Liệu pháp tương thích xây dựng đô thị thông minh

Giải pháp vận hành bám sát nhu cầu đời sống, ngân hàng tham gia quản lý cùng chính quyền hay việc phục vụ nhóm dân cư chưa bắt kịp công nghệ là vấn đề nhiều đại diện địa phương, lĩnh vực đề cập khi nhắc đến đô thị thông minh. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến đóng góp về vấn đề này.
Người dân sử dụng công nghệ khi đến UBND quận 1 làm thủ tục hành chính. Ảnh: H.TRIỀU
Người dân sử dụng công nghệ khi đến UBND quận 1 làm thủ tục hành chính. Ảnh: H.TRIỀU


* Ông NGUYỄN MẠNH TRÍ, Đại biểu HĐND TPHCM: Giải quyết thủ tục bằng thẻ có mã vạch

TP thông minh luôn lựa chọn những vấn đề sát sườn, gần gũi nhất với đời sống người dân làm giá trị cốt lõi. Đơn cử, người dân, y - bác sĩ luôn đối mặt với tình trạng bệnh viện quá tải, thủ tục y tế nhiêu khê. Hay một số bệnh viện có hệ thống công nghệ thông tin liên thông với BHYT. Tuy nhiên, nhiều khi cán bộ, y - bác sĩ phải làm việc lúc nửa đêm mới có thể... tải dữ liệu lên hệ thống. Tức là, cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa đủ mạnh, hệ thống chưa đồng bộ.

Như vậy, giải pháp giảm bớt, khắc phục tình trạng trên là bài toán cần lưu ý trước nhất. TP cần đầu tư cơ sở hạ tầng đủ mạnh để đảm bảo tính thông suốt; đồng thời, liên kết chặt chẽ với những đề án thông minh của các bộ, ngành trung ương. Có như vậy, mong muốn giải quyết hầu hết thủ tục hành chính qua tấm thẻ có mã vạch mới có khả năng trở thành hiện thực.

* Ông TĂNG HỮU PHONG, Phó Bí thư Quận ủy quận Tân Phú, TPHCM: Phục vụ người dân không rành công nghệ như thế nào?

5 năm trở lại đây, trình độ, nhận thức cũng như nhu cầu của người dân trong sử dụng công nghệ tăng cao. Đây vừa là thế mạnh vừa là thách thức trong chiến lược phát triển đô thị thông minh.

Nói như vậy không có nghĩa là tất cả mọi người đều có khả năng tận dụng tiện ích công nghệ, như: giao dịch điện tử, phần mềm tra cứu trên internet... Thị trường cổ xúy nhân rộng thương mại điện tử nhưng không phải ai cũng có khả năng sử dụng tiện ích này. Chưa kể, mỗi nhóm dân cư (ở cả nội thành và ngoại thành) có thói quen tập quán, nhu cầu khác nhau.

Chắc chắn, đề án TP thông minh áp dụng công nghệ quản lý mạnh mẽ thì vẫn có một bộ phận dân cư không tương thích với đề án. Khi đó, việc tổ chức phục vụ ở cơ quan công quyền đối với nhóm khách hàng trên sẽ như thế nào? Đô thị thông minh cần nhìn thấu và đề ra cách thức cụ thể giải quyết bài toán trên.

Song song đó, TP thông minh cần cam kết việc tương thích giữa dữ liệu với thiết bị, đặc biệt là kho dữ liệu cũ. Cập nhật và đồng bộ dữ liệu cũng quan trọng không kém. Nói cách khác, việc đảm bảo củng cố, quản lý dữ liệu (cũ và mới) sẽ tạo niềm tin, xua tan bất an trong xã hội.
Liệu pháp tương thích xây dựng đô thị thông minh ảnh 1 TPHCM có đủ điều kiện trở thành đô thị thông minh. Ảnh: H.TRIỀU
* Ông LÊ TRƯƠNG HẢI HIẾU, Chủ tịch UBND quận 12, TPHCM: Kết hợp quản lý giữa ngân hàng và chính quyền
Hiện cơ sở dữ liệu khách hàng trong ngân hàng rất đầy đủ thông tin. Trên thế giới có nhiều quốc gia áp dụng hình thức chế tài qua ngân hàng. Doanh nghiệp trốn thuế, nợ lương, chính quyền có thể đề nghị ngân hàng tạm ngưng giao dịch, tạm khóa tài khoản... TPHCM đưa hình thức quản lý kết hợp giữa hệ thống ngân hàng và chính quyền vào quá trình xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, phương án kết hợp cần hài hòa; đảm bảo theo quy định pháp luật; không ảnh hưởng đến quyền lợi kinh doanh của ngân hàng, khách hàng. Kinh nghiệm từ chính quyền điện tử ở nhiều nơi cho thấy, công nghệ sử dụng trong chính quyền điện tử không phải sản phẩm thị trường mà sản phẩm đặt hàng riêng cho một chính quyền. Có nghĩa là sản phẩm độc quyền.* Ông NGUYỄN HOÀNG MINH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM: Ngân hàng tham gia phát triển đô thị thông minh Hiện TPHCM có khoảng 2.300 địa chỉ giao dịch, phục vụ 8 triệu khách hàng (cá nhân và tổ chức). Nhằm thu hút khách hàng, quản trị rủi ro, tất cả ngân hàng đều có hệ thống dữ liệu khách hàng rất đầy đủ, cụ thể. Nhân viên ngân hàng chỉ cần nhập số CMND là có thể tìm thấy thông tin khách hàng một cách chi tiết nhất. Theo cá nhân tôi, TP thông minh có thể dành một “phân khúc” phân tích, đánh giá những khía cạnh quản lý ngành ngân hàng có thể đóng góp hoặc phối hợp với chính quyền trong quản lý dân cư, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng TP sẽ chủ động nghiên cứu, phối hợp tìm giải pháp tham gia phát triển đô thị thông minh dựa trên những quy định pháp luật cho phép.
Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”:

Sau thời gian dài nhận ý kiến góp ý, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” (gọi tắt là đề án). Bắt đầu từ số hôm nay, ra ngày thứ năm hàng tuần, thay dự thảo đề án, Báo Sài Gòn Giải Phóng trích đăng lần lượt nhiều nội dung quan trọng trong giải pháp xây dựng đô thị thông minh. Mong đông đảo bạn đọc chia sẻ, đóng góp về giải pháp cụ thể bám sát 10 nhóm giải pháp khung nêu trong đề án.

Các nhóm giải pháp xây dựng đô thị thông minh

Xây dựng Trung tâm Mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

UBND TPHCM giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu, đánh giá và đề xuất mô hình trung tâm (tầm nhìn trung hạn). Đối tượng nghiên cứu như sau:

Tăng trưởng GDP và cơ cấu kinh tế.

Nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.

Tăng trưởng dân số.

Nhu cầu sử dụng đất cho các lĩnh vực.

Nhu cầu giao thông phát triển kinh tế - xã hội.

Nhu cầu sử dụng năng lượng và nước sạch.

Nhu cầu xử lý rác thải.

Ngập nước và nguyên tắc xử lý ngập.

Nhu cầu nhà ở phục vụ người dân và du lịch.

Nhu cầu về dịch vụ y tế theo các cơ cấu.

Nhu cầu cho hệ thống giáo dục.

Nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế.

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh

Vận hành đô thị quy mô như TPHCM đòi hỏi phải có đầy đủ thông tin đa chiều để điều phối xử lý ở mức vĩ mô.

Trung tâm sẽ là nơi tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, trung tâm giúp TP ứng cứu, xử lý tình huống; giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể.

Trung tâm An toàn thông tin TP

Đô thị thông minh không thể tránh khỏi rủi ro về an ninh mạng.

Do đó, trung tâm có nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin mạng, đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin cũng như an toàn cho hệ thống thông tin; hệ thống tự động hóa, giám sát, điều khiển trong cơ sở hạ tầng, dữ liệu trọng yếu.
(Trích đề án)
Ý kiến đóng góp, cộng tác vui lòng gửi đến địa chỉ email: dothithongminh2017@gmail.com

Tin cùng chuyên mục