Là một nước có trên 70% dân số sống về nghề nông, chúng ta đã thấy rõ nếu không tạo được thị trường trong hoặc ngoài nước, nông dân không thể làm giàu được và do đó nông nghiệp nước nhà không thể tiến xa hơn nữa. Cụ thể là ở ĐBSCL, hàng năm, hơn 20 triệu dân khu vực này đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu nhưng đời sống nông dân vẫn không khá lên được và thị trường nông sản thường bấp bênh. Nguyên nhân đã rõ: Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không đồng bộ, khó kết nối với thị trường trong và ngoài nước; thông tin về thị trường hạn chế; việc liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; sự phối hợp của các bộ, ngành, Trung ương thiếu chặt chẽ trong sự liên kết vùng và liên ngành; liên kết trong sản xuất còn thiếu và yếu, nhất là liên kết 4 nhà. Giải pháp khắc phục cũng đã có, nhưng triển khai chậm và thiếu đồng bộ nên bài toán thị trường cứ loay hoay.
Đơn cử như thị trường lúa gạo. Nông dân chỉ biết cặm cụi sản xuất rồi bán cho thương lái. Giá cả phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên doanh nghiệp phải cân nhắc (lời ăn lỗ chịu) khi thu mua lúa gạo của nông dân. Dù chính sách tạm trữ triển khai nay đã hơn 10 năm nhưng thành quả mà nông dân nhận được từ chính sách này hầu như chẳng được gì. Bệnh thành tích trong sản xuất (tăng vụ, tăng sản lượng) đã bào mòn đất đai và sức sản xuất, chẳng cần biết thị trường thế giới đang diễn biến như thế nào nên năm nào lúa gạo cũng ùn ứ, giá cả sụt giảm. Đến nỗi, giờ đây, chuyển dịch cơ cấu cây trồng (từ trồng lúa sang trồng các loại rau màu, bắp, đậu nành) được xem như giải pháp lối thoát.
Trong thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt, vấn đề khai mở và phát triển thị trường càng trở nên bức thiết. Nông dân có thể trồng hầu hết mọi nông sản nhưng không thể tiêu thụ hết các sản phẩm vì không có thị trường. Một nông dân cá thể chỉ có thể sản xuất theo kiểu tự cấp thì được, nhưng muốn sản xuất hàng hóa thì phải kết hợp nhau lại để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm, giá phải cạnh tranh. Việc xác định mặt hàng nào cần sản xuất phải được điều nghiên thị trường một cách thấu đáo, không thể cứ thấy láng giềng bán được rồi mình cũng bắt chước sản xuất theo. Về vấn đề này, GS-TS Võ Tòng Xuân rất kiên quyết. Theo ông, đối với một nước kém phát triển như ta, nông dân còn nghèo, phần lớn các công ty tư nhân chưa phát triển, và phần lớn các công ty quốc doanh lại kém năng động, Nhà nước cần phải có chính sách đồng bộ để tạo thị trường, thông qua việc xây dựng mô hình sản xuất (HTX, tổ chức nông nội, công ty cổ phần nông dân…).
Như vậy, để tăng tính cạnh tranh của nền nông nghiệp, giải quyết bài toán “được mùa mất giá”, ngoài việc Nhà nước cần kiên quyết triển khai có hiệu quả các chính sách về quy hoạch sản xuất, liên kết vùng, liên kết trong sản xuất (HTX, tổ hợp tác hay cánh đồng lớn) và đầu tư bài bản cho sản phẩm nông nghiệp trọng điểm quốc gia, về lâu dài, Nhà nước cần có dự báo chiến lược sản xuất các sản phẩm nào để có biện pháp đồng bộ từ tổ chức nông dân sản xuất đến việc tạo thị trường. Chính sách thị trường ấy phải hết sức linh hoạt, theo hướng sản xuất theo chất lượng mà khách hàng mong muốn, với giá thành hợp lý, theo đúng tiêu chuẩn (VietGAP hoặc GlobalGAP), có nghiên cứu, đảm bảo phát huy được giá trị nông sản, qua đó nâng cao đời sống nông dân.
TRẦN MINH TRƯỜNG