Lo ngại chất thải nguy hại

Chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt cần phải được phân loại và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý. Quy trình này cần được thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên cho đến nay, lượng chất thải này vẫn chưa được chuyển giao, thu gom đúng với yêu cầu cần thiết đối với loại chất thải này.

Chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt cần phải được phân loại và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý. Quy trình này cần được thực hiện chặt chẽ. Tuy nhiên cho đến nay, lượng chất thải này vẫn chưa được chuyển giao, thu gom đúng với yêu cầu cần thiết đối với loại chất thải này.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM không ít lần cảnh báo, hiện trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận khoảng 600 tấn chất thải nguy hại. Trong đó, có 300 tấn chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Số còn lại được vận chuyển từ các tỉnh lân cận. Việc quản lý cũng như xử lý loại chất thải này hiện rất phức tạp. Với những đơn vị có chức năng thu gom và xử lý do TPHCM cấp phép thì còn có báo cáo kết quả thu gom và xử lý, còn với những đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, có chức năng thu gom loại chất thải liên tỉnh, thành thì gần như không thể quản lý được. Đối chiếu từ thực tế lượng chất thải thu gom với lượng chất thải được xử lý tại TPHCM cho thấy có một sự chênh lệch nhất định. Trung bình công suất xử lý của các cơ sở xử lý tại TP khoảng chưa đến 300/tấn/ngày, trong khi số lượng thu gom là 600 tấn/ngày. Chưa kể, lượng lớn chất thải nguy hại phát sinh từ rác thải sinh hoạt của người dân không được phân loại và thu gom chung với rác thải sinh hoạt. Cho nên vẫn đang có lượng lớn chất thải nguy hại đang phát tán ra môi trường.

Lý giải thực trạng trên, nhìn từ tổng thể hoạt động xử lý chất thải nguy hại cho thấy, hiện chưa có nhiều những doanh nghiệp đủ lớn để thu gom và xử lý loại chất thải này. Tại TPHCM, hiện chỉ mới có một đơn vị được xem là đầu tư công nghệ với quy mô công nghiệp đủ để tiếp nhận và xử lý an toàn với môi trường đối với loại chất thải này. Còn lại gần 20 cơ sở sản xuất nhỏ có công suất xử lý chỉ vài chục tấn/ngày. Đã thế, không ít đơn vị này trong quá trình xử lý chất thải không đáp ứng các tiêu chí về an toàn môi trường. Thế nhưng, bất chấp hạ tầng xử lý chất thải nguy hại còn nhiều bất cập, không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn môi trường nhưng vẫn có khá nhiều cơ sở tư nhân tham gia. Bởi giá thành chuyển giao loại chất thải trên hết sức hấp dẫn. Trung bình các đơn vị nhận chuyển giao với giá từ 4 triệu - 12 triệu đồng/tấn chất thải. Thậm chí, những lúc cao điểm, mỗi tấn chất thải nguy hại, doanh nghiệp phải chuyển giao lên đến 40 triệu đồng/tấn.

Lượng chất thải thu gom nhiều nhưng khả năng xử lý lại ít. Hệ quả là trên địa bàn thành phố, nhất là những khu vực vùng ven, những khu đất trống, đất đang chờ quy hoạch phát sinh rất nhiều bãi chứa chất thải tự phát. Trong thời gian qua, việc xử phạt những đối tượng có hành vi vi phạm môi trường dù đã được các cơ quan chức năng tăng cường; hình thức và mức phạt cũng đã được điều chỉnh theo hướng tăng gấp nhiều lần nhưng vẫn chưa thể chấn chỉnh được hành vi thải, bỏ lén chất thải nguy hại ra môi trường.

Thiết nghĩ, trong tương lai gần, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng người dân đổ dồn về các đô thị như TPHCM tăng nhanh trong khi các biện pháp nhằm buộc người dân phải thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả, thì sẽ có lượng lớn chất thải nguy hại phát sinh ra môi trường khó được kiểm soát. Cộng với tình trạng xử lý chất thải nguy hại của các cơ sở không đáp ứng kịp yêu cầu an toàn môi trường sẽ dẫn đến chất lượng môi trường xấu là điều khó tránh khỏi!

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục