Liên Triều thấp thỏm chờ đối thoại

Ngày 5-1, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo Bình Nhưỡng đã chấp thuận đề xuất của Seoul về việc tiến hành đối thoại cấp cao liên Triều vào tuần tới. 
Những dải ruy băng ghi thông điệp hy vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình được gắn trên hàng rào tại thành phố Paju, cửa ngõ dẫn vào làng đình chiến Panmunjom
Những dải ruy băng ghi thông điệp hy vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình được gắn trên hàng rào tại thành phố Paju, cửa ngõ dẫn vào làng đình chiến Panmunjom
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ không có cuộc tập trận chung nào diễn ra trong thời gian Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội (Olympic) Mùa đông PyeongChang  vào tháng tới. 

Bước thay đổi 

Động thái mới thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của nước này thời gian gần đây. Vòng đối thoại liên chính phủ giữa hai miền Triều Tiên gần đây nhất diễn ra tháng 12-2015. Sau khi nhậm chức tháng 5-2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất tiến hành đàm phán quân sự và đối thoại Hội Chữ thập đỏ, nhưng không nhận được hồi âm từ phía Bình Nhưỡng.

Trước những tín hiệu mới diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, biên tập viên cấp cao Ankit Panda của tờ Diplomat nhận định trong năm 2017, Triều Tiên đã thử 20 tên lửa các loại, trong đó có 2 tên lửa liên lục địa với tầm bắn được cho là có thể vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Những vụ thử này đã hỗ trợ Triều Tiên tăng thêm vị thế trong bàn đàm phán. Vòng đối thoại mới của Hàn Quốc và Triều Tiên nhiều khả năng chỉ xoay quanh việc tham gia Thế vận hội (Olympic) Mùa đông PyeongChang 2018, do đó, tiến triển về mặt ngoại giao như phía Hàn Quốc mong muốn có thể xảy ra sau vòng đối thoại này vẫn chưa thể xác định được. Nếu có kết quả tích cực, đây sẽ là biến chuyển ngoại giao ở khu vực Đông Bắc Á trong năm 2018.
Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử tên lửa nếu Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục tập trận. Cơ hội đàm phán giữa hai bên sắp đến, nhưng hành động này nhiều khả năng sẽ gây chia rẽ liên minh Mỹ- Hàn Quốc vốn đã nảy sinh căng thẳng kể từ thời điểm ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Là người ủng hộ việc đối thoại với Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố Seoul cho biết có thể đối thoại với Triều Tiên “bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và dưới mọi hình thức”. Nhưng người đứng đầu Nhà Trắng Donald Trump lại có chủ trương ngược lại. Ông Donald Trump ủng hộ cái gọi là “Chiến dịch áp lực tối đa” để cô lập hoàn toàn Triều Tiên và  khẳng định chính sách của Mỹ với Triều Tiên không thay đổi.

Lý do nhượng bộ

Đồng quan điểm với ông Ankit Panda , chuyên gia Joshua Pollack thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) cho rằng mặc dù không có nhiều triển vọng cho các cuộc đối thoại liên Triều sắp tới, nhưng đây có thể được xem là một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, đặc biệt là khi quan hệ Seoul - Bình Nhưỡng có nhiều rạn nứt trong vài năm qua. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng việc Bình Nhưỡng thúc đẩy đối thoại với Seoul không phải để tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt mà là để Triều Tiên được công nhận là một quốc gia hạt nhân. 

Gợi ý đối thoại được nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang liên tiếp hứng chịu những sức ép từ bên ngoài, với những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay. Chính vì vậy, gợi ý đối thoại của ông Kim Jong-un được không ít nhà quan sát quốc tế cho là kế hoãn binh, có nghĩa là Triều Tiên muốn tạo ra lý do chính đáng để có thêm thời gian tạm ngừng hoặc giảm bớt tần suất các vụ thử hạt nhân - tên lửa và tập trung vào các hoạt động sản xuất để phát triển kinh tế. Giới chuyên gia thận trọng cảnh báo rằng sự thay đổi chiến thuật của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chỉ cốt để tạo một không gian đỡ ngột ngạt hơn. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump  dù thừa nhận đề xuất của Bình Nhưỡng là “tin tốt lành”, nhưng cho rằng việc Triều Tiên quay lại đối thoại là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt đang phát huy tác dụng.

Tin cùng chuyên mục