Loại bỏ việc thi đua hình thức, "chạy chọt" khen thưởng - Bài 2: Hậu quả nguy hiểm khi khen thưởng… nhầm

Khen thưởng đúng người, đúng thành tích trở thành động lực to lớn để mỗi tập thể, cá nhân lại ra sức thi đua, cống hiến. Thế nhưng, nếu thi đua không thực chất, khen thưởng “nhầm” thì hậu quả lại vô cùng nguy hiểm, bởi khi danh hiệu khen thưởng bị thu hồi, hay được trưng ra để xin “giảm án” thì sẽ làm mất niềm tin của người dân.
Ông Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hầu tòa trong vụ án liên quan Công ty VNPharma
Ông Trương Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, hầu tòa trong vụ án liên quan Công ty VNPharma

Hủy bỏ khen thưởng do "nhúng chàm"

Cuối năm 2021 và cả năm 2022, đại án liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á trong việc nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 gây rúng động dư luận. Cho đến nay, vụ án vẫn đang được Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra. Tính đến tháng 2-2023, với vụ án này, cơ quan chức năng đã khởi tố 104 bị can; phong tỏa, kê biên khoảng 1.700 tỷ đồng sai phạm. Nhiều lãnh đạo cấp cao, cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ KH-CN và lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, sở y tế các tỉnh, thành đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 23-6-2022, Chủ tịch nước đã ký quyết định hủy bỏ quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba đối với Công ty Việt Á.

Trước đó, tháng 5-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã hủy bỏ quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, do đã bị khởi tố tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; hủy bỏ quyết định khen thưởng danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì đối với Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam.

Tương tự, tháng 2-2022, Ban Thi đua Khen thưởng (TĐKT) tỉnh Hà Tĩnh có văn bản lấy ý kiến nhân dân về việc ông Lê Đình Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, được đề xuất tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba. Do có dư luận về một số vi phạm của ông này trong quá trình công tác và sau khi có ý kiến xác nhận từ thanh tra tỉnh, UBND TP Hà Tĩnh, Hội đồng TĐKT tỉnh Hà Tĩnh đã dừng việc khen thưởng đối với ông Sơn.

Gần đây nhất, đầu năm 2023, UBND TP Hà Nội quyết định hủy bỏ, thu hồi danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú” đối với ông Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, sau đó làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai). Vào năm 2016, ông Nguyễn Quang Tuấn được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú”. Ở thời điểm năm 2016, ông Tuấn được đánh giá là một trong những bác sĩ được đào tạo bài bản về lĩnh vực tim mạch tại Pháp. Thời gian này, ông Tuấn giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, thành viên Hội Tim mạch Hoa Kỳ…

Bên cạnh đó, ông còn là đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ngoài danh hiệu trên, ông Tuấn còn được trao tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2014; danh hiệu Người tốt, việc tốt cấp thành phố năm 2015. Vào cuối tháng 10-2021, ông Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố do liên quan tới “Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” thời kỳ là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trong khi đó, ông Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) và ông Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), mỗi người nhận 14,5 tỷ đồng tiền hối lộ mà Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) đưa trong quá trình thực hiện dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. Theo hồ sơ, ông Trần Đình Thành trong quá trình công tác từng được tặng Huân chương Lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Còn ông Đinh Quốc Thái từng nhận 52 giấy chứng nhận thành tích trong công tác do các bộ, ban, ngành tỉnh Đồng Nai tặng thưởng. Những sai phạm của 2 nguyên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị phát giác khi cơ quan điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai. 2 người này bị khởi tố, bắt giam tháng 10-2022 với cáo buộc nhận hối lộ...

Có thể thấy, những năm gần đây, cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước quyết liệt thực hiện, nhiều cán bộ cấp cao, quan chức bị phát hiện đã “nhúng chàm” trong các vụ án hình sự. Hầu hết họ khi bị đưa ra xét xử đều nộp những danh hiệu, bằng khen như một “bảo bối” để xin giảm tội. Tháng 9-2022, trong phiên xét xử cấp phúc thẩm cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Công ty VNPharma, ông Cường đã trình 51 bằng khen, giấy tờ chứng minh thành tích trong quá trình công tác. Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án “tiếp tay” cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu số hóa tại TP Hà Nội, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nộp 85 bằng khen của người thân, gia đình để mong được giảm hình phạt tù…

"Đó là hệ quả của tình trạng nể nang nhau trong một đơn vị thi đua. Thực tế cũng đã cho thấy, chưa có vụ tham nhũng nào được phát hiện từ đơn vị, chi bộ, mà chủ yếu vẫn do bên ngoài phát hiện. Công tác đấu tranh nội bộ của chúng ta vẫn yếu kém" - GS-TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Còn thiếu thực chất

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) chỉ ra, trong thi đua hiện nay có những biểu hiện “lệch lạc” như nương nhẹ với những sai phạm của cá nhân để giành, giữ được những danh hiệu của tập thể, vì khi một cá nhân bị kỷ luật thì cả tập thể đó bị mất danh hiệu, hạ bậc thi đua. Bên cạnh đó, có hiện tượng sao chép sáng kiến, đề xuất cải tiến để đạt danh hiệu thi đua, thậm chí việc sao chép này diễn ra xuyên tỉnh thành.

GS-TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ ra tình trạng khen thưởng “theo niên hạn”, đến hẹn lại lên, tuần tự, đã có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì dễ được Huân chương Lao động hạng ba, rồi lên hạng hai, hạng nhất... Trong khi lại có những trường hợp, nhiều người thành tích xuất sắc nhưng không được các danh hiệu khen thưởng vì không qua nổi vòng “bỏ phiếu”. Nguyên nhân chính là bệnh thành tích trong thi đua, thi đua không thực chất, chưa gắn thi đua thực sự với đánh giá, tưởng thưởng, đề bạt cán bộ.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), nhiều người sau khen thưởng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cho thấy công tác TĐKT vẫn còn hạn chế, thiếu thận trọng và “thật buồn khi chúng ta khen thưởng “nhầm”, nhất là với những khen thưởng bậc cao”. TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), cũng cho rằng, những trường hợp vừa khen thưởng xong đã bị kỷ luật thì rõ ràng khen thưởng đó là không thực chất, cần phải xem lại công tác TĐKT hiện nay.

Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích, nhiều người nhờ vào danh hiệu khen thưởng mà được thăng tiến, lên hàm, tăng lương, được cả xã hội tung hô. Với một số cơ quan thì danh hiệu khen thưởng là một cách để họ quảng bá, bảo vệ quyền lợi, thậm chí che giấu vi phạm dưới vỏ bọc là những danh hiệu hào nhoáng. Một tập thể muốn “nịnh” thủ trưởng thì đưa thủ trưởng vào danh sách đề xuất khen thưởng. Những trường hợp khen thưởng “nhầm” có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả trường hợp cố ý ban tặng danh hiệu, coi đó là món quà hoặc là cách để “nịnh nọt”, thậm chí là sự “chạy chọt”.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra: “Việc mất nhiều cán bộ cấp cao qua những vụ án vừa qua càng cho thấy sự tệ hại của thói quen bỏ phiếu cho thủ trưởng, là biểu hiện của việc “nịnh bợ” lãnh đạo. Điều đó cũng cho thấy chúng ta thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đấu tranh trong nội bộ chưa mạnh, chưa đạt yêu cầu”. Theo ông Túc, đó cũng là hệ lụy của tình trạng “chạy”: chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy quyền, chạy chức, thậm chí cả chạy tội. Trong khi, lẽ ra lãnh đạo, cán bộ càng ở vị trí cao càng phải gương mẫu.

Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang thừa nhận, vấn đề khen thưởng “nhầm” xảy ra do liên quan tới bước duyệt hồ sơ khen thưởng ban đầu, đặc biệt là các cấp ký, trình. “Chúng tôi là cơ quan trình, còn những người quản lý trực tiếp cán bộ cần phải nắm chắc quá trình làm việc, cống hiến của cán bộ để trình khen thưởng cho đúng”, ông Phạm Huy Giang nói.

Theo các chuyên gia, khen thưởng bậc cao là những danh hiệu cao quý, nên nếu công tác TĐKT không thận trọng thì những thứ cao quý đó sẽ trở nên tầm thường, xã hội mất lòng tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Trung ương, đã yêu cầu rà soát, bảo đảm khen thưởng công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, đúng người, đúng việc, đúng đối tượng, kịp thời; dứt khoát chống tiêu cực, “chạy chọt” trong TĐKT, tránh “vừa khen thưởng xong lại xem xét kỷ luật”.

Tin cùng chuyên mục