyển tuyến chỉ được trả 40% BHYT. Các bệnh nhân BHYT cấp cứu hoặc có giấy chuyển tuyến sẽ được thanh toán 100% theo mức quyền lợi.

Tin cùng chuyên mục