Không khí gặp gỡ, trao đổi khá thẳng thắn, cởi mở trong hội thảo “Chất lượng phim truyện truyền hình - Thực trạng và giải pháp”, do Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Liên hiệp Các hội VH-NT TP Hồ Chí Minh tổ chức, vừa diễn ra (7-6) tại khách sạn Kim Đô.
Nghiệp dư hóa làm phim?
Từ sự bức xúc tình trạng chất lượng phim truyện truyền hình Việt Nam đang có chiều hướng quá giảm sút; một số phim gây phản cảm trong dư luận như Anh chàng vượt thời gian, Xin thề anh nói thật…; nhiều phim mang tính thương mại hơn là phản ánh cuộc sống thực tế đã khiến không khí hội thảo “nóng” hơn khi những người trong cuộc bàn về sự sống còn của nghề nghiệp.
Trong phần đề dẫn, nhà biên kịch Ngô Ngọc Ngũ Long nhận xét lại những ưu, khuyết điểm của những bộ phim truyện truyền hình phát sóng trên các kênh VTV và HTV (cả phim của nhà nước và phim tư nhân). Sự tăng trưởng số lượng phim tăng dần từ 50 tập phim/năm (1994) đến 5.000 tập phim/năm (2011) không phải là câu chuyện xa vời.
Có điều, khi các nhà đài mở rộng xu hướng xã hội hóa làm phim, vấn đề chất lượng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu. Phim Việt làm người ta có cảm giác làm ra chỉ phục vụ quảng cáo, thương mại.
Xoáy vào trọng tâm vấn đề kịch bản phim, mối quan hệ giữa nhà biên kịch - đạo diễn và nhà sản xuất, các ý kiến của đạo diễn trẻ Nguyễn Minh Cao, các nhà biên kịch Ngô Hoàng Giang, Nhất Mai, Gia Linh đều phân tích “sự khập khiễng”, “góc tối” hay những điều bất cập vẫn xảy ra nhan nhản trong làng phim.
Việc làm phim theo hướng xã hội hóa, thời gian qua ít nhiều đã gây áp lực cho đạo diễn, diễn viên, một khi nhà sản xuất hướng đến các đối tác quảng cáo. Kinh phí là vấn đề nhức nhối đối với những nhà làm phim tâm huyết.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trong bài tham luận nêu tương đối xác đáng về câu chuyện “cào bằng” kinh phí làm phim. Đó cũng là một trong những yếu tố làm cho phim Việt dở. Nhìn ở góc độ diễn xuất, NSƯT Kim Xuân, diễn viên Kim Phượng, Hạnh Thúy đều bày tỏ những áp lực nghề nghiệp, sự thiếu chuyên nghiệp của một số diễn viên, làm ảnh hưởng đến đoàn phim.
Cơ chế duyệt phim lỏng lẻo!
Một vấn đề khá quan trọng của chất lượng phim là công việc duyệt phim và hội đồng duyệt phim được phân tích qua tham luận của nhà báo Hoàng Đăng (Hà Nội). Ông nhận xét: một dự án 30 - 40 tập, thậm chí cả trăm tập nhưng chỉ xem đề cương kịch bản và ít nhất 10 tập kịch bản. Điều đó chẳng khác gì “thầy bói xem voi”, nhất là trong tình trạng phim VN thường “đầu voi đuôi chuột” - càng về sau càng đuối.
Về những người duyệt phim, theo thông tư số 08/2010/TT-BVHTTDL ngày 18-8-2010 của Bộ VH-TT-DL “Quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình”, hội đồng từ năm thành viên trở lên gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên là người đại diện cơ quan quyết định thành lập, người có chuyên môn về quản lý và hoạt động điện ảnh, có uy tín và do người đứng đầu đài ký quyết định ban hành.
Kết luận của hội đồng do chủ tịch hoặc phó chủ tịch được chủ tịch ủy quyền ký phải được 2/3 thành viên trở lên có mặt tán thành hoặc từ 2/3 trở lên số thành viên đã gửi phiếu thẩm định trong trường hợp hội đồng không họp.
Thế nhưng đã không ít trường hợp gần như để “lọt” những phim chưa đảm bảo yêu cầu như Anh chàng vượt thời gian, hay phim mới phát sóng một tập đã bị tạm dừng Hãy cùng em điệu Sarikakeo!
KIM ỬNG