Loại bỏ việc thi đua hình thức, "chạy chọt" khen thưởng - Bài 4: Đổi mới, đột phá trong công tác thi đua, khen thưởng

Thi đua khen thưởng (TĐKT) là động lực nhằm phát triển kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ chế độ chính trị, xã hội. Đây cũng là công cụ quản lý quan trọng để xây dựng con người mới, khơi dậy trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào dân tộc của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân.

Năm 2023, chúng ta kỷ niệm 75 năm Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến nay, tư tưởng về TĐKT của Bác vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Luật TĐKT 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024, được coi là sẽ tạo đột phá cho công tác TĐKT trong thời gian tới. Báo SGGP ghi nhận một số hiến kế tâm huyết về nội dung này.

Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên) được tuyên dương nhà giáo tiêu biểu

Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Phan Đình Giót (Điện Biên) được tuyên dương nhà giáo tiêu biểu

Bộ trưởng Bộ Nội vụ PHẠM THỊ THANH TRÀ: Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó

Thế giới chỉ có duy nhất Việt Nam có Luật TĐKT để thực hiện thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua (các nước chỉ có luật khen thưởng). Luật TĐKT lần này thể hiện rất đầy đủ, toàn diện về mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, đồng thời vẫn đảm bảo được những yêu cầu đổi mới là thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó và có thành tích thì được khen thưởng, hướng về những đối tượng đặc thù rất toàn diện, rất bao quát.

Luật TĐKT lần này hướng mạnh vào việc khen thưởng cho các tổ chức cơ sở nhỏ, vùng sâu, vùng xa, người lao động, trực tiếp đi vào đời sống và phát huy tác dụng tích cực; quan tâm hơn đến khu vực ngoài công lập, doanh nghiệp tư nhân; khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích”, “lũy kế thành tích”; khắc phục thi đua mang tính thành tích…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội MAI THỊ PHƯƠNG HOA: Khen thưởng cán bộ có cách làm đột phá, sáng tạo

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 ngày 22-9-2021 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, trong đó yêu cầu biểu dương, khen thưởng xứng đáng, ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao. Lịch sử đã chứng kiến nhiều tấm gương đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với quyết sách “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc những năm 1966-1968, một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương ban hành chính sách khoán 100 và khoán 10, làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp Việt Nam; là nữ Anh hùng lao động Ba Thi với kỳ tích “cởi trói” cho hạt gạo tại TPHCM và ĐBSCL năm 1977-1978, góp phần bỏ chế độ bao cấp gạo; Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đường dây tải điện 500KV…

Kết luận 14 của Bộ Chính trị cần được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật khen thưởng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, nhất là trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu chùng xuống, sợ sai, không dám làm vì sợ trách nhiệm.

Trưởng Ban TĐKT Trung ương PHẠM HUY GIANG: Người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo bình xét khen thưởng

Để hạn chế khen thưởng sai, Luật TĐKT 2022 đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đánh giá thành tích và chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng. Đồng thời, luật quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong TĐKT, trong đó có hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trái pháp luật”.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo việc bình xét và đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích thực sự tiêu biểu trong phong trào thi đua, đảm bảo nguyên tắc chính xác, khách quan, công bằng, minh bạch, kịp thời, đúng người, đúng việc, không có sự nể nang, cào bằng.

Đại biểu Quốc hội TÔ THỊ BÍCH CHÂU (TPHCM): Khen thưởng, vinh danh những nghĩa cử cao đẹp

Nên rà soát, mở rộng để có những quy định khen thưởng, vinh danh những hành động đột xuất, những nghĩa cử cao đẹp, ủng hộ tài lực, vật lực cho công cuộc phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, cần khen thưởng xứng đáng những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp thời điểm đó rất khó khăn nhưng đã chắt chiu từng đồng tiền của mình để ủng hộ cho quỹ vaccine và những nguồn quỹ khác để chăm lo cho hệ thống y tế, những túi an sinh cho người dân. Chúng ta không cào bằng mà cần có những quy định, quy trình để khen thưởng những hành động đột xuất trong tình huống khẩn cấp, trong thảm họa, chiến tranh.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, có 70 cá nhân và tập thể doanh nghiệp được vinh danh, khen thưởng; hơn 1.500 cá nhân và tập thể được khen thưởng trong phòng chống dịch, như thế là chưa đủ. 15.000 tỷ đồng để mua vaccine ngừa Covid-19, trong đó 1/2 là của nhân dân đóng góp, tại sao chúng ta lại khen thưởng quá ít? Phải có sự công bằng cũng như khuyến khích, động viên kịp thời để nếu đại dịch trở lại, toàn thể nhân dân lại chung tay.

GS-TSKH PHAN XUÂN SƠN, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Phát động thi đua nhưng không xác định mục tiêu

Tư tưởng thi đua yêu nước của Bác Hồ rất dễ hiểu, thi đua là những việc hàng ngày, không phải là những gì to tát, thi đua là để phát huy sự sáng tạo của nhân dân. Nhưng hiện nhiều nơi phát động thi đua nhưng không xác định được mục tiêu cụ thể, để giải quyết một nhiệm vụ cụ thể nào đó. Và đặc biệt, thi đua là phải mang lại lợi ích cụ thể cho người dân, thi đua phải gắn với khen thưởng, đề bạt cán bộ. Nếu thi đua thiếu mục tiêu cụ thể thì là hình thức, khen thưởng không đúng người đúng việc thì không ai thích thi đua. Phải khắc phục ngay những biểu hiện lệch lạc trong thi đua, khen thưởng. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, phải đưa tiêu chí 6 dám: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách” vào thi đua, khen thưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN ANH TRÍ (Hà Nội): Tăng cường việc khen thưởng đột xuất

Hình thức thư khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, hay thư khen của các đồng chí lãnh đạo hết sức cao quý, có tính động viên kịp thời người được khen, đặc biệt phù hợp với tính chất khen thưởng đột xuất, do đó rất nên chú trọng trong công tác khen thưởng hiện nay.

Triển khai Luật TĐKT phải khích lệ, động viên được phong trào thi đua mạnh mẽ và khát vọng cống hiến của mỗi người con Việt Nam; không phân biệt công chức hay là người dân, không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên, lao động, chỉ có như thế mới thực sự thể hiện được vai trò đòn bẩy cho khát vọng cống hiến vì lòng yêu nước như Bác Hồ mong muốn.

Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần lớn lao cho cộng đồng, xã hội; cần phát hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao và đột xuất, có những hành động cao đẹp, được xã hội tôn vinh, trân trọng, ngưỡng mộ; chú trọng khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2023), ngày 9-6, Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) tổ chức triển lãm tư liệu Vang mãi Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Với 600 tư liệu được trưng bày, các nội dung tại triển lãm góp phần khẳng định sự trường tồn của tinh thần thi đua yêu nước. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 19-6. Cùng ngày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh, với hơn 200 tài liệu và hiện vật. Dịp này, bảo tàng tiếp nhận một số hiện vật đặc biệt, như: máy ảnh và bản thảo sách viết về phong trào thi đua nghìn việc tốt của AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn; bộ đồ tập thể thao gắn với thành tích ở SEA Games 32 của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh… (MAI AN)

Tin cùng chuyên mục