"Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc” (*), cái hồn ấy là của riêng từng dân tộc, là cái không thể đánh mất, bởi điều đó đồng nghĩa với mất nước, diệt vong. Mỗi ngày ta nói tiếng nước ta, tiếng nói mẹ đẻ tự tuôn tràn trong tiềm thức, từ khi mới bập bẹ đến lúc trưởng thành.
Tài sản ấy, cha ông ta đã bảo toàn và phát triển nó trong suốt hơn ngàn năm bị nô thuộc phương Bắc, phương Tây, và những gì ta được thừa hưởng hôm nay, đó là kết quả từ cuộc đấu tranh bền bĩ của tiền nhân với những thế lực mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta, những người đương đại là phải nối tiếp công việc của tiền nhân, giữ gìn và bảo vệ ngôn ngữ dân tộc trước những nhiễu loạn đáng báo động đang làm vẩn đục tiếng Việt hiện nay.
Đó chính là nỗi trăn trở của những con người đầy tâm huyết với tiếng nói của dân tộc, những GS-TS trực tiếp giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học, những nhà nghiên cứu, lý luận trong cuộc Hội thảo toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” do 2 trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học và Đại học Sài Gòn tổ chức.
Rất nhiều bản tham luận bàn về nhiều khía cạnh, nhiều hiện tượng đáng báo động của tiếng Việt hiện tại với nhiều đề xuất đầy tâm huyết với Nhà nước, nhưng tựu trung cái lớn nhất, nỗi đau đáu nhất chính là sự tự giác đầy ý thức mang tính chất xã hội trước sự xâm lăng dữ dội của tiếng Anh vào ngôn ngữ Việt hiện nay. Đây là vấn đề không phải thuộc về cá nhân một số người, mà đang có cơ nguy trở thành lề thói và được mặc nhiên công nhận trong giao tiếp xã hội. Để đến một lúc nào đó, khi người ta cảm thấy nó bình thường trong đời sống văn hóa Việt thì có nghĩa là chính ta đang tự loại bỏ dần tiếng nước ta ra khỏi kho từ vựng và mặc nhiên chấp nhận sự xâm thực của tiếng Anh một cách đầy ý thức.
Rất nhiều từ tiếng Anh đã trở thành thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày như shopping thay cho mua sắm, tuổi teen (tuổi mới lớn), festival (liên hoan), sale off (hạ giá), show (biểu diễn), fan (người hâm mộ), test (thử nghiệm), check (kiểm tra), tin hot (tin nóng), nhạc dance (nhạc nhảy), nhạc classic (nhạc cổ điển), phone, mail (gọi điện, thư), hacker (tin tặc), fair play (chơi đẹp)…
Những từ này không chỉ sử dụng trong giao tiếp hàng ngày mà còn chính thức xuất hiện trên các cơ quan truyền thông đại chúng và đó chính là con đường nhanh nhất để truyền bá và bình thường hóa những từ nước ngoài này trong văn phong Việt (?!). Đó là chưa kể những kiểu nói chuyện xen tiếng Anh như là một cách để thể hiện đẳng cấp của mình, kiểu “Thằng boy này handsome (đẹp trai) nhưng không pro (chuyên nghiệp, sành điệu), tao thấy nó borred (chán) lắm, tao không fall (mê) nổi”, hay “Chúng ta nên discuss (thảo luận) lại rồi các bạn tự handle (xử lý) đi”.
Và cũng không thể không nhắc đến trào lưu tự làm méo mó tiếng Việt trên các trang mạng của các bạn trẻ kiểu: thui rùi (thôi rồi), bít chít lìn (biết chết liền), bùn ngủ wé (buồn ngủ quá), Iu an wé chời lun (yêu anh quá trời luôn). Người ta gọi đó là ngôn ngữ @, và gần như có một quy ước, nói chuyện trên mạng, ai không xài thì bị coi là lúa, nên theo lời một số bạn trẻ, dù không muốn, vẫn phải xài, và xài lâu cũng thấy hay. Chính cái thấy hay này sẽ hình thành một thói quen nguy hiểm, mà các cơ quan truyền thông vẫn đặt thành vấn đề khá nghiêm trọng vì sự biến dạng của tiếng Việt đến mức bí hiểm, nhưng tất cả đều cứ trôi tuột đi trong sự bất lực của các cơ quan chức năng…
Nhưng cái dễ thấy nhất về sự tự ti ngôn ngữ của đất nước ta hiện nay chính là các bảng hiệu, bảng thông tin. Hầu hết các bảng quảng cáo, bảng hiệu cửa hàng ở Việt Nam đều sử dụng tiếng Anh vô tội vạ, thậm chí không cần chú thích tiếng Việt nhan nhản khắp nước, nhất là ở những thành phố lớn. Người nước ngoài đến Việt Nam, chỉ nhìn các bảng hiệu sẽ có sự so sánh rõ ràng về tinh thần dân tộc của chúng ta với các nước Đông Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vấn đề này cơ quan chức năng có thể xử lý trong tầm tay, nhưng lạ thay nó vẫn là vấn nạn kéo dài suốt bao năm nay (!).
Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc, chúng ta đã bảo vệ và phát triển vốn từ ngữ Việt Nam suốt mấy ngàn năm, với kho từ vựng Hán Việt và pháp hóa, tức là biến ngôn ngữ của người sang thành vốn liếng của mình, làm giàu thêm cho mình chứ không phải tự đánh mất mình đi.
Nói như Nguyễn An Ninh, người sử dụng tiếng Pháp thành thục đến người Pháp cũng phải kính phục: “Thứ tiếng nước ngoài mình học được phải làm giàu cho tiếng nước mình”, nghĩa là ông hoàn toàn ý thức ngoại ngữ chỉ là phương tiện sử dụng để mưu cầu lợi ích cho nước nhà. Ngày xưa cha ông ta dùng tiếng Pháp để đấu tranh giành độc lập dân tộc thì ngày nay ta phải ý thức tiếng Anh chỉ là phương tiện để phát triển, làm giàu đất nước…
Mỗi quốc gia đều có ngôn ngữ riêng, đó là linh hồn dân tộc. Tự làm hoen ố, vẩn đục ngôn ngữ đất nước mình là có tội với tổ tiên..., là tự vong bản trên chính quê hương mình…
NGÔ NGỌC NGŨ LONG
(*) Theo W. Humboldt (1767-1835), nhà triết học, ngôn ngữ học người Đức.